Người đọc ngược

09:37, 29/06/2019

Truyện ngắn của Hồ Thủy Giang Hồi trẻ tôi đẹp trai ngời ngời, lại học rất giỏi nhất khoa. Ngoài ra, những tài lẻ như đàn hát, bóng bàn, bóng đá bao giờ tôi cũng là một ngôi sao sáng chói của trường đại học. Bởi vậy, lúc nào tôi cũng có hàng chục các cô gái xinh đẹp quấn quýt bên cạnh. Có cô còn tuyên bố xanh rờn với mọi người rằng, chỉ cần tôi cười với cô một lần thôi là ngày hôm đó đối với cô là một ngày hạnh phúc nhất đời. Đến thế thì hỏi làm sao tôi có thể tránh khỏi chuyện giăng hoa. Hơn nữa, tôi đâu phải là típ người ép mình vào chủ nghĩa khắc kỷ. Vì thế, ngoài hai mươi tuổi tôi đã nổi tiếng khắp thành phố về tật trai gái. Chỉ trong vài năm, đã có tới cả chục cô gái mang nỗi hận tình với tôi. Nào tôi không định thế, nhưng biết làm sao được khi quanh tôi phan hâm mộ nhiều không kể xiết, mà lại toàn những cô sắc nước hương trời.

Thực ra, cái tội ba lăng nhăng của tôi, nói cho cùng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, không có chuyện vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Có chăng chỉ là mấy giọt nước mắt thất tình của tuổi trẻ đầy lãng mạn và dại dột. Chỉ có mẹ tôi là luôn lo lắng. Mẹ dạy, làm người dù thế nào cũng phải lấy chuyện thủy chung làm gốc. Mẹ cũng thư­ờng lấy tấm g­ương sáng của bố tôi để khuyên bảo tôi.

Đúng vậy, ngày ấy, bố tôi quả là một người mẫu mực. Ông có dáng hào hoa phong nhã lại có địa vị. Ngoài bốn mươi tuổi đã là giám đốc một sở quan trọng của tỉnh. Vậy mà gần hai mươi năm chung sống với mẹ, bố tôi không hề có một tai tiếng nhỏ trong chuyện bồ bịch lăng nhăng. Bố khác hẳn mấy ông có địa vị, luôn bị các cô thư ký trẻ bắt hồn. Quả thật, mẹ là một người đàn bà sướng nhất trần gian.

Những lúc có dịp tâm sự với tôi, bao giờ mẹ cũng không quên nói cái câu đã trở nên quá quen thuộc: “Anh nên học ngay bố anh ấy chứ chả xa xôi gì. Bố anh thời trẻ chỉ yêu có mình mẹ và đến tận bây giờ vẫn không hề tơ vư­ơng đến bất cứ một ngư­ời đàn bà nào khác”.

Tất nhiên tôi vô cùng cảm phục cụ ông và cũng không nỡ để ngoài tai lời khuyên của cụ bà. Nhưng quả thật, với một hoàn cảnh như hiện tại của tôi mà định trở thành một tấm gương sáng như bố thì khó quá.

Nhưng rồi có số đào hoa đến mấy thì cũng đến cái ngày tôi phải lấy vợ, đẻ con, lòng chôn dần những những cuộc tình đầy hấp dẫn.

Tới cái lúc con đầu lòng của tôi đã học lớp một nhưng mẹ vẫn phấp phỏng lo âu về cái tính trai gái lăng nhăng của tôi. Chỉ sợ tôi lại chạy theo một bóng hồng nào đó, để lại cô con dâu thảo hiền mà mẹ vô cùng yêu quý bơ vơ bóng chiếc.

Nhưng tới lúc này, tôi đã có thể không hề áy náy, khuyên mẹ hãy yên tâm. Lời khuyên của tôi hoàn toàn xuất phát từ đáy lòng chứ không phải kiểu nói đãi bôi cốt để mẹ yên lòng. Đúng như vậy. Có được điều ấy là bởi không hiểu tại sao từ ngày lấy vợ, tôi không hể để mắt đến bất cứ một cô gái nào khác, mặc dù xung quanh vẫn không ít cô tình nguyện làm phan hâm mộ của tôi. Có được điều ấy, có lẽ vì tôi đã có một người vợ lí tưởng chăng? Hay là bởi trong cuộc trường chinh tình ái, tôi đã là một kị sĩ quá mỏi mệt mà xuống ngựa? Mà cũng có thể, đến lúc này trong bản tính của tôi - nói theo quy luật của triết học - mới có sự chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành nhưng thay đổi về chất - để noi theo bố trở thành một người chồng tốt. Nhưng dù bất cứ nguyên nhân nào đi nữa thì quả thật lúc này tôi đã tự nhận thức mà dám quả quyết rằng mình đã hoàn toàn từ bỏ được căn bệnh giăng hoa.

 Thế nhưng rồi bỗng d­ưng - tôi nói “bỗng dư­ng” không hiểu có hợp lẽ đời không - nh­ưng quả là từ dạo về h­ưu bố tôi bỗng dư­ng thay đổi tất cả. Ông la cà vào các quán bia đèn mờ, mon men tới các hộp đêm. Đáng sợ nhất là gần đây ông còn công khai cặp bồ với một cô nhân viên quán cà phê trá hình mới ngoài hai mươi tuổi, bất chấp mọi lời can ngăn và những giọt nư­ớc mắt cay đắng của mẹ tôi.

Nheo nheo cặp mắt đã đục hơi s­ương, mẹ thiểu não bảo tôi:

- Mẹ lo lắm! Không phải là lo cho bố anh. Bố anh thì đã đi một lẽ rồi, không còn cứu vãn được nữa. Đành cắn răng mà chịu thôi. Nhưng mẹ chỉ lo cho anh. Ngày trước bố anh  nghiêm chỉnh, đứng đắn, đạo mạo là thế mà bây giờ còn hỏng, thì anh, hồi trẻ vốn tính khí đã lăng nhăng bừa bãi, đến lúc về già không hiểu sẽ còn đổ đốn đến đâu nữa. Vậy thì vợ con anh còn khổ tới mức nào?

Hổn hển khuyên tôi bằng một giọng đầy lo lắng, rồi mẹ thở dài đánh thượt. Nhưng giọt nước mắt tuyệt vọng không ngừng  lăn dài trên gò má nhăn nheo của mẹ.

Nhìn dáng tiều tụy, đầy bất lực của mẹ, tôi hiểu rằng không thể dùng những lời lẽ thông thường hoặc những lời hứa suông để làm trái tim mẹ bớt đau. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy một câu vừa vui vui vừa có vẻ triết lí để nói với mẹ:

- Không có gì đáng ngại đâu mẹ ạ. Sống ở đời cũng giống như­ đọc một cuốn sách. Con thì đọc từ trang đầu tới trang cuối, còn bố thì đọc ngư­ợc từ trang cuối trở về trang đầu. Vì vậy, chuyện của con, xin mẹ cứ yên tâm.

Một câu nói hoa mỹ, nhưng là một giáo viên dạy văn về hưu, tôi tin là mẹ hiểu.