Tịch mịch đêm

16:53, 12/12/2019

Cái cảm giác một mình trong đêm với tôi là điều gì đó thật kinh khủng, thức đêm khiến người ta có cảm giác đêm bằng rất nhiều ngày dài cộng lại, đến sáng thì mệt nhoài, còn đang đêm thì lại cảm giác từng giây, từng phút trôi qua một cách o ép, chậm chạp cứ như những con lừa thồ hàng leo dốc đần đuối sức. Có lẽ một người thường hay ngủ sớm như tôi sẽ chẳng bao giờ biết được độ dài của đêm nếu không vì ba tôi. 

Ba tôi gắn bó với công việc làm ca đêm ngót nghét cũng mấy chục năm rồi. Tôi trưởng thành trong xóm lao động nghèo nằm sâu giữa lòng thành phố nhỏ, dẫu ba mẹ phải bươn chải cả ngày lo từng bữa cơm nhưng chưa bao giờ họ để tôi thiếu thốn thứ gì. Tôi còn nhớ khi ấy tôi luôn nghĩ mình là công chúa trưởng thành trong một mái nhà được yêu thương, chiều chuộng nên đã luôn mè nheo và vòi vĩnh mà không biết rằng để thỏa lòng đứa con gái nhỏ hay mơ mộng thì đấng sinh thành đã phải vất vả lo toan quá nhiều. Điều hạnh phúc nhất cho tới giờ của tôi là được lớn lên trong một gia đình hạnh phúc. Ngày tôi còn bé, hôm nào ba đi làm về buổi chiều thì mẹ con tôi hay đi đón ba. Chiếc xe đưa, đón công nhân đỗ xịch tại trạm, mẹ con tôi dắt díu ngóng ba, bóng dáng to bè ấy từ trên xe đi xuống, vừa nhìn thấy mẹ con tôi vội hớt hải tiến lại:

- Công chúa của ba! 

Lần nào cũng vậy, đều đặn, quen thuộc lặp lại, sau đó ba sẽ bế thốc tôi đặt lên vai ba, ở đó tôi cảm giác mình có thể nhìn thấy cả thế giới. Bờ vai ấy bình yên và mạnh mẽ đến đỗi tôi nghĩ rằng có thể bảo bọc bao trùm lấy hình hài bé nhỏ của tôi khi ấy, một chỗ dựa vững chắc vô cùng.

Khi tôi vào cấp hai, ba bắt đầu tăng giờ làm đêm, lúc nào cũng sáng hôm sau mới về. Học phí khi ấy của tôi bỗng trở nên vô cùng đắt đỏ, bao trùm lên nỗi lo của căn nhà cấp bốn vốn nghèo. Tôi khi ấy vẫn còn nhỏ quá, có nhiều lúc ngây thơ nói với mẹ:

- Ba làm ca đêm vậy mà hay mẹ nhỉ, ngủ một giấc là tới sáng hôm sau.

Tôi khi ấy nào biết đêm dài lắm và người ta “trực đêm” có nghĩa là “thức để làm” với sự hiểu biết hạn hữu vô hình của mình, tôi nghĩ đêm là dành cho giấc ngủ. Mỗi sáng ba về đều mua cho tôi một thứ quà nhỏ, khi thì gói xôi, khi miếng chè, có khi lại là những que kem tôi thích, mà phải để tôi ăn sáng mới cho ăn. Những món quà nhỏ đi theo tôi khắp tuổi thơ chưa bao giờ vơi đầy đủ.

Tôi bước vào lứa tuổi mộng mơ cũng là lúc ba gầy rộc sau trường kì những đêm dài trực. Bóng dáng cao lớn to bè ngày xưa chưa khi nào thôi vững chãi, nhưng gương mặt hốc hác hẳn. Bàn tay ba đầy gân guốc còn đôi mắt thâm quầng. Năm ấy, tôi bắt đầu biết rung động và cũng nếm trải được cảm giác thất vọng của mối tình đầu. Chẳng biết vì lẽ gì tôi lại tìm tới chỗ ba làm, lúc vừa thấy tôi, nhìn bộ dạng bơ phờ ấy, ba chẳng hỏi gì, chỉ lấy điện thoại báo với mẹ tôi sẽ ở lại chỗ ba, rồi ân cần sắp xếp cho tôi chỗ ngủ. Đêm ấy tôi trở mình không biết bao nhiêu lần vì khó ngủ. Và cũng bởi vì khó ngủ tôi mới nhận ra đêm dài biết bao nhiêu và mỗi lần dậy tôi đều thấy bóng ba đang ngồi đăm chiêu nhìn về phía khoảng không vắng hoe người buồn tênh chờ trời sáng. Bóng dáng người đàn ông hòa vào trong đêm trông tịch mịch cô đơn đến vô cùng. Ba cứ im lặng như thế cho đến khi tôi òa khóc kể tất cả cho ba: 

- Đừng khóc, công chúa. Chuyện buồn, nếu không thể chấp nhận, hãy thay đổi. Nếu không thể thay đổi, hãy buông bỏ. Luôn có cách để chúng ta sống hạnh phúc hơn. Chỉ là con có muốn làm hay không mà thôi, ba luôn ở đây để cùng con chia sẻ mà.

Những lời ấy khiến một người luôn nghĩ mình đã lớn khôn trở nên bé nhỏ lại. Khi tôi vào đại học, vì hay đi sớm về khuya viết tiểu luận, trường tôi lại gần chỗ ba làm hơn nhà nên tôi hay ghé lại ngủ ở phòng trực của ba, và khi tôi lớn hơn một chút tôi bắt đầu thức đêm nhiều hơn, nên nhiều đêm cha con tôi ngồi nói chuyện đến khi tôi mệt mỏi ngủ vùi. Tôi vẫn hay hỏi ba không buồn ngủ hay sao rồi cảm thấy vô ý quá khi nhìn thấy đôi mắt ba đỏ hoe sau những cơn ngáp dài. Ba luôn là người lắng nghe tôi rất nhiều và dịu dàng quá đỗi mỗi khi tôi có những thắc mắc cần giải đáp. Khi tôi đến chỗ ba, ba luôn hỏi tôi đã ăn uống gì chưa, lục pha cho tôi gói mì tôm cầm đói vì ba bảo tôi thức đêm thường hay đói, rồi ân cần hỏi tôi có muốn  ăn thêm gì không, lại còn chạy đi mua cho tôi chai nước mát những hôm trời nóng. Cũng phải thức đêm tôi mới biết, đêm dài kinh khủng lắm! Đường phố vắng hoe người, những kênh tivi nhàm chán ngại thay đổi, bật kênh nào cũng toàn những tin tức chán ngán hoặc những bộ phim lặp lại. Ba ngồi đó cứ dán mắt vào đêm, thi thoảng đứng dậy cho bớt uể oải thăm những chậu hoa ba trồng di dời qua lại để hứng sương.  

Khi tôi ra trường đi làm, điều duy nhất nghĩ được là có thể kiếm thật nhiều tiền giúp ba thoát khỏi những “Đêm dài tịch mịch” kia. Tôi vất vả ngày đêm vùi đầu hết dự án này tới dự án khác. Mỗi khi thức đêm làm việc, cơn buồn ngủ kéo tới, tìm hết cách này tới cách kia để thức, lúc ấy nghĩ tới ba tôi chợt ứa nước mắt. Khi tất cả đều chìm vào giấc ngủ, chỉ có ba còn thức, chẳng nói chuyện với ai, bóng dáng cô đơn bao phủ đêm dài. Khi tôi thức đêm thì sáng vô cùng mệt mỏi uể oải, cảm giác như đã vất vả mấy ngày trời, thậm chí dễ nổi nóng, vậy nhưng cũng là ba, mỗi khi thấy tôi luôn dịu dàng xoa đầu tôi như ngày thơ bé, rõ ràng ba cũng như tôi, cũng thức. Tôi chợt nhận ra tôi ích kỷ vô cùng trước sự hy sinh to lớn vì gia đình của ba. 

Nhiều đêm làm khuya tôi ngủ vùi trên bàn làm việc, tôi mơ màng thấy bóng dáng cao lớn quen thuộc đắp lên vai tôi chiếc chăn nhỏ. Có nhiều thứ qua bao tháng năm vẫn không thay đổi, ba vẫn vậy, dù đã nghỉ hưu vẫn ngủ sau tôi, vì con gái ba còn thức, vì ba vẫn lo cho cả gia đình. Tôi gần như đã òa khóc nhưng cố nén lại.

“Ngủ ngoan, công chúa của ba”.