Cô nhận quyết định cắt giảm nửa lương giữa mùa đại dịch như sét đánh ngang tai. Nhưng khi nhìn ít nhiều đồng nghiệp bị sa thải cô chợt thấy mình vẫn còn may mắn. Nhưng lúc này đây mọi thứ dường như đổ trên vai cô một cách nặng trĩu khi ở tuổi ba mươi cô dường như là lao động chính trong nhà với ba, mẹ già và một đứa em thơ.
Cô chưa chồng, cái thứ hạnh phúc xa xỉ phẩm mà người người đều có được cô đã chối từ nhận nó. Năm cô hai mươi, anh hỏi cưới cô nhưng cô còn quá trẻ để có một hạnh phúc. Khi cô tốt nghiệp đại học lại có người cầu hôn, nhưng ba mẹ cô lại đổ bệnh và mất khả năng lao động, cô lúc đó là chị lớn trong nhà, cô quyết định sẽ từ bỏ tất cả để xin việc đi làm và phụng dưỡng ba mẹ. Cô có thể hiếu thảo nhưng cô đã bỏ rơi bản thân mình. Và đến giờ, cô cũng không còn cảm giác yêu thương một ai, nhiều người so sánh cô như một cỗ máy, chỉ biết làm và làm, không nói cười, bán mạng vì tiền. Cô gạt tất cả ngoài tai, vì cô hiểu những gì mà ba mẹ đã hy sinh cho cô kể từ khi cô sinh ra tới giờ còn nhiều hơn thế nữa.
- Chưa về à? Bà ăn cơm chưa tôi mua ăn chung?
Thái nói rồi quay đầu đi ra khỏi văn phòng không quên ngước lại nhìn cô. Thái với cô làm ở công ty này lâu nhất, dễ cũng đến 5 năm rồi. Công ty mới nên nhiều người đi rồi ở, cô và Thái gần như là những người “lão làng” bám trụ nơi đây. Cô gật nhẹ đầu nhưng rồi lại xua tay, tính cô vốn khép kín và không thích làm phiền đến ai.
- Muộn rồi, tôi sẽ mua và bà phải ăn với tôi, không nói hai lời.
Thái lúc nào cũng thế, là một chàng trai khá năng nổ, hai người trạc tuổi nhau, ngay khi cô bước vào công ty Thái đã ở đó và cười với cô, sau này cũng chính anh là người dẫn cô đi giới thiệu, làm quen với nhiều người. Nếu cô là người thích cuộc sống một mình thì Thái lại là người khá cởi mở, chả thế mà kể từ khi cô vào làm, năm nào anh cũng là người chủ động tới nhà cô chúc Tết, lại hay tổ chức sinh nhật cho cô, và khi biết được cô vốn không thích chỗ đông người anh lại hay mua có khi là lát bánh kem, có khi là một món quà nhỏ bí mật tặng cô. Cô chưa bao giờ hỏi vì sao anh lại đối tốt với cô bởi anh quá tốt với nhiều người. Thậm chí đôi khi anh vẫn hay đùa:
- Vì chỉ có bà làm với tôi lâu nhất nên dĩ nhiên bà đặc biệt được tôi ưu ái.
Lúc ấy, những nụ cười hiếm hoi của cô sẽ rộ lên như mùa Xuân về trên cánh vài con én nhỏ… Cô dường như không nuốt nổi cơm vì hình ảnh gia đình hiện lên, cô tính nhẩm vội vài con số trong đầu, con số chi tiêu và cắt giảm lương ngay khi có thông báo. Dường như công ty đang bước vào giai đoạn khó khăn và mọi quyết định bây giờ chỉ mang tính chất thông báo chứ không còn sự đồng thuận nữa. Thái gắp vội vài miếng thịt vào bát của cô rồi nhíu mày:
- Ăn đi, nghĩ ngợi được gì, phải ăn mới có sức sống qua mùa dịch này. Không ăn, bệnh, con Cô vy nó tìm đường vào thì chết, thì mọi suy nghĩ giờ của bà uổng hết nhé.
Lúc nào Thái cũng quan tâm đến cảm xúc của cô, nhưng không bao giờ nghiêm túc, đủ để người ta hiểu được anh quan tâm nhưng lại khiến người ta cảm thấy mình cũng giống bao người được anh đối xử tốt. Anh tốt với cô như cách đây hai năm trước, khi cô từ chối lời cầu hôn của một người khác, đó là người cô rất yêu nhưng anh ta lại không chấp nhận được việc phải chăm lo cho ba mẹ cô, anh ta cho rằng đó là một gánh nặng. Cô không yêu cầu anh phải san sẻ sự chăm sóc, nhưng anh ta lại muốn cô phải dành toàn bộ thời gian và tiền bạc cho gia đình nhỏ mà hai người gây dựng sau này… Lúc đó, người cô nghĩ đến đầu tiên là Thái, anh đến đón cô tại quán cafe cô nói lời chia tay với người kia, và cô đã khóc trên vai Thái suốt cả quãng đường về sau đó. Chỉ có đêm ấy, Thái không nói nhiều như mọi khi.
- Tôi mua ít cồn y tế với mấy cái khẩu trang vải, dư nên chia cho bà ít. Cái này lợi hơn khẩu trang y tế, giờ làm giả nhiều. Đem giặt được nhiều lần, bà mang về cho hai bác dặn thường đeo và rửa tay nhé, còn chai xịt khuẩn này đưa bé em đi học nó xịt vào.
Lúc nào Thái cũng thường đối xử tốt với gia đình cô nên cô đã nghĩ lòng tốt của anh bao la lắm hoặc… nhà của anh giàu lắm. Anh đòi đưa cô về, và không quên nói thêm: “Tình hình này chắc tôi phải qua nhà bà đi làm chung để tiết kiệm tiền xăng xe bà ạ”, làm cô bật cười. Thấy cô được đèo về, ba má cô lại mời anh vào nhà ăn cơm, được thể anh lại đèo bòng: “Con nghĩ thế này hai bác ạ, con mua đồ ăn rồi hai bác nấu cơm miễn phí cho con ăn được không ạ?”, làm cô giãy nảy: Ông muốn thì qua ăn, sao phải mua khách sáo, kì kèo mãi hai người lại thống nhất chia đôi ngày ra mua đồ rồi qua nhà cô nấu cơm chung. Vậy mà kể từ khi Thái qua ăn, tính bông đùa của anh lại khiến ba mẹ cô vui vẻ tuổi già vì anh khá khéo trò chuyện và được lòng người lớn tuổi. Cô cảm thấy giống như nhân việc bị cắt giảm lương Thái đã hợp thức hóa việc đến nhà cô ăn cơm nên anh thích thú lắm.
Tối khi cô tiễn anh về cô vẫn mông lung, tình trạng dịch bệnh không biết kéo dài bao lâu, còn cô cũng thấy oằn mình với gánh nặng kinh tế dù giờ đã được Thái san sẻ ít nhiều. Anh vốn mồ côi nên bữa cơm gia đình với anh quan trọng, còn với cô chỉ thêm bát đũa.
- Bà đừng suy nghĩ nhiều nữa, phải lạc quan lên mới được, có gì cần chia sẻ với tôi.
Tự nhiên lúc này, cô buột miệng:
- Sao ông luôn tốt với tôi thế?
Thái rồ ga chực chạy không quên nở nụ cười thật tươi:
- Lâu thế mà vẫn không biết à? Đó là lẽ tất nhiên mà.