Ú… ớ… ớ… - Một âm thanh cất lên như không thoát ra được khỏi cuống họng nhưng vang rền rĩ. “Ông Tiên hấp”! Cả lũ trẻ chúng tôi hét lên, chui tọt vào trong nhà, đóng cửa chính lại và túm tụm bên ô cửa sổ ngó ra ngoài. Thứ âm thanh vừa nãy đến càng lúc càng gần, chẳng mấy chốc, một bóng người rách rưới, bẩn thỉu xuất hiện nơi đầu ngõ.
Tóc ông ta bết lại như thể cả vài năm chưa gội đầu, khuôn mặt đen đúa, cáu bẩn. Đôi mắt trợn trừng, ngây dại. Tay ông ta cầm một cái gậy hua lên, xua những con chó đang sủa liên hồi. Ông đứng hồi lâu, vẫn lảm nhảm những câu không ai hiểu được. Đôi khi tôi nghe thấy chữ “trời”, lắm khi lại là “đất”, hay “hỏa” gì đó. Mà đó cũng chỉ là thứ chúng tôi luận thôi, còn ai cũng chịu chẳng biết ông nói gì.
Ông Tiên hay đứng trước ngõ nhà tôi vì bố mẹ tôi khi gặp vẫn thường cho ông một cái gì đó, khi miếng bánh, lúc đùm cơm. Có lần tôi hỏi mẹ: “Ông ấy bẩn thỉu thế, mẹ cho ông ấy làm gì, mẹ đuổi ông ấy đi, chúng con sợ lắm!”. Mẹ nhìn tôi, nói gạt đi: “Con còn nhỏ, có lúc mẹ sẽ kể cho con nghe”.
Hôm nay, bố mẹ tôi đi vắng cả, nên khi ông đến chỉ có những con chó dữ trực lao vào cắn. “Cho bõ đời, ông ta chắc phải đi sớm” - Tôi nghĩ. Một lúc sau, ông đi thật. Cả lũ trẻ chúng tôi ào ra ngõ khoái trá, người xua chó đuổi, kẻ lấy đá ném về phía ông. Ông Tiên hấp quay mặt lại, vừa lấy gậy xua đuổi lũ chó, vừa dậm chân, quát những câu ú ớ không thành tiếng đầy vẻ giận dữ. Còn lũ trẻ chúng tôi được phen cười sung sướng. Mẹ tôi về. Nhìn thấy cảnh đấy, bà bực lắm, vớ luôn cái cành cây cạnh đường quất cho tôi mấy cái. Lũ trẻ sợ, chạy biến. Còn bóng ông Tiên hấp cũng đã đi xa, cái dáng thất thểu không lẫn vào đâu được.
Bị đòn đau, tôi khóc rồi dỗi, không thèm ăn cơm, nằm trong giường. Tôi có làm gì ông ấy đâu, chỉ đứng cười và cổ động mấy đứa trẻ con hàng xóm thôi chứ. Vậy mà, tôi lại bị đánh, còn bọn kia chẳng sao cả. Thật bất công, phen này nhất quyết tuyệt thực. Thấy tôi mãi không ra ăn cơm, mẹ mới lại gần hỏi, tôi vùng vằng: “Con có làm gì ông ấy đâu, bọn kia ném chứ, sao mẹ đánh con?”. Mẹ tôi nói giọng nghiêm nghị: “Nhưng con cũng có lỗi là đã cổ vũ các bạn và không ngăn chó nhà mình xông vào ông ấy, mẹ đánh là đúng”. Tôi cãi lại: “Sao mẹ tốt với ông ăn xin đấy thế, sao mẹ đánh con chỉ vì ông ăn xin ấy?”. Tôi khóc nức nở.
Khuôn mặt mẹ tôi đang nghiêm nghị, bỗng trĩu nặng, trầm buồn. Bà im lặng hồi lâu rồi bảo: “Con cũng đã 10 tuổi, để mẹ kể cho con chuyện này”. Đôi mắt nhìn xa xăm qua cửa sổ, giọng bà đều đều: Ông Tiên là người làng ta, ở khu Núi Chúa, cách nhà mình vài cây số thôi. Nhà ông ấy có nhiều ruộng đất, đồi cây ăn quả, từ xưa đã khá giả nhất vùng. Năm ông 17, 18 tuổi gì đó, cha mẹ ông lần lượt lâm bệnh nặng mà qua đời. Từ đó, ông Tiên sống một mình. Ông Tiên rất chịu khó, từ sáng sớm đến tối mịt cứ quần quật làm lụng ngoài vườn, ngoài ruộng. Tính ông rất trầm, ít nói nhưng lại hay thương người, ai khó khăn ông cũng giúp, khi cân gạo, lúc ít rau, trái cây và nhà mình khi khó khăn cũng được ông giúp rất nhiều. Hồi đó, ông ấy còn biết một số cây thuốc, hay chữa bệnh cho mọi người. Ông ấy tốt lắm, không lấy tiền của ai bao giờ. Hồi con chưa được 1 tuổi, bị rắn cắn vào chân, cũng may ông ấy cứu kịp thời.
Nghe mẹ kể chuyện, tôi ngạc nhiên. “Nhưng sao bây giờ ông ấy lại như thế hả mẹ?” - Tôi hỏi.
Mẹ thở dài, tiếp lời: Chuyện dài lắm, có lẽ từ tình duyên dang dở! Nhiều người kể, chuyện bắt đầu từ hồi cha mẹ ông ấy lâm bệnh nặng rồi mất. Người làng đồn thổi nhà ông ấy giàu vì cha mẹ ông ấy đào được hũ vàng. Được tiền thì sang, được vàng thì lụi mà! Họ còn đồn thổi, nhà ông có bệnh nan y, sớm muộn ông Tiên cũng ra đi như cha mẹ ông ấy. Thời gian đó, ông ấy đang yêu một cô gái trong làng, nhưng gia đình bên kia một mực phản đối nên họ không đến được với nhau. Sau đấy, ông ấy không yêu ai nữa. Nhiều cô gái trong làng thấy ông chịu khó, đem lòng yêu mến, nhưng ông chẳng để mắt tới ai, chỉ sớm tối lo làm lụng.
Cách đây hơn chục năm, sau mấy ngày giông tố liên miên, lụt lội khắp nơi, có một cô gái xuất hiện ở nhà ông Tiên, sau đó ở hẳn đấy. Ông Tiên lúc đó khoảng 45 tuổi rồi, còn cô gái ấy ước chừng 34, 35 tuổi. Cả làng đồn thổi nhiều lắm, nhưng cuối cùng chẳng ai biết rõ cô ấy là ai, từ đâu tới. Họ ở với nhau được mấy năm, sinh một cậu con trai kháu khỉnh.
Sao nữa hả mẹ? Tôi tò mò. Câu chuyện về ông Tiên ly kỳ quá.
Nhiều người vui vì cuối cùng ông Tiên cũng có một gia đình hạnh phúc thì một hôm, nhà ông Tiên bị cháy. Ông Tiên lúc đó đang làm trên nương, khi về đến nơi, nhà đã cháy rụi và vợ con ông bị thiêu chết trong căn nhà ấy.
Tôi rợn cả tóc gáy, run rẩy. “Mẹ ơi, mẹ đừng kể nữa, con sợ lắm”. “Ừ, từ đấy đến nay, ông ấy điên điên, dở dở thế đấy con ạ. Thôi ra ăn cơm đi” - Mẹ tôi giục.
Câu chuyện về ông Tiên hấp cứ ám ảnh. Những ngày sau, nghe tiếng ú ớ ấy từ xa, tôi đã ngăn lũ trẻ hàng xóm trêu trọc ông. Cuộc sống cứ thế trôi. Ông Tiên vẫn thi thoảng qua nhà tôi. Có hôm, tôi đánh bạo, đưa cho ông chiếc bánh qua cánh cổng đóng kín. Ông Tiên nhìn tôi. Đôi mắt thường trợn trừng của ông lúc đó như dịu lại, ánh nét vui tươi.
* * *
Nửa đêm, tôi đang ngủ thì bị bố bế thốc ra sân. Căn nhà gỗ của chú Tấn cạnh nhà tôi cháy. Gió lộng nên đám cháy ngày một to. Bố tôi thoắt cái đã cùng bác Tiến hàng xóm dìu được hai vợ chồng chú Tấn trong ngôi nhà cháy ra ngoài. Hai vợ chồng chú ấy bị ngạt, mê man không biết gì. Bố tôi lại lao vào, nhưng sau đó tập tễnh đi ra, hét lên: “Cứu, cứu thằng Sáng, lửa to quá, chỗ nó ngủ bị xà nhà sập chặn rồi. Em đau quá”. Bỗng một bóng người lao vào đám cháy. “Ông Tiên hấp” - Tôi kêu lên. Một lúc, ông Tiên loạng choạng đi ra, trên tay ôm thằng Sáng. Người ông đầy vết bỏng. Bác Tiến vội chạy tới đón Sáng thì bỗng căn nhà đổ sụp đè lên người ông Tiên. Ngọn lửa trùm kín tràn cả bậc hè.
* * *
Ông Tiên nằm cạnh giường bố tôi trong bệnh viện. Cả làng thay nhau chăm sóc ông, lũ trẻ cũng theo người lớn vào. Tôi không còn thấy đôi mắt trợn trừng hay nghe ông lảm nhảm những âm thanh ú ớ nữa...