Ngôi nhà của ông tính đến nay đã bốn mươi năm, xà, rui, mè, đòn tay mối mọt tứ bề, nguy cơ sụp xuống bất cứ lúc nào. Vì thế, tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng ông không thể không nghĩ đến chuyện sửa lại. Nhiều năm tích cóp, tuy chẳng được bao nhiêu, nhưng để sửa lại căn nhà nhỏ thì cũng vừa đủ, chẳng cần con cái trợ cấp hoặc vay mượn. Vậy là ông quyết.
Hôm thằng cả từ thành phố về, nó bảo không nên tu sửa mà sẽ xây cho bố mẹ một ngôi nhà mới. Tiền ông bà tiết kiệm được cứ để dưỡng già và phòng khi ốm đau. Thằng cả đưa ra ý kiến như vậy quả là hợp lý. Ông vốn khái tính và không thích nhờ vả ai, kể cả con cái.
Thằng cả suy nghĩ mất một đêm trắng. Nó biết nếu sửa ngôi nhà chỉ tốn chừng dăm bảy chục triệu là đủ, nhưng làm thế nó thấy áy náy. Bố mẹ đã suốt đời vất vả vì anh em chúng nó, đến ngần này tuổi mà vẫn phải chui rúc trong căn nhà úi xùi quả không tiện chút nào. Nhưng đồng thời nó cũng hiểu rất rõ, dù thuyết phục đến mức nào thì bố nó cũng khó đồng ý với chuyện bỏ tiền xây nhà cho ông bà. Sau mấy ngày bàn bạc cùng vợ, thằng cả đã nghĩ ra được một cách có vẻ khả dĩ. Hôm sau về quê, nó nói với bố:
- Thưa bố, mấy năm nay, chúng con làm ăn cũng khá. Bây giờ những người giầu có ở thành phố làm ăn vất vả, chịu nhiều áp lực nên ngoài chuyện có một ngôi nhà chính, người ta thường tìm về những vùng nông thôn hoặc miền rừng xây một ngôi nhà gọi là nhà vườn dùng cho việc nghỉ ngơi vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, cũng là để xả tréc…
Bố nó ngắt lời:
- Xả tréc là cái gì?
- Dạ, thưa bố, tức là để làm vơi bớt nỗi căng thẳng do công việc gây ra.
Thấy bố im lặng, nó nói tiếp:
- Nhiều người phải bỏ cả đống tiền để tìm mua một miếng đất ở vùng xa. Hôm rồi, con vừa bàn với vợ là gia đình cũng nên có một ngôi nhà như vậy để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nhân việc bố định sửa nhà, chúng con sẽ bỏ tiền xây một ngôi nhà thật khang trang, rộng rãi vừa để bố mẹ ở, vừa để những ngày nghỉ vợ chồng con và các cháu về thăm ông bà. Như vậy, tiện cả đôi đường.
Sau một hồi suy nghĩ, bố nó khẽ gật gù:
- Anh nói cũng hợp nhẽ. Như vậy thì gia đình anh về quê cũng có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, mà thằng Hùng ở Sài Gòn cũng chẳng phải ra ngủ trọ ở nhà nghỉ ngoài thị trấn mỗi dịp về quê ăn Tết.
Biết bố đã xiêu lòng, thằng cả nói thêm:
- Mới lại, biết đâu khi có tuổi, vợ chồng con lại trở về quê sinh sống. Quê hương bao giờ cũng là nơi làm cho con người ta thư thái. Về già, sống ở nông thôn thích hơn ở thành phố ồn ào bụi bặm bố ạ.
Ngần ấy lời của thằng con cả đã thuyết phục ông hoàn toàn. Đăm chiêu một hồi, ông rành rẽ:
- Thôi được, tôi nghe theo vợ chồng anh. Cũng cần có người sinh sống nơi quê cha đất tổ để đảm đương việc thờ cúng sau này. Nhưng tôi có hai ý kiến mà vợ chồng anh phải theo.
- Vâng, bố cứ nói, vợ chồng con xin nghe. Ông chậm rãi nhưng cương quyết:
- Thứ nhất, tiền làm nhà bao nhiêu do vợ chồng anh quyết định, tôi không can dự, nhưng anh phải cho tôi góp thêm số tiền trăm triệu mà bố mẹ dành dụm được vào việc xây ngôi nhà mới. Thứ hai, tới lúc nào thuận, tôi sẽ sang tên toàn bộ đất và ngôi nhà cho vợ chồng anh. Gia đình thằng Hùng em anh ở Sài Gòn kinh tế rất dư dả nên chắc cũng không so đo chuyện này. Anh phải nói rõ với vợ anh về ý kiến của tôi.
* * *
Cuối tháng, căn nhà nhỏ nhưng nhiều kỉ niệm vui buồn đối với vợ chồng ông được phá bỏ hoàn toàn nhường chỗ cho ngôi nhà ba tầng trong tương lai.
Phải công nhận cô con dâu cả của ông là người xốc vác, đảm đang hiếm có. Tuy là dâu con trong nhà đã ngót mười năm nhưng đây là dịp vợ thằng cả được sống bên cạnh ông bà dài ngày, khi nó đảm nhận toàn bộ mọi công việc xây cất ngôi nhà mới. Nhưng bên cạnh sự tháo vát, đồng thời ông bà cũng nhận thấy cái miệng lưỡi đáo để, sắc như dao cùng cái uy như núi của cô con dâu cả. Đám thợ xây vốn làm ăn tứ xứ nhưng vẫn nem nép nghe theo từng mệnh lệnh của nó. Không chỉ đám thợ mà mấy đứa cháu vốn đầu bò đầu bướu con cô út của ông bà lấy chồng làng bên, thỉnh thoảng về thăm ông bà ngoại, hễ trông thấy bác dâu cả ở đâu là mắt la mày lém, sợ một phép. Nể phục đấy, nhưng vào những lúc con dâu vắng mặt, thỉnh thoảng ông bà cũng hay bàn với nhau về cái miệng lưỡi sắc lẻm của cô con dâu thành phố. Bàn luận đấy nhưng chốt lại, bao giờ ông bà cũng thống nhất một “quan điểm” chung là: Lời nói của nó tuy có cay độc một tẹo thật nhưng là miệng xà, tâm phật. Cốt sao nó biết điều, lễ phép với ông bà là được.
Sáu tháng sau, ngôi nhà được hình thành cùng sự phân chia rành mạch: Tầng một gồm phòng khách, bếp ăn và một phòng ở cho ông bà. Tầng hai dành cho gia đình thằng cả ở thành phố về nghỉ. Một nửa tầng ba đặt bàn thờ, phòng nhỏ kế bên là cho gia đình chú hai ở Sài Gòn mỗi khi về thăm quê.
Sau hôm khánh thành, cô con dâu ngồi trước mặt bố mẹ chồng, dõng dạc bằng một ngữ điệu mạnh, quyền uy vốn có:
- Con tạm phân công thế này. Tầng một, mỗi ngày quét nhà, lau nhà ít nhất một lần. Tầng hai, tầng ba, mỗi tuần, bố mẹ lên quét dọn giúp chúng con một lượt. Tuy không có người ở nhưng vẫn bụi bặm, dọn dẹp như thế là vừa. Còn ban thờ tầng ba thì ngày rằm, mồng một phải lên hương khói. Nếu rơi vào những ngày chúng con ở nhà thì bố mẹ không phải làm.
Nghe cô con dâu nói, ông cảm thấy như có bàn tay bóp chặt tim, mặt tối sầm lại. Nhìn chồng, bà nhận ra có chuyện, vội khéo giải tỏa:
- Con dâu nói vậy là phải nhẽ. Những việc ấy, bố con đau thần kinh tọa khó đảm nhận, nhưng mẹ còn khỏe, mẹ sẽ làm đầy đủ, con yên tâm.
Tuy bà cho là “phải nhẽ” nhưng từ hôm chúng nó trở về thành phố, lòng ông cứ ngắc ngứ không nguôi.
* * *
Mồng hai Tết, ông đi chơi loanh quanh mấy nhà hàng xóm về đã thấy vợ chồng thằng cả cùng các cháu ngồi vui vẻ quanh bà. Ông cũng mừng quýnh, bước vội vào trong. Cô con dâu bỗng đứng vụt dậy, dùng hai tay kéo ngược ông ra hiên, cằn nhằn:
- Bố ơi là bố! Lần sau vào nhà bố bỏ giầy ở ngoài cửa cho con nhờ. Gạch lát phòng khách con mua tới ba trăm ngàn một mét đấy, bố có biết không?
Nói rồi nó ném bẹt đôi dép nhựa trước mặt ông:
- Đây, bố xỏ vào. Phải quen tác phong của người thành phố dần đi bố ạ. Bàn chân lạnh cóng, run run của ông xỏ mãi mà không trúng vào đôi dép nhựa.