Con nuôi

10:13, 20/04/2019

             Truyện của Nguyễn Anh Hòa   Còn một đoạn đường ngắn là tới lối rẽ vào nhà bà Mạc, ông Thỉnh vẫn thấy trong lòng phấp phỏng không yên. Vừa bước chân vào cửa, nghe có tiếng khóc từ bên trong vọng ra khiến ông Thỉnh chột dạ, đó là cô con dâu bà Mạc vợ của Hào. Khi thấy ông Thỉnh xuất hiện, nét mặt chị ta càng dầu dĩ:

-Con pha sữa rồi nấu cháo mẹ cũng chẳng ăn, mẹ dậy xem cậu Thỉnh về thăm mẹ đây này.

Bà Mạc khẽ cựa mình rồi từ từ hé mắt nhìn xung quanh. Ông Thỉnh nhìn thấy chị đã tỉnh liền tiến sát bên giường khẽ gọi: - Chị, em Thỉnh về thăm chị đây.

Bàn tay khẳng khiu của bà nắm chặt tay người em, sau vài giây im lặng, bà bảo:

- Cậu về đận này thật đúng lúc, tôi thấy an tâm phần nào.

- Có em và các cháu chăm sóc, chị không phải lo gì cả.

Ông Thỉnh vừa dứt lời, vợ Hào vội loe xoe: - Cậu xem, mẹ cháu ốm mà chú thím Tiến chả nhòm ngó gì cả.

- Anh chị ấy đi đâu?

- Cậu ở xa không biết, chú thím ấy chuyển lên Khe Thượng dựng nhà ở riêng được ba năm rồi.

- Tách ra ở riêng? Mà có riêng tư gì cũng phải qua lại trông nom mẹ chứ, đâu có thứ con bất hiếu như vậy.

Cách đây hơn hai chục năm, Tiến là đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài bến tàu, ông bà Mạc đưa về nuôi, lúc đó Tiến chưa đầy hai tuổi. Năm Tiến lên mười, ông Mạc chẳng may qua đời, bà Mạc một mình tần tảo nuôi hai đứa con ăn học, tới bây giờ khi Tiến đã khôn lớn trưởng thành nó lại đối xử với mẹ như vậy. Nửa giận, nửa buồn, ông quay sang hỏi bà Mạc:

-Có đúng không hả chị?

Chờ con dâu đi ra ngoài, bà Mạc mới dãi bày:

- Nói ra đây chưa chắc cậu đã tin, thằng Hào cháu cậu nghiện ma tuý rồi, không những thế nó còn bán đi mấy sào đất vườn nhà vẫn còn mắc nợ. Sợ em tranh của nên nó đã đuổi vợ chồng thằng Tiến ra ở riêng.

- Chuyện xảy ra quan trọng thế sao chị không thông tin cho em? Ông Thỉnh ngớ người.

- Tôi bảo cháu Tiến báo cậu, nhưng thằng Hào cấm không cho cậu biết. Bệnh của tôi không nặng lắm, nhà duy nhất chỉ còn tôi với cậu, nhắn cậu về để chị em được gần nhau.

Nghe bà Mạc kể, ông Thỉnh thấy mủi lòng, ái ngại cho hoàn cảnh của chị. Ông thanh minh để bà Mạc thông cảm:

-Trên điều động công tác xa suốt, thời gian về thăm chị không có, em xin chị thứ lỗi.

-Tôi không trách cậu, chỉ có điều lúc thằng Tiến ra ở riêng, Hào bỏ nhà đi thâu đêm suốt sáng, có khi đi biền biệt cả tháng trời, vợ nó phần chán cảnh gia đình, phần ngại công việc nên bỏ về nhà bố mẹ đẻ, đoán thể nào cậu cũng về, tối qua vợ nó mới đến đấy.

-Cơm nước hàng ngày ai chăm sóc chị?

-Vài tháng nay sức khoẻ tôi suy giảm đều có vợ chồng cháu Tiến thay nhau tới làm giúp. Ban nãy nghe vợ Hào nói, tôi thấy oan cho vợ chồng thằng Tiến, bởi vậy phải nói rõ sự thật cho cậu hiểu.

-Công việc trên Khe Thượng của vợ chồng cháu Tiến chị có nắm được không?

-Vợ chồng biết bảo nhau làm ăn, chịu khó chăn nuôi trồng trọt nên thu nhập cũng khá.

                                                                                                   ***

Cách nhà bà Mạc chừng bảy cây số, xóm Khe Thượng ém mình bên sườn núi. Gọi là xóm nhưng chỉ vẻn vẹn chục nóc nhà, người dân nơi đây sống chủ yếu làm vườn bãi và chăn nuôi gia súc. Năm đầu tiên mới đến lập nghiệp, vợ chồng Tiến tưởng chừng phải bỏ cuộc trước mảnh đất hoang vắng khô cằn. Với nghị lực vượt khó, được sự hỗ trợ của người bạn cùng xóm, Tiến vay mượn được ít vốn xây chuồng nuôi lợn nái, lãi mẹ đẻ lãi con, Tiến dự định lấy chăn nuôi làm hậu thuẫn, kết hợp với trồng ngô lai làm nguồn thức ăn cho đàn lợn. Chăn nuôi được hơn một năm vợ chồng Tiến đã trang trải hết số vốn nợ gốc, mở rộng chuồng trại, bổ sung thêm lợn nái. Ngoài việc gia đình, anh thường đến các vùng lân cận học hỏi kinh nghiệm của những người chăn nuôi nhiều năm, tìm hiểu tới đâu anh áp dụng vào thực tế, nhờ đó, mức thu nhập mỗi năm từ bốn năm chục triệu đã tăng gấp đôi.

Khe Thượng vốn là vùng đất cằn cỗi, ngoài cây ngô, các loại giống khác  kém phát triển. Nhân một chuyến lên thăm người bạn trên Bắc Sơn một vùng nổi tiếng về cây quýt, tai nghe chẳng bằng mắt thấy, Tiến mê mải ngắm những vườn quýt bạt ngàn, cây nào quả cũng sai chi chít, thưởng thức hương vị vừa thơm lại ngon. Phát hiện thấy chất đất ở đây rất giống nơi anh ở, Tiến liền xin giống quýt về trồng. Chỉ thời gian ngắn, quýt lớn rất nhanh so với các loại cây khác trong vườn. Một lần nữa Tiến thành công trong trồng trọt là đưa giống quýt Bắc Sơn về phát triển ở quê mình. Vườn bãi của vợ chồng anh số cây quýt đã lên  tới nghìn cây, đang hứa hẹn một vụ mùa thu hoạch. Làm theo Tiến, vài hộ  dân trong xóm lên Bắc Sơn mua cây giống về trồng.

Đang  mải quét chuồng lợn nghe thấy tiếng gọi ngoài cửa, Tiến dừng tay lên nhà thấy ông Thỉnh, anh mừng rỡ :

-Cậu về chơi ạ?

-Cậu về chiều qua, nghe nói anh chị lập nghiệp trên này cậu tới thăm, nhưng không ở chơi lâu, hiện giờ mẹ anh đang mệt.

-Cháu cũng biết vậy, hai ngày nay mải chăm đàn lợn con mới đẻ nên cháu chưa kịp sang, định lúc nữa nhà cháu về cùng đi một thể.

Không chần chừ, ông Thỉnh nói với tiến:

-Thế này vậy nhé, anh đưa cậu đi ngó một lượt mô hình mấy năm qua anh chị đã tạo dựng, sau đó cùng cậu về bên nhà được không?

-Vâng, cậu đã nói vậy cháu xin nghe lời.

Tiến đưa ông Thỉnh xem khu chăn nuôi liên hoàn. Chuồng trại thoáng mát sạch sẽ, mỗi chuồng được phân chia thành từng dạng lợn để tiện theo dõi chăm sóc, đàn lợn vài chục con đều khoẻ mạnh da dẻ hồng hào. Rời khu chăn nuôi, anh đưa ông Thỉnh ra thăm vườn đồi, mấy năm qua anh chị đã dồn công sức khai phá tạo dựng. Đứng ngắm cơ ngơi của đứa cháu, ông Thỉnh thấy hài lòng, vỗ nhẹ vai Tiến ông bảo:

-Cậu lên chơi chứng kiến thành quả lao động của vợ chồng cháu, lập nghiệp được như thế này cậu mừng lắm Tiến ạ.

Nói đến đó nét mặt ông Thỉnh bỗng trầm ngâm, ông tự trách mình thiếu quan tâm tới người chị mà ông kính trọng, ông chưa làm tròn trách nhiệm của người cậu khi để Hào lâm vào cảnh ma tuý nghiện ngập, còn hoài nghi đứa cháu mà ông vẫn hằng tin yêu. Tiến đã không phụ công cha mẹ đã cưu mang nuôi dạy nó nên người.

Bất giác ông Thỉnh thốt ra từ cửa miệng:

-Tiến ơi, cậu đã trách lầm, cháu thật xứng đáng là con trai nhà họ Phạm. Anh Mạc ơi! anh ở nơi xa, có linh thiêng xin anh hãy chứng giám và phù hộ cho những người thân trong nhà, anh nhé.