Kỷ vật

08:34, 29/04/2018

Khi lớp đất mỏng cuối cùng của nấm mộ được gạt ra, mấy người cùng đồng thanh reo lên: Đúng rồi, đúng rồi. Rồi ai nấy đều không cầm được nước mắt.

Nhìn thấy chiếc bình toong tuy có hơi han gỉ nhưng chỗ khắc số 30-4 vẫn còn nguyên, ông Hải kêu lên:

- Chính xác là đồng chí rồi, đồng chí Việt ơi.

Cầm cái bình toong trong tay, giữa làn khói hương nghi ngút, ông Hà như sống lại những kỷ niệm chiến trường ác liệt, cháy bỏng với thuốc súng, bom đạn ngày nào.

... Đó là thời kỳ khủng khiếp nhất của mặt trận Quảng Trị. Tiểu đoàn được cấp trên điều đồng chí Việt về thay cho chính trị viên cũ đã hy sinh. Chính trị viên mới còn trẻ, người tầm thước, da trắng thư sinh nhưng giọng nói trầm ấm, chắc nịch. Đặc biệt, anh còn thể hiện là người có học, rất tâm lý với đồng đội. Anh được anh em mến phục vì sự gần gũi và lòng dũng cảm. Những trận phục kích đánh địch, anh thoắt ẩn thoắt hiện đến từng chốt kiểm tra và động viên các chiến sĩ. Lúc có anh em bị thương, anh có mặt kịp thời để đôn đốc băng bó, cứu chữa. Lúc nào bên người anh cũng mang theo bình toong nước. Trên mảnh đất cát nóng bỏng, nắng như thiêu như đốt thì những giọt nước được anh chia sẻ cho anh em nhấp môi cũng tựa như những giọt sữa mẹ ngọt ngào cho đứa trẻ lúc đói khát. Nó làm cho anh em thêm chắc tay súng và lòng căm thù giặc dâng trào.

Nhớ có một lần, đơn vị bị pháo kích dữ dội lại kèm theo địch nống ra. Với lực lượng rất chênh lệch cả về con người và vũ khí nên anh em bị thương vong khá nhiều. Anh Việt cũng bị thương vào bắp đùi, mặc dù vết thương không quá nặng nhưng máu chảy khá nhiều. Anh chỉ nhấp môi vài giọt nước, còn lại đưa cả bình toong chuyền tay cho anh em bị thương uống. Mọi người biết sự quan tâm của chính trị viên nên cũng chắt chiu từng giọt nước quý giá đó.

Cậu Tuấn, lính mới được bổ sung vào đơn vị thì nhớ mãi kỷ niệm với chính trị viên. Mới đến được mấy ngày, chưa quen với thời tiết khắc nghiệt của vùng này nên Tuấn bị sốt nóng trên 40 độ, trán nóng như bốc lửa. Có lúc cậu mê man, nói sảng. Mặc dù trong bình toong không còn mấy nước nhưng anh Việt đã cho Tuấn uống chút ít rồi đổ ra khăn mặt, đắp lên trán cho Tuấn. Khi hạ sốt, Tuấn tỉnh lại thấy khăn đắp trên trán đã khô khốc, cậu biết mình đã được bàn tay của anh Việt chăm sóc nên cảm động lắm.

Anh Hà về đơn vị trước nhưng vẫn được chỉ huy tiểu đoàn phân công làm trợ lý quân lực. Hàng ngày anh được sống và chiến đấu cùng ban chỉ huy, nhất là chính trị viên Việt. Anh Việt tuy ít tuổi hơn nhưng luôn thể hiện trình độ trong việc nắm bắt tâm lý của anh em và quản lý nhân lực. Anh bảo:

- Mình làm quân lực là phải nắm chắc về lý lịch, gia cảnh, nguồn gốc, sức khỏe, tính cách của các anh em một cách tỏ tường ngay từ đầu thì khi mình phân bổ mới sát, mới có hiệu quả. Một người lính trên mặt trận là vô cùng quý báu, họ có thể trở thành anh hùng nhưng mặt khác cũng có thể chết một cách lãng phí nếu ta không xếp họ ở một vị trí thích hợp.

Anh Hà nghe mà thấm thía, nhớ tới tận bây giờ. Trong những khoảng thời gian nghỉ ngắn ngủi, anh Việt lại đưa bình toong nước cho mọi người uống. Có mấy lần nhận được gói chè ở quê gửi vào, anh Hà cho vào bình toong, đổ nước sôi vào, chờ ngấm rồi rót ra cho anh em cùng thưởng thức. Anh cười rồi tự khen:

- Chè của quê tớ thật tuyệt. Nó vừa đắng lại vừa ngọt, có vị đất thấm mồ hôi, có vị nhựa của rễ cây, có vị quả chín rụng xuống. Uống vào nhớ đến mấy đời lính, các cậu nhỉ.

Lúc đó chẳng còn ai nhớ là mình đang ở vùng chiến sự nữa.

Trước ngày anh Việt hy sinh khoảng một tuần, sớm đó đi kiểm quân, anh Hà thấy ở mặt rộng của chiếc bình toong có khắc dòng số 30-4. Anh nghĩ mãi không ra dòng số đó có ý nghĩa gì. Lúc đó đã vào dịp cuối năm nên lại càng không thể đoán ra. Một tối, biết tình hình sắp vào giai đoạn rất khốc liệt, anh Việt tâm sự với anh Hà:

- Tớ đi chiến đấu còn hạnh phúc hơn chán mọi người. Có vợ lại có con trai cho nên dù tớ có hy sinh thì cũng thỏa mãn lắm. Còn có biết bao người thiệt thòi hơn tớ. Mà này, nếu tớ chết, khi chôn nhớ để cái bình toong trên bụng tớ nhé. Nó vừa mát mẻ lại vừa ấm áp.

Anh Hà nghe vậy định hỏi về dòng số thì có báo động nên không kịp.

Trận phản kích dữ dội của địch hòng chiếm lại cao điểm đã làm mất mấy trăm anh em. Anh Việt bị một quả pháo nổ ngay trước mặt, nửa thân trên bị vằm nát. Anh Hà cùng anh em đưa anh Việt đến mảnh đất cạnh ngôi chùa đổ nát, đào hố đặt thi thể xuống. Nhớ lời dặn, anh Hà để cái bình toong lên trên bụng anh Việt để ghi nhớ, biết đâu sau này đi tìm mộ sẽ không nhầm với ai khác.
May mắn cho ông Hà là sau đó chỉ bị thương nhẹ, được chuyển ngành về địa phương. Nay tuổi dù đã cao nhưng nhớ đến người cán bộ chỉ huy, ông đã giúp gia đình liệt sĩ Việt đi tìm mộ và chuyển về quê nhà.

Sau này cùng một số anh em còn sống thường hay ôn lại những kỷ niệm chiến trường nhưng vẫn chưa ai hiểu ý nghĩa của dòng số 30-4 khắc trên bình toong khi ấy. Có người lại đoán: Hay chính trị viên là nhà tiên tri, biết ngày 30-4 là ngày giải phóng Miền Nam.

Öng Hà đem suy nghĩ đó nói với bà Xuân là vợ liệt sĩ Việt, bà rơm rớm nước mắt tâm sự:

- Anh ấy đâu phải là nhà tiên tri, đó chỉ là trùng hợp. Anh ấy là người bình thường sống chan hòa với anh em nhưng lại rất thủy chung. Ngày 30-4 cũng là ngày cưới của chúng tôi, đêm đó anh đã để lại cho tôi thằng Nam đấy, hôm sau anh lên đường. Có thể trước lúc hy sinh anh đã nhớ về ngày cưới của chúng tôi. Anh thường viết thư về bảo với tôi là anh may mắn hơn bao người khác. Tôi cũng vậy, mất anh nhưng tôi còn thằng Nam, còn hai cháu nội. Sự hy sinh của anh không hề uổng phí cho Tổ quốc và gia đình. Mỗi lần đất nước kỷ niệm ngày 30-4, ngày giải phóng Miền Nam thì tôi cũng có dịp ôn lại kỷ niệm luôn ngày cưới các ông ạ. Chiếc bình toong mãi mãi là kỷ vật vô giá của gia đình chúng tôi.