Bí quyết của thành công

22:20, 31/05/2019

         Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG             Chưa đầy một tiếng đồng hồ mà tôi đã giải bay ba bài toán khó cô giáo cho về nhà. Tôi vươn vai một cái đến sái khớp và “tự sướng” một câu rất to: “Giỏi! Mình thế mà giỏi!”. Thì tôi đúng là học sinh giỏi toán nhất trường mà lại. Thế nhưng bố tôi lại cứ luôn răn dạy: “Học giỏi chưa phải là tất cả. Để nên người, bố thấy con còn thiếu nhiều thứ lắm”. “Ồ! Nhiều thứ là những thứ gì cơ chứ? Chả lẽ một người sắp được thay mặt học sinh toàn trường đi dự hội nghị học sinh giỏi toàn huyện như tôi mà lại còn thiếu nhiều thứ mới có thể nên người hay sao?”.

          Làm xong bài tập, tôi thấy cần tự thưởng cho mình một buổi đi bắn chim. Khu rừng trước mặt nhà tôi nhiều chim lắm. Giá tôi có tài thiện xạ như thằng Tăng ở lớp tôi thì mỗi ngày cứ gọi là một xâu chim mang về. Nhưng thú thật về khoản này thì tôi rất kém. Đã đứt mấy khẩu súng cao su rồi mà chưa thu về một chiến công nào. Thế mới chán, tôi luôn cay cú về chuyện này.

          Kìa! Một con chào mào sà xuống chỉ cách tôi khoảng chưa đầy chục mét. Cái ức của nó phơi trong nắng. Quá ngon. Tôi lắp viên bi ve vào súng. Phạch! Viên bi bay vút về phía trước, con chào mào bay vọt lên. Đúng lúc ấy, tiếng khóc thét lên từ phía sau ngôi nhà trước mặt làm tôi hoảng hồn. Vậy là viên đạn cao su tôi vừa bắn đã trúng vào một đứa nhỏ nào đấy. Tôi vội bò vào bụi rậm, ghé mắt nhìn. Trời! Là đứa con gái ông gác rừng. Tôi bủn rủn chân tay, chui tọt vào giữa bụi rậm. Ông gác rừng là một người rất dữ tợn. Ông ta mà biết thủ phạm gây ra cho con gái ông thì có lẽ toi đời.

          Chợt tiếng quát của ông gác rừng làm tôi giật thót mình:

     - A! Thằng mất dạy kia rồi! Mày có chạy đằng giời!

          Tôi rụt cổ, hé mắt nhìn qua kẽ bụi rậm. Ông gác rừng đang hùng hổ túm cổ thằng Tăng thiện xạ lớp tôi. Tăng cố giãy giụa:

     - Bỏ cháu ra. Không phải cháu bắn!

              - Không phải mày thì thằng nào. Tay mày còn đang cầm khẩu súng cao su rành rành đây.

          - Nhưng cháu vừa đi đến đây thôi, chưa bắn. Cháu mà bắn thì không phát nào trượt ra ngoài, ông hiểu không?

     - Lại còn chối, tao lên báo cáo ông hiệu trưởng cho mày biết tay.

     Thằng Tăng vẫn dõng dạc:

     - Cháu đã nói rồi, không phải cháu bắn. Nhưng việc cấp bách nhất bây giờ  là phải đưa em đi trạm xá để băng vết thương.

          Nói rồi, thằng Tăng ghé vai cõng đứa con gái ông gác rừng lên trạm xá.

          Nằm co ro trong bụi rậm mà người tôi nóng bừng như lên cơn sốt. Tôi len lén bò ra ngoài, lủi về nhà.

 

                                                                                                       * * *

 

          Hôm sau, trong buổi chào cờ, thằng Tăng bị “ăn” cảnh cáo trước toàn trường về tội lêu lổng, gây tai nạn nghiêm trọng.

          Ngồi bên dưới, tôi đỏ mặt vì xấu hổ. Nhưng chẳng còn cách nào hơn là im lặng. Đằng nào thì chiều hướng cũng đã diễn ra như thế rồi. Với lại, chỉ vài ngày nữa, tôi sẽ phải thay mặt học sinh toàn trường đi dự hội nghị học sinh giỏi toàn huyện. Nếu chuyện lộ ra, không phải chỉ là danh dự của cá nhân tôi mà còn ảnh hưởng đến cả trường.

          Sau rồi mọi chuyện cũng dần lắng xuống. Đứa con ông gác rừng đã lành vết thương.

          Cuối buổi học hôm ấy, thằng Tăng đón tôi ở cổng trường. Nó vừa tủm tỉm cười vừa đưa cho tôi một gói nhỏ, vẻ đầy bí ẩn:

              - Tớ gửi trả cậu vật này nhưng về nhà hãy mở.

          Về đến cổng, tôi vội giở gói giấy. Đó là một viên bi ve đã bị mẻ một miếng nhỏ. Chính là viên bi tôi đã dùng làm đạn súng cao su để bắn con chào mào mấy hôm trước. Tôi choáng váng vì bất ngờ. Thì ra thằng Tăng ngay từ hôm ấy đã biết thủ phạm bắn vào đầu con gái ông gác rừng là tôi, có điều nó không nói ra.

         Tôi vội chạy sang nhà Tăng. Thấy nó vẫn đón tôi bằng nụ cười tủm tỉm, tôi xấu hổ muốn chui xuống lỗ nẻ. Tôi ấp úng:

              - Tớ…tớ…là thằng bạn tồi phải không Tăng?

          Tăng khẽ cười:

              - Thôi, mọi chuyện cũng đã qua rồi. Không nhắc lại nữa.

              - Nhưng…

              - Hôm ấy, thấy ông gác rừng xông ra, tớ cũng hoảng lắm. Nhưng tớ nghĩ, nếu lúc ấy ông ta phát hiện ra thủ phạm chính là cậu thì có khi đổ máu. Còn tớ lại khác. Tớ hoàn toàn có quyền thanh minh chính đáng và đàng hoàng. Vì thế, tớ mới có được sự bình tĩnh. Mà bình tĩnh sẽ làm cho con người ta sáng suốt. Bố tớ vẫn dạy trong mọi trường hợp, không bao giờ được để mất bình tĩnh.

          Tôi ấp úng:

              - Tớ cảm ơn cậu nhiều lắm. Nhưng giá như hôm chào cờ…tớ…

              Tăng vô tư:

              - Thực ra hôm ấy tớ cũng rất mong cậu mạnh dạn đứng lên nhận lỗi về mình để tớ không bị oan. Thấy cậu im lặng, tớ cũng uất lắm, nhưng rồi nhớ lời bố tớ dặn là trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể để mất bình tĩnh nên tớ đã cho qua, chờ thêm vài ngày nữa để cậu có thể bình tĩnh lại. Và quả là đã có ngày hôm nay. Bố tớ đúng là tuyệt!

              Những lời lẽ vừa hùng hồn vừa tự hào về “bố tớ” của thằng Tăng làm lòng tôi tê tái… Tôi dứt khoát:

              - Ngày mai, tớ sẽ đến nhà thầy hiệu trưởng xin hủy việc đi dự hội nghị học sinh giỏi toàn huyện vì tớ thấy mình không xứng đáng và cũng là để giải oan cho cậu.

              - Kể ra như vậy cũng hơi buồn nhưng tùy cậu. Tớ chỉ hỏi thêm là làm vậy cậu có thấy thực sự thanh thản không? Có nghĩa là lòng đã bình tĩnh để nhìn nhận mọi việc chưa? Đại để không phải do sự gượng ép…

              Đang buồn thiu mà thấy mấy câu vòng vo ý tứ như… người lớn của thằng Tăng, tôi cũng phải phì cười. Tôi gật đầu:

              - Tất nhiên là tớ quyết định mọi chuyện trong sự bình tĩnh.

              Tăng hồ hởi:

              - Đúng vậy! Bình tĩnh là bí quyết của thành công. Bố tớ vẫn dạy như vậy.

              Bố thằng Tăng quả là tuyệt vời!