Truyện của Nguyễn Kim Ngân
Cứu với… rắn… cứu tôi với… tiếng kêu hoảng loạn khiến mọi người đổ xô về phía nhà kho cuối chợ. Trên nền nhà, Khểnh mặt cắt không còn giọt máu, hai tay ôm lấy cẳng chân miệng ú ớ… có rắn... cứu tôi.
Năm móng chân trên bàn chân phải của Khểnh dần tím bầm lại, tiếng xôn xao ngày một lớn dần: Cho đi trạm xá thôi; chắc là hổ mang chúa rồi, có cho đi cũng không cứu được đâu… Tiếng kêu la của Khểnh thảm thiết hơn rồi bỗng nhiên tắt lịm. Đúng lúc ấy, một ông lão còm nhom, rẽ đám đông đang ồn ào bước vào. Ông lẳng lặng lấy đoạn dây chun được cắt ra từ săm xe đạp hỏng ga-ro ngay phần trên vết thương của Khểnh. Xong, ông lôi từ trong chiếc túi vải đã bạc màu ra một nắm lá còn tươi rói, vò nát, khẽ nhét vào miệng Khểnh, đồng thời vỗ nhẹ vào má Khểnh nhắc “nuốt, nuốt”, cứ thế cho đến khi thấy yết hầu Khểnh động đậy. Cho Khểnh nuốt xong nắm lá, ông quay lại nặn máu từ vết thương rồi lấy trong túi áo ra một lọ thủy tinh to chừng ngón tay cái, bên trong đựng một chất sền sệt màu trắng đục.
Chừng 10 phút sau, các móng chân của Khểnh trắng dần lại, Khểnh từ từ mở mắt. Ông lão tháo chiếc dây chun trên chân khểnh cho vào túi rồi lại lặng lẽ rẽ đám đông bước đi. Đám đông lại tiếp tục xì xèo: Tỉnh rồi; được cứu rồi; thuốc của ông lão tốt thật. Trong mớ âm thanh hỗn loạn ấy, bỗng có tiếng ai nói to hẳn như cố tình để người khác nghe thấy: Khinh rẻ ông lão nghèo khổ cho lắm vào! Hôm nay không có ông ấy thì đi chầu Diêm vương rồi.
***
Với bà con vùng cao xã Đại Đà, chợ có mái đình bắn bằng tôn che mưa, nắng, nền cán xi măng phẳng lì, sạch sẽ như thế này chẳng khác nào một giấc mộng đẹp đã thành sự thật. Chợ xây xong, các tiểu thương trong và ngoài xã háo hức đăng ký những vị trí thuận tiện, phù hợp với mặt hàng mình bán. Vui nhất là mấy mế chuyên bán thuốc nam gia truyền. Tính ra mặt hàng này chẳng lãi lờ nhiều nên các mế thuê chung một ô chợ rồi túm tụm bày mỗi người một bao tải thuốc. Những ngày mưa, bốn người căng chung mảnh áo mưa che tạm cho khỏi ướt. Tất nhiên phí chợ cho một chỗ ngồi mà mỗi mế phải đóng cũng được chia ra làm 4.
Bằng con mắt tinh tường, ông chủ chợ mới đã nhìn ra mấy mế, nên sau khi chợ hoàn thành, ông dành hẳn 4 ô ở vị trí thoáng đãng nhất chợ cho cắm biển “Bản sắc Đại Đà” cho các mế bán thuốc nam ngồi và chỉ thu phí chợ bằng 1/5 gian hàng của thương lái khác. Hôm khánh thành chợ, ông chủ phát biểu rằng, ông muốn giữ lại bản sắc của người dân Đại Đà. Sau hôm ấy ông chủ chợ mới về lại dưới xuôi, việc quản lý chợ được giao lại cho Khểnh, người của xã. Khểnh vốn không phải là người khéo ăn nói, nhưng được cái mạnh khỏe, chịu thương chịu khó nên cũng được cho là phù hợp. Hiềm nỗi, từ khi được “lên chức” quản lý, Khểnh thay đổi đến chóng mặt, vẻ thật thà, chất phác biến đâu mất, thay vào đó là bộ mặt hợm hĩnh, ra vẻ bề trên.
Bốn mế bán thuốc ở chợ cũng chính là bốn người dâu trưởng của dòng họ được lựa chọn để trao truyền phương thuốc của tổ tiên. Gần một năm trở lại đây, ngoài 4 mế, chợ Đại Đà có thêm một hàng thuốc nam nữa. Nghe nói, ông sống một mình ở bên kia ngọn núi Khau Côi. Ông bán thuốc trị rắn cắn. Vì không có tiền nộp phí nên mỗi phiên chợ, thấy trống chỗ nào ông lại ngồi ghé vào chỗ đó. Vừa là người lạ, vừa không có chỗ ngồi ổn định nên khách đến mua hàng của ông rất thưa thớt.
Sau khi nhận được sự ưu ái từ ông chủ chợ, 4 mế tụm lại bàn bạc rồi cử ra mế Mẩy là người lớn tuổi nhất dè dặt đề nghị với Khểnh: - Cháu Khểnh ơi, nhờ ơn của ông chủ, chỗ ngồi của mấy mế cũng rộng rãi, muốn xin phép cháu Khểnh cho ông lão bán thuốc trị rắn cắn đằng kia lại đây ngồi cùng, không biết ý cháu Khểnh thế nào?
Nghe vậy, Khểnh nói sẵng: - Đang giờ làm việc, tôi là cán bộ, ai là cháu của bà.
- Xin lỗi cán bộ Khểnh. Nhưng xin cán bộ Khểnh cho ông lão tội nghiệp kia lại đây ngồi cùng mấy già, đồ của ông ấy cũng không có nhiều, không tốn diện tích. Phí chợ, các già sẽ đóng góp đầy đủ mà không chừa phần của ông ấy.
- Sướng quá, các mụ dở quẻ à. Rách rưới như ông ta thì liệu có bao giờ biết biếu cán bộ được chai rượu, con gà không.
- Nhưng mà…
- Nhưng, nhưng cái gì, tôi chưa đuổi lão đi là may cho lão rồi. Nếu vẫn không biết điều, tôi sẽ cho lão cuốn xẻo khỏi đây.
Mế Mẩy và các mế không dám nói gì thêm chỉ nhìn nhau lắc đầu. Đó là một ngày trước khi Khểnh bị rắn cắn.
***
Một tuần sau khi được ông lão nghèo khổ cứu sống, người ta mới thấy Khểnh xuất hiện, vẻ mặt vênh váo mọi ngày đã biến mất, trên tay Khểnh là tấm biển có dòng chữ “thuốc gia truyền đặc trị rắn cắn”. Cắm tấm biển cạnh hàng của mấy mế bán thuốc nam xong, Khểnh đi ra chỗ bờ sông nơi ông lão ngồi. Một lát sau, ông lão cầm theo chiếc túi vải đi theo Khểnh ra nơi vừa cắm biển.
- Từ hôm nay, đây là chỗ ngồi của ông. Nói rồi Khểnh quay đi trước sự ngạc nhiên của các mế bên cạnh, lúc này ông lão mới lên tiếng.
- Cảm ơn các bà, tôi đã được nghe chuyện, vì muốn tốt cho tôi mà các bà bị mắng.
- Chúng tôi có giúp được gì đâu, cùng cảnh đi chợ như nhau, thấy ông ngồi ở đó chúng tôi áy náy lắm!
- Tôi không sao, vì thú thực tôi cũng không có ý định ở lại đây lâu. Chỗ ngồi này tôi đồng ý nhận cũng là để giúp anh Khểnh không còn cảm giác mắc nợ nhưng chắc tôi cũng chỉ ở lại đây vài ba phiên nữa mà thôi.
- Ông định đi đâu? Các mế sốt ruột hỏi.
- Nói thật là mấy tháng qua bán hàng khó khăn quá tôi đã định rời đi tìm nơi khác. Nhưng đúng hôm có suy nghĩ ấy, tôi lại nhìn thấy một con rắn độc rất to trườn lên từ phía bờ sông. Tôi lo nhỡ chả may nó cắn ai nên cứ nấn ná chưa đi ngay. Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng hái một nắm lá tươi mang theo. Bởi vì con rắn đó là loại rắn có nọc cực độc, muốn giải độc nhanh ngoài thuốc bôi, cần có thêm một nắm lá đó.
- Ông đi, lỡ con rắn đó quay lại cắn người nữa thì sao?
- Từ hôm nhìn thấy con rắn đó, về tôi đã ươm cây thuốc giống, tôi cũng đã có ý định dăm bữa, nửa tháng cây con lên sẽ tặng lại cho các bà để có ai gặp nạn thì cứu giúp. Xong việc đó rồi tôi mới đi.
Khểnh quay lại định dặn dò gì thêm ông lão vô tình nghe được câu chuyện của ông với các mế. Ông lão đã nhìn thấu tâm can hắn, đúng là Khểnh đã nghĩ bố trí cho ông một chỗ ngồi một thời gian để trả ơn ông cứu mạng. Khểnh ngửa mặt lên trời, cổ họng nghẹn tắc, Khểnh tự hứa với bản thân, từ nay sẽ khác.