Ông Lâm trằn trọc mãi không ngủ được. Bật đèn, với cuốn album ở đầu giường mở ra xem, ông dừng lại khá lâu bên tấm ảnh vợ chồng đứa con trai và hai cháu nhỏ. Để vui tuổi già ông bà giữ lại trông nom thằng cháu nội và cũng lo làm sao dạy dỗ nó nên người. Ngoài nhắc nhở cháu học hành, thi thoảng ông lại kể chuyện hoạt động Cách mạng kháng chiến ngày trước cho cháu nghe, mong sao cháu giữ được phẩm chất phấn đấu. May mắn là thằng Hùng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Hùng học hết cấp phổ thông trung học thi vào Trường Đại học Hàng hải, đó là ước mơ của cháu, ông không ngăn trở. Ông biết đi vào ngành này ông sẽ ít được gặp cháu nhưng không vì lo người chăm sóc mình mà hẹp hòi với con trẻ. Hùng xa ông bà đằng đẵng, hết đi học đại học, đi học bên Nga, học trường sĩ quan rồi ra đảo. Bây giờ Hùng đã là cấp chỉ huy hải quân một đảo ở xa đất liền. Đôi ba năm, có việc họp hành Hùng mới ghé qua thăm ông, bà. Nhắc đến lấy vợ, nó chỉ cười xòa:
- Cháu sẽ tìm vợ ở tỉnh nhà để gần gũi chăm sóc ông bà nhưng chưa thấy ai ưng ý. Cháu sẽ phấn đấu để xứng đáng với ông và truyền thống gia đình cách mạng.
Tết này ông Lâm đã bước vào tuổi chín mươi, gần bẩy mươi năm tuổi Đảng, Hùng điện sẽ về thăm ông bà trước Tết rồi còn ra đảo. Bởi vậy, ông mới thức mong mỏi được gặp cháu. Ông cũng có vật kỷ niệm muốn đưa cho cháu. Tuổi già có cái gì quý thì cho cháu chứ giữ làm gì, bất ngờ ai lường trước được. Ông cũng muốn truyền cho cháu một cái gì đó sâu xa mà cả đời ông đã theo đuổi như một lý tưởng sống bất diệt.
* * *
Gần mười năm, hôm nay Hùng mới lại được ở nhà trọn vẹn một ngày. Ban chỉ huy thật tâm lý khi biết Tết này ông nội của anh mừng thọ 90 tuổi. Nhất định đêm nay Hùng lại được dụi cái đầu tóc rễ tre vào nách ông và nghe giọng trầm ấm của ông kể những câu chuyện cổ tích, chuyện về những năm tháng hoạt động cách mạng của ông và đồng chí của ông.
Ngồi lên giường, Hùng giơ bàn tay vạm vỡ ôm lấy đôi bàn tay gầy gò thô ráp của ông, nũng nịu như trẻ con:
- Ông ơi, hôm nay ông kể chuyện gì cho cháu nghe đây, ông nội của cháu!
Ông ra hiệu cho Hùng bỏ tay ra rồi ông xoay người lại cầm chìa khóa mở cái hòm gỗ ở đầu giường. Ông mở hòm, hòm gỗ rỗng tuyếch, chỉ có vài thứ đồ dùng dân dụng lặt vặt. Ông nhấc ra một cái hộp sắt nhỏ đã bạc mầu. Mở ra, trong hộp là một mảnh vải đỏ gấp đôi. Ông cầm lên, ôi, một lá cờ đỏ có in hình búa liềm màu vàng đã nhạt. Ông để lên một tờ báo, vuốt cho phẳng. Nhìn lá cờ, nhìn Hùng, mắt ông ngấn lệ. Hùng hồi hộp, nhìn xoáy vào lá cờ nhỏ, không biết nên hỏi ông bắt đầu từ đâu. Ông xoa đầu Hùng, rồi giọng hơi run run nhưng vẫn trầm trầm, ông bảo:
- Hôm nay ông kể chuyện cổ tích về lá cờ này cho cháu nghe.
Năm ấy, trước cách mạng Tháng Tám khoảng hơn một năm, lực lượng đảng viên của ta phát triển mạnh ở khắp nước. Bọn giặc điên cuồng ra sức bắt bớ, đàn áp. Có mấy người bị bắt không chịu được tra tấn, khai ra một số cơ sở, một số đồng chí bị bắt. Chỉ thị của trên là phải kiên cường, củng cố và thay đổi cách liên lạc, hoạt động, bảo toàn lực lượng. Ông làm liên lạc cho ông Dương. Đó là một nông dân nhưng được học hết tiểu học, tiếng Pháp nói lầu lầu, người thấp, đậm, đen và khỏe mạnh, gan dạ. Làm việc, đi công tác, ông luôn tin tưởng ông Dương như một mẫu người đảng viên Cộng sản. Hôm đó, ông nhớ đã cuối năm 1944. Ông Dương bảo:
- Tối nay anh em ta lên đường. Lần này đi khá ngoắc ngoéo để tránh các trạm gác, chuẩn bị phải hết sức gọn nhẹ. Ta sẽ nghỉ ở một điểm còn cứ phải đi cho đúng thời gian. Tài liệu là một cuộn giấy gói ni lông luồn vào trong cái điếu cày.
Ông Dương lấy ở túi ra một lá cờ Đảng nhỏ, gấp lại theo chiều dài rồi luồn vào gấu sau của vạt áo, dặn dò:
- Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải chuyển tài liệu này đến cấp trên. Lá cờ này chính là ám hiệu đặc biệt thay mật khẩu đã bị lộ. Dù hy sinh cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.
Ông và ông Dương đi suốt đêm theo đường mòn ven đồi hoặc bờ ruộng, ngước lên cứ theo hướng sao Bắc Đẩu mà đi. Mờ sáng thì đến một nhà nông dân, cổng chỉ khép hờ. Chắc là đã có hẹn. Không hề có tiếng chó sủa. Ông và ông Dương lẳng lặng đi vào một nếp nhà ngang mở cửa. Một cái giường tre kê sẵn. Ông Dương bảo:
- Chú thấy, Đảng có chu đáo không? Biết chúng ta đến nên sắp xếp nhà, giường như thế.
Ông và ông Dương chỉ tạm ngả lưng chứ không định ngủ, nhưng ông tuổi còn trẻ nên vừa ngả lưng xuống là ngủ luôn.
Thấy có ai lay gọi, ngồi dậy, một người đàn ông tuổi trung niên mời ăn cơm sáng. Vùng này có lệ ăn sớm rồi ra đồng làm thông tầm đến giữa chiều mới về. Ăn cơm xong, mọi người đóng cổng đi hết. Ông và ông Dương chờ tối thì đi tiếp. Khoảng gần trưa thì ông chủ nhà bất ngờ về, hớt hải:
- Các đồng chí, hình như bị lộ. Địch đang tập trung quân vào làng đi lùng. Chưa khi nào chúng hành động vào giờ này. Các đồng chí tính sao?
Có tiếng súng nổ gần. Suy nghĩ một phút, ông Dương hỏi thăm chủ nhà về đường rồi bảo ông như ra lệnh:
- Đồng chí Lâm nhận nhiệm vụ Đảng giao, đi theo đường nhỏ, tôi sẽ đánh lạc hướng đi đường lớn. Nếu an toàn ta gặp nhau ở phố Hương. Cho tôi gửi lời chào các đồng chí.
Ông Dương đưa cho ông cái điếu cày rồi lao ra khỏi nhà. Sau mấy phút thì chủ nhà dẫn ông ra sau vườn theo đường nhỏ đi tắt. Vừa ra khỏi làng thì có tiếng súng nổ ran rồi tất cả về yên lặng. Ông vào được một cơ sở làng bên an toàn. Đến chiều thì có tin báo địch đã bắn chết một người lạ nhưng không đưa xác đi. Khám không thấy gì. Tối nay dân làng chôn cất người đó. Đêm ấy, chờ ở nghĩa trang, ông đến mở chiếu ra, nhận đúng là ông Dương, chờ mọi người không để ý ông nhanh chóng rút lá cờ trong gấu áo ra cất đi. Làm dấu chào ông Dương, lòng đau như cắt mà không dám khóc. Một người Cộng sản đã hy sinh anh dũng. Ông chuyển tài liệu đến cấp trên, nộp luôn lá cờ và kể lại chuyện hy sinh của ông Dương. Ai cũng đau thương và cảm phục. Vị chỉ huy bảo ông:
- Đồng chí cũng rất dũng cảm. Hôm nay Đảng sẽ kết nạp đồng chí. Riêng lá cờ đồng chí cứ giữ làm kỷ niệm. Vậy hôm nay ông tặng lại cháu và đơn vị lá cờ này. Mong các cháu ở tiền tiêu Tổ quốc hãy nhớ có được ngày nay đã có biết bao người Cộng sản, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đã đổ máu tô thắm lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Hùng rưng rưng, giơ tay nhận lá cờ do ông nội trao cho. Anh bỗng nói như lúc còn trẻ:
- Ông ơi, cháu xin ông kể lại để cháu ghi vào điện thoại này rồi ghi vào đĩa. Ra đảo, Tết này, cháu sẽ để lá cờ vào hộp trong tủ kính của phòng truyền thống. Cháu luôn phát lại cho các anh em nghe để mãi mãi ghi công ơn của các bậc cha ông và thêm lòng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.