Trước khi về hưu ông quay lại Cao nguyên đá, là nơi ông đã cùng một người bạn bản địa công tác vài năm trong ngành địa chất. Chỉ vài năm, nhưng tình cảm thật sâu nặng. Trong chuyến đi này ông được bạn tặng một đôi chim trông rất lạ mắt. Chính ông bạn cũng không biết rõ đó là loài chim gì, chỉ nói chung chung hình như đó là một loài sơn ca núi.
- Lẽ ra chỉ một con bị mắc bẫy, vậy mà cả hai cùng chui vào - Người bạn bày tỏ - Tôi đoán, con thứ hai tìm cách chui vào là định cứu con kia nhưng không nổi. Chứng tỏ chúng là loài chim chung thủy không bao giờ chịu rời nhau. Thực ra tôi cũng muốn giữ lại một con để hằng ngày nghe hót cho quên nỗi tuổi già nhưng làm vậy là nhẫn tâm. Hơn nữa, vùng quê tôi thiếu gì chim. Các ông ở thành phố mới hiếm.
Từ nhỏ ông đã có thú chơi chim. Có lẽ người bạn vẫn nhớ ý thích ấy của ông nên mới tặng món quà quí giá như vậy. Ông lấy làm cảm kích. Ở đời, người ta có thể tặng nhau tiền tài hoặc đồ vật quí giá, nhưng tặng nhau tiếng chim thì đúng là chuyện hi hữu. Chỉ tình bạn như các ông mới có (xin nói rõ thêm: trường hợp này đúng là tặng tiếng chim chứ không phải là một đôi chim bằng xương bằng thịt).
Về tới thành phố, ông treo cái lồng chim lên một góc ban công rộng rãi, thoáng mát nhất ngôi nhà. Ngay buổi chiều hôm ấy, hai con chim đã cất tiếng hót vang. Nghe tiếng hót, ông lặng người. Tâm hồn ông như chìm trong tiếng hót. Quả là loài chim quí có một không hai.
Rồi chiều nào ông cũng ngả người trên chiếc xích- đu để nghe chim hót. Nghe sâu vào tiếng đôi chim hót ông như thấy những hình ảnh của những ngày sống trên cái cao nguyên đá ấy hiện về rõ mồn một. Ông như nhìn thấy những dãy núi nhấp nhô cùng những đụn mây ngũ sắc phía cuối trời. Rồi ông nghe thấy cả tiếng gió, tiếng suối róc rách mơ màng trong mỗi lần cùng đồng nghiệp vào rừng khảo sát quặng. Ông nghĩ, hình như loài chim này có năng lực thu nạp vào hồn vía tất cả những gì khi chúng tiếp xúc với thiên nhiên rồi biến thành tiếng hót.
Thi thoảng, những lúc thư thả, cậu con trai ông, hiện đang làm tổng giám đốc một công ty lớn cũng cùng ngồi nghe đôi chim lạ hót trên ban công.
- Tiếng chim hót nghe như phát ra từ cái chuông vàng ấy bố nhỉ? Cậu con trai vừa nghe vừa bình phẩm.
- Con nghe thấy như vậy hả?
- Đúng thế bố ạ. Chỉ có loài chim quí hiếm lắm mới có giọng hót sang như vậy. Chắc chắn nó là độc bản.
- Không sai. Nhưng khi nghe chúng hót bố chỉ thấy tiếng suối, tiếng rừng thôi.
Cậu con trai cười khì khì:
- Bố đúng là một người lãng mạn cuối cùng của thế kỉ hai mươi.
Mọi chuyện sẽ hết sức bình thường nếu như không có một ngày ông phát hiện ra con chim đực không hiểu sao bị mù mắt. Cả buổi chiều, con chim xiêu vẹo đâm đầu vào bốn góc lồng đầy sợ hãi và bất lực. Khi ông phát hiện ra thì con chim đã mù hoàn toàn. Hai mắt của nó chỉ còn như hai hạt đỗ nhỏ sần sùi, mốc meo.
Ông buồn rầu nhìn dáng vẻ ủ rũ suốt mấy ngày trời của con chim đực. Đôi mắt tuổi tác của ông không nhìn thấy những giọt nước mắt nhỏ li ti, trong vắt như sương của con chim cái. Cũng từng ấy ngày nó ủ rũ bên “lang quân”. Tiếng hót của cả đôi câm bặt. Ông ngơ ngẩn vào ra. Không được nghe tiếng chim tất nhiên là rất buồn. Nhưng lòng ông còn dâng lên một cảm giác tội lỗi vì mình không biết cách chăm sóc mà đôi chim phải sa vào hoàn cảnh này.
Một ngày nắng đẹp, ông đang thiu thiu trên ban công bỗng nghe mơ màng như nghe thấy tiếng chim hót. Ông mở bừng mắt, ngước nhìn lên chiếc lồng. Ồ! Mà đúng là con chim đực đang ngước đôi mắt tàn tật lên trời cao cất tiếng hót vang. Ông kinh ngạc hơn vì đó không phải là tiếng hót như ông vẫn hằng nghe. Ngoài những âm thanh lảnh lót như tiếng rừng, tiếng suối… ông còn nghe thấy cả những âm thanh tê buốt và buồn não nùng. So với ngày mắt chưa bị hỏng, tiếng hót đau thương của nó bỗng trở nên đắm đuối gấp bội phần. Tiếng hót làm lồng ngực ông nhói đau. Ông khóc. Những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo.
Biết chuyện này, cậu con trai của ông cũng hết sức ngạc nhiên. Anh đến tư vấn một giáo sư chuyên nghiên cứu về nghệ thuật và được giải thích hiện tượng trên cũng giống như người mù thường có khả năng đặc biệt về âm nhạc. Con chim đực vì rơi vào hoàn cảnh ấy tâm hồn trở nên bi thương mà sinh ra tiếng hót hay, như để giãi lòng với con chim cái, đồng thời, cũng động đến tâm can con người. Giáo sư cho biết thêm, có một triết gia đã từng nói, như một thần bí: “Hãy chọc thủng mắt con chim hồng tước để cho nó hót hay hơn” chính là bởi vậy. Nỗi đau sẽ làm nên sự thăng hoa tuyệt đỉnh của nghệ thuật.
Cậu con trai về nói lại toàn bộ câu chuyện và bày tỏ ý định sẽ bằng cách làm này để con chim cái hót hay hơn. Anh đang có dự kiến cuối năm nay sẽ tham gia vào cuộc thi tiếng chim hót do một câu lạc bộ xuyên quốc gia tổ chức. Nếu thực hiện được việc này, chắc chắn anh sẽ chiếm giải nhất.
Ông nói như thét:
- Tao cấm! Tao không cần cái cuộc thi ấy của mày.
Nhưng rồi việc ấy vẫn diễn ra. Cậu con trai vốn là một tổng giám đốc đầy quyết đoán (xã hội đang cần và đang dần xuất hiện những con người như vậy). Anh ta sao có thể lùi bước trước một ông già lẩm cẩm, dù đó có là cụ thân sinh. Với sức mạnh và tiền bạc vốn có, anh nghĩ rồi mọi việc sẽ được giải quyết êm xuôi.
Cũng giống như vị “lang quân”, con chim cái sau khi bị cậu con trai của ông bí mật chọc thủng mắt cũng ngừng hót, ủ rũ, vô hồn. Con chim đực cũng bỏ ăn, tã tượi như một nắm giẻ rách.
Cậu con trai vô cùng nôn nóng, từng ngày, từng ngày chờ nghe tiếng hót trở lại của đôi chim, nhưng vô vọng.
Tới ngày thứ sáu thì ông già đột tử.
Sau khi mai táng, ông tổng giám đốc mới có thì giờ quay lại với chiếc lồng chim. Chiếc lồng chỉ còn hai cái xác rũ lông.
Một lần nữa, ông tổng giám đốc lại đến tham vấn vị giáo sư. Giáo sư nheo mắt, buồn bã: “Nỗi đau làm cho nghệ thuật thăng hoa, nhưng tôi chưa nói với anh, cái câu danh ngôn của triết gia nọ là chỉ dành cho ý nghĩa nghệ thuật chứ không phải là một gợi ý cho những bàn tay tanh máu. Vì sự tàn ác sẽ làm cho nghệ thuật bị hủy diệt”.