Trong một lần đến làm việc tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) vào cuối giờ trưa, tôi đã rất lấy làm lạ khi thấy tại UBND thị trấn vài cán bộ đang chuẩn bị một mâm lễ với lòng thành kính giống như một gia đình chuẩn bị cúng giỗ người thân. Thắc mắc của tôi được giải đáp cũng là lúc hé mở ra câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn An Trung với mảnh đất nông trường chè Sông Cầu.
Tôi xin được mở đầu câu chuyện bằng một câu hỏi của chị Ngô Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (viết tắt mà MARIN) khi về Sông Cầu tìm thân nhân của ngôi mộ chỉ có tên Nguyễn An Trung, câu hỏi của chị là “Người chiến sĩ ấy do ai đặt tên?”
- “An Trung, Nguyễn An Trung là tên do nông trường Sông Cầu, Bắc Thái đặt cho thằng Trung ấy chứ, nó là trẻ mồ côi, nông trường nhận nuôi mà” -ông Nguyễn Văn Hậu, cựu chiến binh ở xóm 5 đã trả lời câu hỏi đó. Lúc này chị Hằng và các cộng sự mới vỡ lẽ tại sao thông tin về liệt sĩ Trung lại luôn bị đứt gãy trong quá trình tìm kiếm.
Ông Hậu sinh năm 1938, là đội trưởng của một đội sản xuất chè ở nông trường Lê Hồng Phong hồi ấy. Ông kể tiếp: - Chẳng biết thằng Trung đến đội khi nào? Từ đâu đến? Chỉ biết ngày đó nó tầm 12, 13 tuổi. Lúc nhỏ chưa đủ tuổi làm công nhân nên được bố trí nấu cơm, quét phòng, rồi nó lớn lên làm công nhân của nông trường. Hỏi nó tên gì? Cha mẹ là ai, nó chả biết nên chúng tôi đặt cho nó cái tên Nguyễn An Trung.
Lớn lên trong tình yêu thương và sự bao bọc của nông trường, tháng 7-1967 chàng thanh niên Nguyễn An Trung xung phong đi bộ đội và đi cùng đợt với ông Hậu. Bởi vậy mà chuyện về liệt sĩ Trung ông Hậu nắm khá rõ. Ông hồi tưởng: - Nó đi cùng đợt với tôi. Khi khai hồ sơ nó bảo chẳng có ai thân thiết nên khi điền địa chỉ báo tin nó bảo cứ báo về nông trường. Trước khi đi, nó có 50 đồng, gửi ông Giáp làm ở phòng tài vụ giữ hộ và dặn nếu hòa bình về nó sẽ dùng tiền đó cưới vợ. Tôi không nhớ nhiều những năm tháng huấn luyện nhưng vào đến Quảng Trị nó lại về đơn vị tôi: C4, D2, E7, Bộ tư lệnh Công binh, chiến đấu khu vực Hướng Hóa. Khi đi tôi đã có vợ và 2 con nên coi nó như em út, những đêm nằm ngủ cùng nghe nó kể chuyện, nó không biết cha mẹ là ai, lưu lạc làm con nuôi một gia đình ở Huống. Nhưng họ ác quá, nó đành bỏ nhà ấy đi lang thang lên Nông trường từ đó.
Thông tin đến đây gần như bị đứt gãy, đại diện Trung tâm MARIN là chị Ngô Thúy Hằng trộm nghĩ: Chú hơn mẹ tôi 1, 2 tuổi, thời mà đói kém năm 1945 người chết chất đầy đường, chả ai biết ai, chú lại là trẻ mồ côi không người thân thích nên tôi cũng không có ý định đi tìm gia đình cho chú nữa mà sẽ làm công văn cho tổ chức Đoàn Thanh niên nhận hương khói cho chú vậy.
Không biết có phải ý nguyện của liệt sĩ là muốn được tìm về nơi mình từng sống trước ngày lên đường hay không mà khi ấy thông tin về việc Trung tâm MARIN đi tìm thân nhân cho liệt sĩ An Trung lại đến được với lãnh đạo thị trấn, trực tiếp là chị Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu. Chị Huyền nhớ lại: - Lúc đó khoảng cuối năm 2014, sau cuộc điện thoại của đồng chí Bốn, Giám đốc chi nhánh chè Sông Cầu, tôi đã nghĩ rằng xưa nay chỉ có người thân tìm liệt sĩ bây giờ lại có liệt sĩ tìm người thân quả là một điều đặc biệt…
-Chị có nắm được thông tin gì về liệt sĩ không?- Tôi sốt sắng
Chị Huyền trầm ngâm: - Lúc đó, thông tin duy nhất của tôi là hình ảnh Bằng Tổ Quốc ghi công tôi nhìn thấy treo trên phòng làm việc của UBND thị trấn. Tôi đã chủ động liên hệ với MARIN để nắm bắt và coi việc tìm kiếm thông tin về liệt sĩ là một nhiệm vụ trong mảng việc đang phụ trách của mình. Một mặt tôi thông tin tới tất cả các xóm về trường hợp liệt sĩ Trung xem còn ai biết gì về quê quán của liệt sĩ hay không. Câu chuyện mồ côi của liệt sĩ và lời nhắn gửi trước khi lên đường nhập ngũ là nếu hy sinh xin báo về mảnh đất đã nuôi chú, rồi số tiền gửi lại 50 đồng dặn khi về lấy vợ làm tôi xúc động… tôi cũng đã suy nghĩ nơi chú ấy cảm nhận được tình người ấm áp nhất chính là mảnh đất này.
Cứ thế, mong mỏi việc đón liệt sĩ về để nhân dân Sông Cầu tri ân càng trở nên cháy bỏng trong lòng các cán bộ và nhân dân địa phương. Trải qua nhiều nỗ lực, cố gắng, tháng 9-2016, nhân dân Sông Cầu đã đón được hài cốt liệt sĩ Nguyễn An Trung, người con của quê hương trở về yên nghỉ tại nghĩa trang của huyện. Ngày đón hài cốt liệt sĩ, với mỗi gia đình ở Sông Cầu là đón một người thân đã hy sinh cho Tổ quốc trở về. Khu vực tổ chức lễ đón không còn chỗ len chân, nhiều người từng ở nông trường cùng thời với liệt sĩ An Trung năm xưa biết tin cũng trở về đón liệt sĩ như đón người bạn lâu ngày chưa gặp lại.
Giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn An Trung.
Việc đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn An Trung trở về đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều cơ quan, đơn vị và nhân dân địa phương. Sau khi tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ trang trọng chu đáo, phần kinh phí còn dư trên 14 triệu đồng, đã được UBND thị trấn giao lại cho cán bộ văn hóa gửi tiết kiệm. Mỗi năm các cán bộ thị trấn lấy tiền lãi sắm sửa mâm cơm thắp hương vào ngày liệt sĩ hy sinh (10-6 dương lịch theo giấy báo tử) và mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc những mong hương hồn liệt sĩ được an ủi. Đó cũng là lý do tại sao tôi thấy các cán bộ chuẩn bị mâm lễ như gia đình làm cơm giỗ người thân.
Ân tình của liệt sĩ An Trung với Sông Cầu và của Nhân dân Sông Cầu với liệt sĩ An Trung chưa dừng ở đó. Cũng chính chị Ngô Thúy Hằng, người trực tiếp đại diện cho MARIN đi tìm thân nhân của liệt sĩ An Trung đã hợp tác với hợp tác xã chè Thịnh An, một trong những đại diện tiêu biểu của Sông Cầu trong việc xây dựng thương hiệu chè chất lượng tạo ra thương hiệu chè “Nhất ẩm An Trung” nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay với ân tình liệt sĩ An Trung đã dành cho mảnh đất nông trường chè từng nức tiếng một thời này.
Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (viết tắt là MARIN) thuộc Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, Bộ Tư pháp. Mục đích của MARIN là chung tay cùng Đảng, Nhà nước xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng liệt sĩ thông qua tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ.