Nghe anh em tôi bàn chuẩn bị về quê làm lễ giỗ những người chết trong nạn đói năm 1945 do ông trưởng họ tổ chức, mẹ tôi ngậm ngùi: “Các con nhớ sắm chút hương hoa cho bà cụ Bủng”. Bà cụ Bủng là người cưu mang, nuôi nấng mẹ tôi trong khốn khó. Từ khi chúng tôi trưởng thành, năm nào mẹ cũng về làm giỗ cho bà cụ. Những năm gần đây do sức khỏe yếu, mẹ không thể ngồi xe về quê. Dù anh em tôi không quên, nhưng mẹ vẫn nhắc.
Thực ra bà cụ không phải tên là Bủng. Mẹ tôi kể bà là vợ ông thuyền chài đánh cá trên đoạn sông mé ngoài làng. Thi thoảng bà vẫn cắp rổ cá vào làng đổi gạo. Giống như những người bán dạo khác, bà không xưng tên và cũng chẳng ai cần biết tên bà làm gì. Có thể do nước da xanh bủng, hoặc còn lý do nào đó nên dân làng thuận miệng gọi. Đôi lần có người buột lời: “Ấy này Bủng ơi!”, bà đon đả thưa. Mặc nhiên bà mang cái tên ấy.
Vợ chồng bà có một cô con gái chừng mười tuổi, cả nhà sống trên thuyền. Thường thì sáng ra đã có người đến hỏi mua cá vợ chồng ông đánh được trong đêm, nên ít khi người làng thấy ông thuyền chài lên bờ. Năm đó trận dịch tả hoành hành khắp vùng làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có chồng và con gái bà. Dân làng đưa xác cả hai lên bờ chôn cất. Từ đó bà bỏ thuyền lên ở nhờ điếm canh trên đê và đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống. Mới gần 40 tuổi và không hẳn chẳng còn ai ngó ngàng, bà vẫn ở vậy một thân một mình.
Năm Ất Dậu 1945, Nhật đảo chính Pháp, chúng bắt dân nhổ lúa trồng đay và vơ vét lúa gạo mang về nước. Trong ký ức, mẹ tôi vẫn nhớ như in trận đói kinh hoàng ấy. Hồi đó mẹ còn bé, chỉ độ sáu, bảy tuổi. Làng xóm hết cái ăn, tiêu điều xơ xác. Nhà mẹ tôi cạnh chợ, người khắp nơi lũ lượt kéo về ăn xin, nhưng chợ cũng chả còn ai mua bán. Người chết đói la liệt trong các lều chợ. Hàng ngày bọn lính dùng xe bò chở các xác chết đổ vào hố chôn tập thể.
Mẹ bảo khi ấy ông bà thân sinh ra mẹ lặn lội bờ ruộng, mom sông mò cua bắt ốc nuôi hai đứa con, nhưng cua ốc cũng không còn. Cả nhà phải ăn cám lợn, củ chuối cầm hơi. Những thứ rau vặt vãnh mọc hoang ngoài đồng cầm cự cho qua ngày đoạn tháng cũng hết. Bố mẹ chết đói chưa kịp chôn thì đứa em của mẹ mới bốn tuổi cũng chết. Mẹ lả đi vì đói, chỉ biết lê lết bên xác bố mẹ và em gào khóc.
Trong lúc mấy người làng quấn bố mẹ và em vào các manh chiếu rách vùi tạm xuống sau nhà, bà cụ Bủng im lặng bế mẹ về nuôi. Điếm canh bà chọn làm nơi ở cũng có hai đứa trẻ nữa chạc tuổi với mẹ bà nhặt về. Lúc này trong nhà không còn hạt gạo nào, à mang tấm lưới cũ của chồng ra sông ngụp lặn quăng chài. Mỗi ngày bà cũng chỉ quăng được vài con cá bé. Những con cá ấy bà nấu thành cháo loãng cho mấy đứa nhỏ ăn cầm hơi. Mãi tới khi Việt Minh phát động khởi nghĩa, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, mẹ tôi mới biết mùi cháo gạo. Đận ấy, hơn nửa số dân trong làng chết đói. Nếu không có bà Bủng, chắc chắn mẹ tôi cũng không thể sống nổi.
Cách mạng Tháng Tám thành công, bà được chính quyền giao trông nom chợ. Hai đứa trẻ bố mẹ chết đói may mắn được người nhà từ vùng mỏ Phấn Mễ, Hồng Quảng tìm về đón đi. Bà làm đủ thứ việc, từ quét dọn chợ, cấy rẽ, đến gánh, đội hàng thuê nuôi mẹ tôi. Lớp bình dân học vụ xóa mù chữ, bà cũng theo học chung lớp với mẹ.
Đầu năm 1953, một tốp bộ đội bí mật về làng xây dựng phong trào du kích. Buổi chiều, bà đi đội gạch thuê về đến đầu làng thì phát hiện toán lính Pháp kéo nhau đi càn. Không còn cách nào khác, bà vừa hô hoán vừa chạy ra cánh đồng đánh lạc hướng, báo hiệu cho những người trong làng biết. Bà bị quân Pháp bắn chết. Bộ đội và du kích nghe tiếng súng kịp thời cơ động vòng ra phía sau đánh úp. Quân Pháp hoảng sợ rút về điếm canh đê dựng trại. Không để người làng lấy xác bà chôn cất, quân Pháp trên đê bắn cảnh cáo bất cứ ai đến gần. Ba ngày sau, xác bà tự nhiên bị đống mối đùn lên phủ kín. Người làng bảo bà cụ thác thiêng lắm, ông trời thương, không nỡ đày phơi thân trước bọn nghiệt súc. Ngày quân Pháp rút, không ai dám động đến phần mộ bà, chỉ lấy đất đắp lên và hương khói bái lạy. Lúc này mọi người mới hối hận vì quá vô tâm, đến họ tên thật của bà cũng chẳng ai biết.
Sau ngày bà cụ Bủng mất, mẹ tôi được chòm xóm đùm bọc. Thương mẹ, gia đình người chú họ khẩn hoang tại Thái Nguyên đón lên nuôi. Mãi cuối những năm sáu mươi, mẹ mới có điều kiện trở về làng. Mộ bà cụ Bủng vẫn ở ngoài cánh đồng. Người làng kể một dạo ban chủ nhiệm hợp tác xã quyết định đưa phần mộ bà cụ vào nghĩa trang. Ông thầy được mời tới làm lễ sang cát bảo bà cụ nhất quyết không chịu, giời cho cụ nằm đâu cụ nằm đấy. Thấy động mồ động mả cũng phiền, ban chủ nhiệm bảo ông thầy xin để làng mặc cho bà cụ tấm áo mới. Sẵn vật liệu đang xây dựng trụ sở, người làng xây cất cho bà cụ Bủng ngôi mộ khang trang nhất làng thời ấy. Bà bị quân Pháp bắn, tuy không phải là liệt sĩ, nhưng cả làng coi bà chết để cho mọi người được sống.
Tới tận bây giờ, ngôi mộ của bà cụ Bủng vẫn nằm đó trên cánh đồng. Người làng nói với nhau từ khi bà cụ Bủng mặc áo mới, cuộc sống của làng thay đổi nhiều, mùa vụ nào cũng bội thu. Các gia đình làm ăn ngày một khấm khá. Làng trên, xóm dưới thuận hòa. Mùng một, ngày Rằm ngôi mộ của bà cụ luôn được hương khói. Mẹ tôi bảo hai đứa trẻ được bà nuôi nấng qua nạn đói cùng với mẹ tôi, lớn lên cũng tìm về quê, coi mộ bà cụ Bủng như mộ người thân.
Về đến đầu làng, tôi đã thấy bên ngôi mộ bà cụ Bủng có mấy người đang sang sửa. Giữa cánh đồng xanh bát ngát, ngôi mộ như một đóa hoa nắng sáng lên lấp lóa. Bất giác, tôi nhớ đến lời một bài hát về đóa hoa vô thường. Có lẽ từ tột cùng đau thương, những người con của làng quê giống như bà cụ Bủng, biết chắt chiu từ mồ hôi đất làm nên những đóa hoa tô đẹp thêm cho đời.