Tác giả Khánh Hạ là hội viên đặc biệt của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông là nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đồng thời là hội viên Chi hội Văn xuôi. Lặng lẽ viết, đến giữa năm 2020, khi ở tuổi 75, ông “song sinh” hai đứa con tinh thần: Tập thơ “Trở lại miền Đông” và tập truyện - ký “Chuyện bây giờ mới kể”.
“Trở lại miền Đông” in gần 50 bài thơ, mỗi bài như một kỷ niệm cuộc đời. Người đọc rưng rưng trước nỗi lòng người cha ngày con về nhà chồng: Lên xe tà áo nhẹ tênh/Mà nghe nặng trĩu cho từng ngày sau/Đường trần bãi biển, nương dâu/Biết đâu nệm gấm, biết đâu bãi bờ…(Con lên xe hoa). Khánh Hạ là người nặng trách nhiệm với gia đình. Ngày ông rời Thái Nguyên về Hà Nội ở chung cư để tiện bề giúp con cũng vui, buồn lẫn lộn: Thế là bỏ đất lên trời/Trời không thấy lại chơi vơi giữa chừng (Về ở chung cư). Nghĩ nhiều và thường tâm sự với mình, Khánh Hạ có nhiều suy tư âm thầm: Bóng ơi ta chả có gì/Mà theo cuối đất mà đi cùng trời (Với bóng). Nhiều bài thơ là nỗi nhớ đồng đội đã cùng ông sống chết gần chục năm ở chiến trường Nam bộ: Những cơn sốt rung tăng rung võng/Rung Trường Sơn từ Nghệ Tĩnh, Quảng Bình/Nếu phải đi…tôi đi từ ngày ấy/Đâu đến giờ còn được đón bình minh? (Tự bạch).
Đồng hành với thơ là truyện và ký. Tập “Chuyện bây giờ mới kể” gồm 12 tác phẩm thấm đấm kỷ niệm chiến trường. Tiếng súng, tiếng gầm xe tăng, chùm bom tròn vo như trái bóng lao xuống đầu, từng người lính ngã xuống… vẫn rõ như mới xảy ra ngày hôm qua. Tài kể sinh động cộng với óc quan sát tốt, Khánh Hạ dẫn người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ đó hiểu hơn cuộc sống của người lính trên chiến trường, cũng như khi họ trở về địa phương.
Có thể nói, hai đứa “con song sinh” của tác giả Khánh Hạ được “hoài thai” bởi kỷ niệm chiến tranh khốc liệt. Với Khánh Hạ bây giờ, cuộc đời thật giản đơn và bình thản. Bởi những gì dữ dội nhất, dường như ông đã trải qua.