Chuyến đi cuối cùng

15:06, 20/07/2019

Cứ đến ngày này, tháng này, ông Hòa lại bồi hồi xúc động. Quá khứ những năm tháng hào hùng ở chiến trường xưa lại ùa về. Với cái nạng gỗ, ông đi ra đầu nhà, tập tễnh từng bước lên gò đồi chè. Đứng dưới bóng cây xanh mát, đôi mắt đau đáu nhìn về hướng nam, nơi ông và đồng đội đã có những chuyến đi không bao giờ quên. Đặc biệt chuyến đi cuối cùng đã qua mấy chục năm. Với Hòa, dù không giữ được chân phải nhưng kỷ niệm ấy mãi khắc cốt ghi tâm. Không biết những người con gái đưa anh qua bom đạn đêm đó ai còn ai mất. Những đêm trăng, ra cửa, đôi mắt Hòa hướng về nơi miền xa xăm ấy, lòng thổn thức không nguôi.

Đại đội xe vận tải ém mình bên một khu rừng chờ lệnh xuất phát. Hòa và anh em đã lên ca bin sẵn sàng. Không còn nhớ đây là chuyến đi thứ bao nhiêu chở hàng vào Nam phục vụ chiến trường. Không còn thời gian nghĩ đến sự hy sinh nguy hiểm. Trái tim người lính lúc này chỉ còn hướng về phía trước dù mưa bom bão đạn. Mỗi chuyến hàng đến nơi là góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu và tiêu diệt kẻ thù. Phía trước vẫn vọng về tiếng súng, trên trời vẫn loang loáng pháo sáng. Mặc, lệnh xuất phát. Cả đoàn xe nổ máy lao về phía mặt trận. Đường đi khấp khểnh gập ghềnh, xe lắc lư như đưa võng. Từng đoạn lại thấy bóng các cô thanh niên xung phong giơ tay vẫy chào. Trong ánh sáng mờ mờ không rõ mặt ai, nhưng đều tưởng tượng lên những nụ cười tươi trẻ, hiền hậu của những người con gái đôi mươi từ khắp miền quê về đây giơ lưng đỡ lấy bom, đạn. Hai bàn tay dù rớm máu nhưng vẫn quyết tâm san lấp mở đường cho xe qua. Đoàn xe đi chưa được trăm cây số thì bất ngờ bị hàng loạt bom do B52 thả xuống rung chuyển cả tuyến đường. Hòa có cảm giác mình như bị một lực mạnh dội vào ca bin, đẩy qua cánh cửa xe bay ra khỏi xe rồi không còn biết gì nữa.

Hòa mơ thấy mình đang bị ốm ở nhà. Hòa bị sốt cao nằm trên giường, mẹ đang đặt bàn tay lên trán, đôi mắt mẹ đang lo lắng nhìn như muốn hỏi: “Con có mệt lắm không?” Rồi có cả bố nữa. Đôi mắt bố nhìn Hòa như vừa thương vừa trách. Cũng phải. Hòa bắc thang trèo lên mái nhà định bắt chim sẻ bị ngã sưng vù cả hai bàn chân, phải nằm để bố bó thuốc lá, sao bố chả giận. Hòa lại thấy mình ngồi trên chiếc xe tải nhưng không chở gì, nó nhẹ tênh bay trên những con đường giữa cánh đồng lúa xanh non mênh mông tới tận chân đồi. Hòa giật mình khi xe lăn qua một bãi toàn bom và đạn mà xe cứ băng băng không hề biết sợ. Sau này về nhà, Hòa kể cho mẹ nghe, mẹ bảo: - Đó là lúc con hôn mê, giữa cái sống và cái chết con người ta hay mơ về quá khứ, về những người gần gũi, thân thương nhất.

Hòa cảm thấy mình như nằm trên một cái giường hoặc băng ca lắc lư lên, xuống theo nhịp xe đi. Có tiếng ai đó như gần như xa:

-  Thắm, mày đã mỏi chưa? Để tao thay cho một đoạn.

Tiếng nói to nghe rõ hơn trả lời:

-  Ăn thua gì, anh tài xế này bé tí tẹo, nặng hơn hòm đạn chả là mấy, cứ để tao khênh lúc nữa.

Có mấy tiếng cười của con gái. À, hóa ra Hòa còn đang được mấy cô gái khênh đi đâu đó về phía sau. Hòa đã bị thương. Còn xe hàng giờ ra sao. Thế là nhỡ một xe vào tiền tuyến. Còn anh em khác ra sao? Không biết có nhiều người bị dính bom không? Tệ quá. Liệu có trở lại cầm vô lăng được không? Hòa quờ tay phải thấy đau nhói ở bả vai. Quờ tay trái lên bụng mới biết đã bị quấn băng, chả còn quần áo trên người. Định cựa xem đôi chân thế nào, thì thấy như đá đè xuống không thể nhúc nhích. Như vậy là mình bị thương nặng ở đôi chân và vai. Chắc chỉ còn cái đầu là lành lặn. Thấy khát nước vô cùng nhưng nghĩ thân không còn quần áo, lại nằm võng do các cô gái đang khênh nên Hòa không dám. Càng nhịn càng khát, Hòa đành bật ra tiếng:

- Khát quá, cho xin nước.

Tiếng cô gái ở phía đầu võng:

- Này, Cần, hình như anh ấy tỉnh rồi. Tao nghe anh ấy bảo khát nước, mày xem có phải không?

- Ờ! Tiếng cô gái đi bên cạnh võng.

Có ai đó động vào tấm tăng che rồi rụt lại.

- Sao, thấy chưa?

- Chưa, tao ngại, vì anh ấy có mặc gì đâu. Lúc đưa lên võng toàn thấy băng cuốn đầy người.

- Vẽ, anh ấy khát thì cho anh ấy uống. Mày biết là bị thương nặng như thế, mất máu nhiều sao chả khát. Làm nhanh lên, không mày khiêng, để tao.

Đầu võng thấy có sự chuyển động, rồi có ai đó vén tấm tăng, một giọng cô gái trẻ dịu dàng:

- Anh tỉnh rồi à? Em đưa nước cho anh uống đây. Anh có cầm được không hay để em cầm bình toong cho anh nhé.

Hòa cố gắng giơ tay trái ra đỡ bình toong nhưng tay lại buông ra. Cô gái nắm cổ tay anh nhẹ nhàng:

- Thôi, để em, rõ khổ. Anh đau lắm phải không?

Võng đứng dừng lại. Cô gái thò đầu vào. Trong ánh sáng trắng mờ mờ, Hòa không rõ khuôn mặt cô gái nhưng đôi mắt hiền từ thì anh nhận ra. Cô gái một tay đỡ cằm anh, một tay cầm bình toong nghiêng vào cho Hòa uống. Cô gái vừa cho anh uống, vừa khuyên:

- Từ từ thôi anh ạ, uống nhiều cũng không tốt đâu. Bọn em đưa anh đến trạm xá mà, sắp đến rồi.

Có tiếng giục:

-  Được chưa? Sao lâu thế? Chậm anh ấy mất máu nhiều không tốt đâu.

Cô gái đưa bàn tay thô ráp nhưng ấm áp xoa nhẹ nhàng giọt nước vướng ở cằm Hòa rồi đứng lên. Võng tiếp tục đưa. Giọng cô gái ở cuối võng lơ lớ miền Trung:

- Mi thấy anh ra sao, bị thương nặng lắm không?

Im lặng mấy phút không có tiếng trả lời:

- Sao, tao hỏi mi đấy.

- Chắc anh bị vào chân, tao có dám nhìn kỹ đâu. Trắng xóa băng cuốn, thương quá chúng mày ạ. Ồ, mà anh còn trẻ lại đẹp trai, chỉ tội hình như hơi đen thôi.

Có tiếng cười khúc khích. Cô ở đầu võng nói tếu:

- Ai chả thương. Không đen sao gọi là xế Trường Sơn hả mày? Hay là tao xin cho mày ở lại trạm xá phục vụ anh ấy nhé. Mày theo anh ấy luôn.

- Mày chỉ nói bậy. Anh ấy thèm gì con gái vừa thấp vừa đen như tao.

Lại có tiếng khúc khích.

Bỗng có tiếng rào rào, bụp bụp rồi những tiếng nổ chát chúa xung quanh. Chiếc võng bị để vội xuống mặt đất đang rung chuyển làm Hòa đau điếng. Bụi đất rào rào quanh võng. Nằm xuống - Tiếng cô gái đi bên cạnh hô to. Hòa thấy như có ai đó đang nằm hai bên võng phả vào tiếng thở hổn hển. Chả lẽ các cô đang lấy thân che chở cho Hòa. Tiếng bom đạn làm Hòa tỉnh táo hơn. Anh bỗng thấy mình như một đứa trẻ đang được những người mẹ, người chị đùm bọc, họ đang lấy thân mình bảo vệ tính mạng cho anh. Bom đạn ngừng nổ, võng nâng lên nhẹ nhàng lao nhanh về phía trước.