Lo xong đám tang bố, đợi khách ra về hết, anh Minh cho họp anh chị em họ tộc. Sau khi cẩn thận cảm ơn và gửi lại số tiền từng người đã mua sắm, lo liệu giúp mọi thứ trong lúc tang gia bối rối, anh từ tốn:
- Anh em con ở xa, đều đã có nhà cửa ổn định. Nay ông bà đã về nơi chín suối, chúng con thống nhất dành ngôi nhà này làm từ đường, nhờ bác cả ở quê trông nom. Vườn tược, hoa quả bác thu hái lấy tiền giúp hương khói, nếu còn bác cứ cầm, thêm vào tĩnh dưỡng. Mọi đồ đạc con để nguyên cho các cháu thi thoảng đi về có cái dùng. Con chỉ xin mang đi chiếc gối gỗ của ông…!
Ý kiến của anh Minh làm mọi người ngỡ ngàng. Anh Minh là con cả, dưới anh chỉ có một cô em gái đã yên bề gia thất. Nghe nói lúc mẹ mất, nhiều lần hai anh em về đón bố lên thành phố để tiện chăm sóc, nhưng ông nhất quyết từ chối. Bác cả là anh trai ruột của ông cũng vun vào: “Ở quê, tuy có anh có em, nhưng tôi cũng chả còn thọ được mấy nả. Chú cứ ra với các cháu…”. Ông giãy nảy: “Tôi còn sức, còn khắc tự lo liệu. Nhà của mình chả ở, đem thân già đi ở nhờ con cháu sao được”…
Tôi không hiểu tại sao nhà bao thứ đồ vật tiện dụng anh Minh đều để lại, chỉ xin mang theo mỗi chiếc gối gỗ. Tôi đồ rằng cả nước giờ chả ai còn dùng gối gỗ để gối đầu, ngay cả chiếu cói nhiều nhà cũng thay thế bằng chiếu trúc hoặc đệm ga. Mặc dầu vậy, phận con cháu tôi không dám hỏi. Chiếc gối ấy đã lên nước nâu bóng, dài độ gần 50 phân, cao khoảng hơn chục phân, ở giữa khoét hình khuyên to hơn đầu người lớn, khắc một chữ nho đã mòn vẹt. Lúc còn sống ông bảo đó là chữ Tâm. Hồi còn bé mỗi lần về quê tôi đều được ông cho ngủ cùng. Tôi kê đầu bằng chiếc gối độn bông gạo bà gom nhặt từ cây gạo của làng, ông dùng chiếc gối gỗ. Vài lần tôi cũng gối thử, thoạt đầu cũng thích, nhưng chỉ được một lúc chiếc gối vừa cao vừa cứng, đau gáy không chịu nổi tôi đành thôi. Bác cả, anh trai ông cũng có một chiếc gối như thế.
Ông bảo: Chiếc gối này làm bằng gỗ lát hoa. Ngày trước cụ thân sinh ra ông cùng tốp thợ xây dựng chùa làng. Chùa xây xong còn mấy khúc gỗ đầu thừa đuôi thẹo, mọi người xin mang về làm gối. Thời ấy, hầu hết đàn ông trong làng đều dùng gối gỗ kê đầu ngủ. Chiếc gối này được truyền sang đời ông. Trong nạn đói trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mọi thứ đồ dùng các cụ đều mang ra đổi lấy gạo của nhà chánh tổng, còn duy nhất chiếc gối không thể đổi. Nhìn chữ nho khắc giữa khuyên gối, tôi hỏi tại sao lại khắc chữ vào đấy, ông cười: Các cụ dạy sống trên đời con người ta cần nhất cái tâm cháu ạ. Chữ Tâm khắc vào gối cũng là cách để ghi nhớ, tự răn mình. Nhiều buổi trưa ông nằm đọc sách, sách ông đọc đã ngả sang màu vàng, ghi toàn bằng chữ nho, thứ chữ tôi chịu không tài nào hiểu nổi. Sợ chiếc gối gỗ làm ông mỏi, tôi nhường ông chiếc gối bông gạo, ông nháy mắt đùa: Bà cháu cũng sợ ông mỏi, nên nhặt nhạnh bông gạo về làm gối.
Ông dùng gối gỗ quen rồi, gối loại khác mới mỏi. Có đêm ông cũng thử đổi, nhưng không thể ngủ nên thôi. Tới những nhà có bậc cao niên, tôi thấy các cụ vẫn dùng gối gỗ như ông tôi. Tuy vậy không cụ nào biết gối gỗ có từ bao giờ, cũng giống như guốc mộc, lọt lòng đã nghe tiếng guốc khua. Người xưa dùng thế nào thì đời sau thế ấy.
Năm tôi học lớp bốn, nhân về quê ăn giỗ cụ thân sinh bố anh Minh, tôi mới biết cụ không phải mất do già yếu, mà bị quân Pháp hành quyết ngay gốc đa đầu làng. Bác tôi kể: Nhà cụ trước cách mạng là cơ sở nuôi giấu cán bộ Mặt trận Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp là địa điểm liên lạc của các đội du kích nằm vùng. Buổi tối mùa hạ năm 1953, quân Pháp bí mật càn quét vào làng. Khi đó trong nhà có ba cán bộ đang họp, cụ kê chõng tre nằm ngoài sân canh chừng. Tốp lính xộc vào cổng quá bất ngờ làm cụ chỉ kịp vung chiếc gối gỗ đánh tên đi đầu báo hiệu cho những người trong nhà rút lui qua cửa sau. Bọn địch trói cụ vào một nhánh của gốc đa đầu làng tra khảo suốt đêm. Sáng hôm sau, chúng lùa dân làng ra xem xử bắn cụ để răn đe. Súng mấy tên lính lên đạn, cụ vẫn bình thản như không và dõng dạc nói: “Không đội trời chung với bọn cướp nước”. Khi ấy, bố anh Minh đang là chiến sĩ quân đội huấn luyện tại chiến khu Việt Bắc. Ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, qua người làng ông mới biết tin bố mình bị quân Pháp giết hại…
Tôi quên bẵng chuyện anh Minh mang gối gỗ từ quê ra phố. Mãi hơn một năm sau, vợ tôi mua đôi gối mới rất đẹp thay cho đôi gối cũ đã dùng vài năm tôi mới sực nhớ. Tò mò muốn biết anh dùng gối gỗ thế nào, tôi phóng xe tới nhà. Nghe tôi hỏi, anh nhỏ nhẹ:
- Chiếc gối ấy là thứ duy nhất còn lại của cụ và ông thân sinh ra anh. Từ xa xưa các cụ trong quê đã dùng gối gỗ. Không hẳn không có thứ để làm ra một chiếc gối êm như rơm rạ, thậm chí là túi vải đựng lá chuối khô. Có lẽ từ một lý do nào đấy… Hồi ở bộ đội, anh cũng từng gối đầu lên cây rừng, lên báng súng để ngủ, nhưng đó là chiến trận…
- Giờ anh có thường dùng không?
Anh Minh đứng dậy vào phòng lấy ra chiếc gối:
- Nói thật với em, anh không biết tại sao các cụ lại có thể cả đời gối đầu bằng chiếc gối này. Anh chỉ dùng khi nằm đọc sách, đặt chiếc gối bông lên cho cao thêm, còn gối để ngủ thì chịu.
* * *
Dịp anh sang cát ông, tôi bận đi công tác nên không thể về quê. Tới nhà anh thắp hương cho ông làm lễ tạ, tôi thấy chiếc gối gỗ được đặt ngay ngắn phía dưới di ảnh ông ngay sau bát hương. Biết tôi ngạc nhiên, anh ôn tồn:
- Mỗi thế hệ một khác. Thời nay, anh em mình không còn dùng gối gỗ như cụ và ông. Nếu không giữ chiếc gối làm bằng chứng, con cháu chúng ta sẽ không biết người xưa sống thế nào. “Ôn cố tri tân”, đó là đạo lý của người Việt phải không chú?
Tôi đứng lặng, lòng tràn ngập một cảm xúc thật lạ. Trong làn khói nhang mỏng mảnh bay lên, chiếc gối gỗ dường như lấp lánh sáng.