Chợ bông

10:57, 01/08/2020

Từ cửa sổ tầng hai nhìn ra khoảng đất trống cuối chợ, tôi thấy một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi đứng vẽ dưới gốc cây bông bạc. Hình như anh ta đang vẽ cái chợ đông vui kia.

Không kìm nổi tò mò, tôi vờ xách chiếc giỏ đi đổ rác để có thể đến gần nơi người đàn ông nọ dựng giá vẽ. Tôi tới sát bên cạnh nhưng ông họa sĩ vẫn mải mê phết mầu lên bức tranh, không hề hay biết.
Nhìn tận mắt hình vẽ, tôi ngạc nhiên thốt lên: - Ồ! Là… bông sao…?
Họa sĩ giật mình quay lại: 
- Chào…Chào…chị…
Tôi hơi ngượng về sự bất nhã của mình, đành đưa đẩy để lấy lại bình tĩnh:
- Thế mà tôi lại nghĩ anh đang vẽ cái chợ đông vui kia.
Họa sĩ mỉm cười, nụ cười xa xăm:
- Đúng là tôi vẽ chợ nhưng không phải là chợ này mà là cái chợ bông của mấy chục năm về trước.
- Chợ bông? - tôi thảng thốt kêu lên.
- Đúng thế. Chị còn nhớ chợ bông họp ở đây từ những năm 75 không? Bây giờ thì… chẳng còn sót lại một người bán bông nào nữa.
 
Ngẩn ngơ một lúc, anh nói tiếp bằng giọng cởi mở:
- Mà xin lỗi… Nếu là người ở đây, chắc chị cũng chưa quên cái chợ bông nhộn nhịp ngày ấy - Anh nheo nheo mắt, đầy vẻ luyến tiếc - chợ bông ngày ấy năm ngày họp một phiên, bông bồng bềnh trắng xóa một vùng. Con gái Tày toàn mặc áo chàm, chít khăn mỏ quạ chứ không như bây giờ.
Tôi khẽ gật đầu:
- Đúng vậy. Anh nhớ kỹ lắm. Nhưng tôi không hiểu vì sao anh lại quan tâm đến cái chợ bông ngày ấy đến thế?
Giọng họa sĩ hơi nghẹn:
- Mỗi người đều có chút kỷ niệm cuộc đời mà chị.
 
Đến lúc này tôi mới ngó kỹ bức tranh anh vẽ dở. Đúng là anh đang cố phục dựng lại hình ảnh chợ bông mấy mươi năm về trước. 
Rõ ràng anh dựng giá vẽ ở đây không phải để vẽ cái chợ đầy ắp hàng hóa kia mà chỉ để “nhìn” về quá khứ. Tôi chưa gặp một họa sĩ nào có lối sáng tác như thế.
Thấy tôi chăm chú ngắm bức tranh, anh giải thích:
- Tôi muốn dùng nghệ thuật hội họa để tìm lại thời gian đã mất chị ạ.
Chừng như tự cảm thấy mình có vẻ hơi bốc đồng, anh sững lại:
- Ồ… có thể sự say nghề của tôi đã làm phiền chị…?
Tôi thấy cần giãi bày để anh yên tâm:
- Anh cứ nói tiếp đi. Tôi không phải là họa sĩ nhưng đã học qua khoa văn sư phạm, chắc chúng ta cũng có thể đồng cảm phần nào.
- Vâng! Có lẽ bây giờ chẳng ai còn dùng và nhớ đến bông của vùng này. Buồn thật! Cả huyện không còn lấy một tấc đất nhỏ để trồng bông. Chăn bông Hàn Quốc gói trong túi nhựa in hoa, in hình người lòe loẹt tràn ngập khắp chợ.
Anh khẽ thở dài:
- Cái chợ bông ngày ấy đã mất thật rồi - Anh cau mày, vẻ u ám - Chị có  nhận thấy cuộc sống đã để mất quá nhiều thứ không?
 
Cái chợ bông ngày ấy không chỉ để bán mua mà là chợ của tình yêu, của văn hóa. Chị còn nhớ những câu lượn của trai gái trong chợ bông ngày ấy không?
Chẳng đợi tôi trả lời, anh đọc vanh vách ca từ một bài lượn:
Nghe anh đọc, tôi hơi đỏ mặt xấu hổ. Là người Tày chính gốc nhưng tôi không  thuộc bài ca trên như anh.
Anh quay lại nhìn tôi với vẻ thất vọng:
- Thế mà bây giờ chợ chỉ còn toàn những tiếng mặc cả, đổi chác, cãi vã. Buồn nhất là tôi đi khắp chợ mà không còn bóng dáng một cô gái nào mặc áo chàm, chít khăn mỏ quạ.
 
Tôi chỉ vào cô gái chít khăn mỏ quạ trong bức vẽ:
- Thế cô gái này cũng do anh tưởng tượng ra sao?
Anh lặng lẽ, hồi sau mới nói:
- Chẳng giấu gì chị, đây là cô gái mà hơn bốn mươi năm trước, khi còn là một giáo viên bổ túc tăng cường lên vùng này, tôi đã yêu bằng tình yêu của mối tình đầu. Ở chợ bông, cứ năm hôm chúng tôi lại gặp nhau, lại đối đáp những câu lượn say đắm.
 
Nhưng rồi một ngày cô ấy pây hết lùa (đi làm dâu) theo sắp đặt của gia đình. Giờ đây trở lại, chợ bông cũng không còn. Đối với tôi, như vậy là có hai lần mất.
- Ra thế. Anh còn nhớ tên cô gái ấy chứ?
- Tôi quen gọi cô ấy là eng Nhình.
Tôi lùi lại một bước, choáng váng. Tôi thầm kêu: “Trời!…có lẽ nào lại là anh?”…
                                                         
   * * *
 
Đêm ấy tôi mất ngủ.
Đúng là anh rồi. Đúng là người con trai mà bao năm tháng lòng tôi đã réo sôi lên vì thầm ghen với con Nhình, đứa bạn thân nhất bản của tôi. Ngày ấy, gái trong bản đứa nào cũng thích những chàng trai cán bộ trẻ người Kinh từ miền xuôi lên công tác. Anh đã để mắt đến Nhình. Con bé thật tốt số. Anh đẹp trai và biết nói nhiều lời hay, ý đẹp như hoa mùa xuân. Cái dáng cao lớn, ngời sáng của anh “cán bộ miền xuôi” ấy mỗi lần xuất hiện trên cánh đồng bông dưới chân núi Phia Khao là mỗi lần làm gái bản chúng tôi choáng ngợp. Riêng tôi cứ ôm mãi trong lòng mối tình đơn phương. Còn Nhình, kể từ ngày anh đi, đã trút khỏi đầu mọi chuyện. Cho đến khi cơ chế thị trường ào lên mảnh đất hẻo lánh này, lại được một ông anh ruột giàu có từ nước ngoài đầu tư vốn liếng mở một cửa hiệu điện tử lớn nhất vùng thì gia đình nó phất lên như diều gặp gió. Nó đâu còn là con Nhình của bốn mươi năm về trước. Anh nói đúng. Cuộc đời đã mất đi nhiều thứ quá. 
 
Và còn tôi? Tôi có đánh mất điều gì của chính mình không? Từ một cô gái Tày với cái tên A Sao tôi đã trở thành bà hiệu trưởng Ánh Sao của một trường cấp III, là phu nhân của một phó chủ tịch huyện. Vậy tôi có thể mất gì? Có lẽ sẽ là như vậy nếu như chiều hôm nay tôi không vô tình gặp anh. Quả là tôi đã quên mình từng là cô bé A Sao trẻ trung, tươi sáng, lượn giỏi nhất vùng. Tôi buồn bã chợt nhận ra, đôi khi sự thông minh, chững chạc lại đồng nghĩa với sự đánh mất của cuộc đời.
 
Rất nhiều buổi chiều sau đó, nhìn về phía cây bông bạc cuối chợ, tôi không thấy anh ở đó nữa. Một lần nữa anh lại mất hút khỏi cuộc đời thôi.
 
Không hiểu sao, từ ngày anh đi, mỗi lần nhìn ra cái chợ ồn ào, đầy ắp hàng hóa trước mặt kia, tôi không nhìn thấy chính nó nữa. Trong mắt tôi cứ thấp thoáng ẩn hiện những núi bông trắng muốt cùng những bộ áo chàm, những nụ cười lấp lánh, những câu lượn mơ màng giữa chợ phiên. Tôi như thấy eng Nhình đầu chít khăn mỏ quạ hồn nhiên, tươi rói. Và lạ chưa, tôi còn nhìn thấy cả bóng hình mình nữa - cô bé A Sao má đỏ hây hây, bồng bềnh trong mây trắng chợ bông. Và tôi hiểu, trong cái chợ bông huyền ảo ấy còn có cả anh. Anh đứng lặng lẽ đâu đó trong góc khuất chợ phiên với nụ cười tê tái.
 
Trái tim tôi chợt nhói đau vì nhận ra rằng đó chính là những ảo giác của một kẻ đang đi trên sa mạc./.