Đưa con trai vòng vèo qua một số salon tóc mình vẫn hay làm để cắt tóc cho cu cậu trước khi đi du lịch nhưng quán nào cũng đông, tôi vô tình đỗ ở quán cây bàng góc chợ. Quán của người thương binh già một chân đi cà nhắc. Tôi đang tần ngần thì ông mở hộp xốp lấy ra chiếc kem ốc quế và bảo: - Cháu ăn đi đã rồi ngồi xem ông cắt tóc nhé? Cu cậu sau khi chén xong chiếc kem không biết vì kem ngon hay có thiện cảm với người đàn ông nụ cười sảng khoái mà đã đồng ý ngồi yên để ông cắt tóc.
Cắt xong, ông để con trai tôi tự soi gương và hỏi có ưng ý không, cu cậu gật đầu vui vẻ: - Đẹp ông ạ. Mà ông ơi, kem nhà ông ngon quá!
Những lần sau đó, cứ khi nào đến kỳ cắt tóc, cu cậu lại đòi mẹ đưa ra quán gốc bàng. Dần dà quen thân, tôi biết tên ông là Điền. Lần nào đến tôi cũng thấy quán ông khá đông khách. Tôi để ý với bất cứ ai ông cũng giữ thái độ nhã nhặn, thân thiện. Ông bảo tôi, cắt tóc cũng là một nghề làm dâu trăm họ, xung quanh chiếc ghế cắt tóc cũng lắm chuyện vui, buồn.
- Mỗi người khách đến tiệm cắt tóc la một câu chuyện khác nhau. Họ có thể nói từ chuyện thời sự trong nước, quốc tế đến chuyện làng, chuyện xóm. Và người cắt tóc phải biết lắng nghe những gì khách hàng nói.
- Ông thường xuyên đọc báo và nghe đài ạ? – Tôi tò mò trước việc một người thương binh già làm nghề cắt tóc cũng ham học hỏi thông tin như vậy.
- Đúng rồi cháu ạ. Mình đọc, mình nghe cũng là để cập nhật tin tức còn có chuyện nói với khách.
- Ông thích vậy để chiều cháu mang qua chỗ ông ít sách, báo cũ nhé. Nhà cháu cũng nhiều ạ. Ông thích đọc loại nào?
- Thế thì còn gì bằng. Sách gì hay là được cháu à. Vừa để mình đọc, vừa làm quà giết thời gian của khách.
Câu chuyện giữa chúng tôi đang dở dang thì ông Điền có khách. Là một cụ cao niên. Ông niềm nở nói với cụ về cách chăm sóc sức khỏe phòng bệnh xương khớp vào mùa đông. Giữa họ như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Tiếng lạch xạch của tông đơ, nhịp lắc cắc của kéo cứ đều đều vang lên.
Trước đây, ông Điền vừa bán kem, vừa đi cắt tóc dạo. Hai năm nay, ông xin phép tổ dân phố cho mở quán cắt tóc nam ở gốc bàng cuối chợ này. Ban đầu, nhiều người thấy ông là thương binh hiền lành lại ở cảnh gà trống con (cậu con trai đang là sinh viên trường đại học công nghệ thông tin) nên đến ủng hộ. Rồi dần dà, thấy ông cắt tóc đẹp, giá hợp lý nên giới thiệu thêm cho người khác nữa. Cậu con trai của ông tên Lực ngoan ngoãn và lễ phép. Biết hoàn cảnh của ông, tôi bàn với chồng xin cho Lực làm thêm ở quán cà phê của anh bạn. Cuộc sống của hai cha con gọi là tạm ổn trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người.
***
Hôm ấy, quán cắt tóc của ông Điền đóng cửa sớm. Tôi thấy ông đèo một người đàn bà luống tuổi đeo khẩu trang kín, dáng ngồi e dè như hai người mới quen. Gặp tôi đèo cu con qua quán, ông chào: Khách quý, khách quý. Sau này tôi mới biết đó là người vợ cũ của ông. Quá trình tìm mộ liệt sĩ trong miền trong, ông vô tình gặp lại người vợ cũ...
Cha ông Điền xưa làm nghề cắt tóc, ấy là tôi nghe ông Điền kể lại. Từ nhỏ, ông Điền đã thích nghề cắt tóc và được cha truyền dạy. Chiến tranh, ông Điền xung phong vào chiến trường đánh giặc. Đang trong chiến trường, một hôm ông gặp lại đồng hương và nghe tin dữ, bố mẹ và người thân của ông ở quê đã bị bom chết cả. Hòa bình lập lại, với nhiều vết thương trên người, ông về quê hương nhưng nhà chẳng còn ai. Ông Điền nối nghề cha, dựng lại quán cắt tóc ở cổng gốc đa của làng. Ngày qua ngày, vừa bán nước chè, vừa cắt tóc phục vụ bà con trong vùng. Bao năm lăn lộn ở chiến trường, ông vẫn thạo nghề. Rồi ông được giới thiệu cho một phụ nữ quá lứa lỡ thì làng bên. Hai mảnh đời nương tựa vào nhau, rồi vợ ông có bầu, sinh con, nhưng hạnh phúc kh ông đến với họ.
Đứa con đầu ra đời, trước mặt ông là một nhúm thịt đo đỏ, không có tay và không có mắt. Nó chưa kịp mở mắt chào đời đã vĩnh viễn không được làm người nữa. Rồi, vợ ông lại tiếp tục có bầu. May mắn hơn, lần này đứa bé sinh ra đầy đủ mắt mũi, chân tay. Lúc đỡ đẻ ở trạm xá, ông là người đầu tiên soi kỹ càng đủ bộ phận trên cơ thể của con. Nhưng càng lớn, da nó càng vàng ệch, thi thoảng khóc ré lên, miệng sùi bọt mép giẫy dụa không ai dỗ được. Chưa đầy 3 tuổi, nó lại bỏ vợ chồng ông ra góc vườn nằm cùng người anh xấu số.
Vợ ông, sau lần này người chẳng ra người. Đến lần thứ 3 mang thai, lại là một người con lành lặn. Nhưng cuộc sống khó khăn, cả gia đình trông vào cửa hàng nhỏ của vợ ông buôn bán. Rồi một đêm mưa gió, cô ấy bỏ ông ở lại cùng đứa con thơ dại, bỏ làng ra đi, không quên ẵm theo toàn bộ số tiền ông Điền tích cóp được. Có người nói cô ấy theo trai vào miền Nam, sinh con đàn con đống. Người lại nói, cô ấy chán đời, tự tử ở đâu mất xác. Nghe bao điều tiếng nhưng ông Điền chỉ chép miệng “Nếu có ai thương yêu thật thì cũng là phúc cho cô ấy”. Và khi thằng Lực lớn, đỗ đại học, ông rời làng lên thành phố làm đủ việc để lấy tiền nuôi con.
... Đúng như tôi đoán, người đàn bà hôm trước ông Điền đèo là mẹ đẻ của Lực. Tôi cũng không hiểu sao ông tin tưởng tôi để kể lại chuyện riêng của mình. Hồi trước, bà nghe lời dỗ ngon ngọt của tay lái buôn làng bên vào Nam góp vốn làm ăn. Chẳng hiểu buôn bán gì hàng bên Trung Quốc, bị bắt sạch. Ông chồng đi tù rồi, bà ấy ở lại một mình nhớ con nhưng chẳng dám về quê gặp. Vô tình gặp lại ông Điền tháng trước khi ông cùng gia đình đồng đội tìm mộ liệt sĩ trong Nam. Bà ấy bảo Lực là con riêng của bà ấy.
Tôi bất ngờ trước thông tin ông Điền nói với mình nên nghập ngừng:
- Bác còn yêu bà ấy không?
- Yêu thì không nhưng thương chưa hết. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh bà ấy ngồi như câm lặng trên giường ôm bộ quần áo của hai đứa con mới chết, bác lại không kìm được nước mắt. Vậy nên chuyện thằng Lực ăn học, bao năm qua, bác chỉ mong nó thành người tử tế và sống có ích. Bác sẽ lựa thời cơ để nói với nó sự thật, cho nó tự quyết định.
Không biết ông Điền đã nói với thằng Lực những gì, đợt sau, gặp tôi ông cười bảo, bà ấy đã xin được việc làm thuê ở quán bánh bao gần cổng trường thằng Lực học. Thôi thì chịu khó để kiếm đồng ra đồng vào cho cả nhà sinh hoạt và nuôi con. Đợi thằng Lực ra trường xin được việc, cả nhà sẽ về quê. Nhìn ánh mắt ông sáng lên niềm long lanh hy vọng, tôi cũng mừng cho ông. Mong những điều ông mơ ước sẽ sớm trở thành hiện thực.