Ngày giỗ Tổ của hai đứa trẻ

13:06, 14/04/2019

 Truyện của Trương Thị Thúy Chị Hương ngồi chăm chú trước máy tính, đôi tay nhẹ lướt trên các phím, thi thoảng chị như bất động, nhắm mắt  lại một lúc rồi tiếp tục miệt mài gõ. Hai bố con anh Thành vừa về đến nhà, thằng cu Thắng vội vàng xuống xe chạy vào bên mẹ. Nó vừa để chiếc cặp sách lên bàn vừa hí hửng khoe:

- Mẹ ơi, bắt đầu từ mai, chúng con được nghỉ 3 ngày liền đấy.

Nghe giọng điệu hồ hởi của con chị Hương dừng tay quay ra véo nhẹ má nó, hỏi:

- Mẹ biết rồi, hôm nay con đi học có vui không?

Thằng bé sà đến quàng tay vào cổ mẹ:

- Vui lắm mẹ ạ, hôm nay cô giáo dạy lớp con đọc thơ đấy.

Và không để mẹ kịp hỏi, thằng bé đã nhanh nhảu đứng thẳng người, rồi đọc một mạch: Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba/ Dù ai buôn bán gần xa, nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng mười.

- Cô bảo chúng con được nghỉ vì là ngày giỗ Tổ. Mẹ ơi, Tổ là ai mà cả lớp, cả trường con đều được nghỉ vậy?

Nghe câu hỏi ngây thơ của cậu con trai lớp 1 , chị Hương nhẹ kéo con vào lòng, xoa đầu con thủ thỉ:

- Là giỗ các Vua Hùng đó con.

- À, đó là ông Vua làm bánh chưng, bánh giầy và ông Vua có cô công chúa xinh đẹp lấy chàng Sơn Tinh đúng không mẹ? Cả ông Vua đã đúc ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt cho Thánh Gióng đánh giặc nữa đúng không mẹ? Ngày xưa bà ngoại kể cho con nghe nhiều chuyện về Tổ lắm.

Chị Hương mỉm cười nghe con say sưa kể: Nghỉ giỗ Tổ, bạn Thanh, bạn Lâm được bố mẹ cho về quê chơi. Bạn Vinh thì được đi du lịch cùng cơ quan của bố. Bạn Đức sẽ đi thăm cô ở tận Sài Gòn cùng ông bà nội,… Rồi con níu tay chị nũng nịu:

- Hay mình về thăm ông bà ngoại đi mẹ, con nhớ ông bà ngoại quá! Lâu rồi con không được về thăm ông bà. Mình về thăm ông bà ngoại đi, con được nghỉ 3 ngày cơ mà.

 Nghe con nhỏ thỏ thẻ, chị bỗng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những ngày còn chưa theo chồng lập nghiệp mãi tận trong này. Mỗi dịp nghỉ lễ là mẹ chị lại tỉ mẩn làm những món bánh cho mấy đứa con. Chị cùng em gái hăng hái phụ mẹ, học mẹ làm bánh. Cả nhà chị thích nhất bánh trôi mẹ làm, thơm ngon, vừa vặn. Chị chưa bao giờ nghĩ mình lại có ngày đi xa nhà đến thế. Hơn một năm nay chị chưa về quê, nhiều lúc nhớ nhà đến quay quắt. Chị kéo con vào lòng:

- Không được con ạ.

- Đi mà mẹ.

- Để hè cả nhà mình cùng về thăm ông bà nhé. Giờ chỉ có 3 ngày, mình đi về không kịp con ạ. Cu Thắng ngoan, hè này nhất định mẹ sẽ cho con về thăm ông bà, nha.

- Da..ạ mẹ!

Nghe giọng kéo dài, có vẻ buồn thiu của con, chị Hương dỗ dành:

- Thế này nhé, ngày kia là mồng 10 tháng 3, mẹ sẽ làm bánh trôi cúng Tổ rồi cả nhà mình hưởng lộc, được không nào?

Thắng gật đầu vui vẻ rồi ngay lập tức mặt nó lại có vẻ tư lự, nó rụt rè:

- Mẹ ơi, mẹ làm nhiều nhiều nhé, con muốn mang cho bạn An nữa.

Nói rồi Thắng kể cho mẹ nghe về bạn An. Trong khi các bạn hào hứng kể ngày nghỉ dịp giỗ Tổ sẽ làm gì, đi chơi ở đâu thì An buồn thiu. An nói chỉ ở nhà thôi, An còn trông nhà cho bà ngoại đi mua nhôm nhựa nữa. Trong lớp, Thắng chơi thân với An. Hai đứa thường kể cho nhau nghe nhiều chuyện lắm. Chuyện mẹ Thắng vui thế nào khi câu chuyện mẹ viết được đăng báo; chuyện bà An hôm qua mua được nhiều vỏ lon bia; chuyện bố Thắng đi làm gặp trời mưa ướt hết về bị cảm lạnh, chuyện bà An sợ mớ bìa cát tông và giấy mới mua được bị mưa ướt nên phải trú mưa, cuối cùng tối muộn mới về đến nhà, làm An ở nhà một mình sợ muốn khóc đi được,… Thắng nhìn mẹ hỏi lại:

- Mẹ ơi, mẹ làm nhiều nhiều bánh nhé? Bà bạn An chắc không làm bánh cúng Tổ và cho bạn ăn đâu. Bạn ấy nói bà bảo tiền còn phải để mua gạo, mua mắm, mua đồ ăn nữa.

***

Ngày Quốc giỗ, chị Hương chở con đến nhà bạn mang theo cái hũ nhựa, bên trong đựng những viên bánh trôi nước tròn vo hòa với nước đường ngọt lịm, thơm mùi gừng. Đến con hẻm nhỏ đằng sau trường tiểu học của con, chị không khó để hỏi nhà bé Trọng An. Đi theo lời người chỉ đường tốt bụng vào mãi cuối hẻm sâu hun hút, mẹ con chị cũng tìm được đến nhà bà cháu An. Nhìn qua cánh cổng màu xanh đã cũ và bong tróc nhiều ở các nan sắt, chị Hương thấy một cậu bé đang ngồi dùng cây búa nhỏ đập bẹp những lon bia, người phụ nữ tầm ngoài sáu mươi đang cẩn thận gấp, xếp gọn những bìa cát tông thành từng mớ lớn và buộc lại. Vừa trông thấy bạn, Thắng gọi như reo:

- An! An ơi!

An nhìn ra, thấy bạn, nó bỏ búa chạy ngay ra mở cổng rồi kéo bạn vào, vừa đi nó vừa nói lớn giọng hớn hở:

- Bà ơi, bạn Thắng đây ạ, bạn thân nhất của con trên lớp đấy.

-Mẹ con cháu cháu chào bà - Chị Hương nhẹ nhàng

- Chào cô và cháu. Thắng đây hả, thằng An nhà bà ngày nào đi học về cũng kể chuyện của cháu đấy.

Khi mẹ Thắng và bà An ngồi nói chuyện, hai đứa trẻ cũng ngồi bên nhau ríu rít như những chú chim non tập hót. An dậy Thắng tập cầm búa đập bẹp lon bia vứt gọn sang một bên, thành đống. Nó giải thích làm như vậy để bà xếp vào bao mang đi cho được nhiều. Thắng gật gù ra vẻ đã hiểu. Như sực nhớ ra điều gì, Thắng vụt đứng dậy chạy ra xe xách chiếc túi mang vào khoe bạn:

- Tớ có quà cho bạn đây. Bánh trôi mẹ tớ làm ngon lắm.

Mẹ Thắng vội nói:

- Ấy, cháu quên mất. Cháu có làm ít bánh trôi, mang đến để hai bà cháu ăn giỗ Tổ.

Bà An chợt rưng rưng, vội đưa tay gạt giọt nước mắt đang trực lăn xuống má:

- Cám ơn cô. Từ ngày bố mẹ nó mất vì tai nạn lao động cách đây 3 năm, chưa bao giờ thằng bé lại cười vui như vậy. Để tôi lấy bát, lấy muỗng, hai mẹ con ăn cùng bà cháu tôi cho vui nhé.

Bà vừa nói vừa đứng dậy đi vào phía bếp ăn lấy mấy cái bát, muỗng ra. Hai người phụ nữ, hai đứa bé ngồi quây quần bên nhau, vừa ăn bánh, vừa nói chuyện vui vẻ. Thi thoảng Thắng và An lại cười như nắc nẻ, hình như chúng đang có dự định gì đó vui lắm.