Huyền đặt chân lên mảnh đất Lũng Luông vào một sớm bình minh mềm tơ những nắng. Băng qua con đường có khóm mua bắt đầu nở, qua dãy núi đá vôi chạy dài; dốc nối dốc cao vút, Huyền mang quyết định về công tác cùng tâm thế của một người thầy đến với mảnh đất còn đầy khó khăn, nghèo đói để góp sức nhỏ bé của amình vào công cuộc đem cái chữ cho người vùng cao. Ngôi trường kia rồi. Tít trên đỉnh núi. Cái biển ghi hàng chữ to, đậm: Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên hiện ra như một bông hoa nhỏ giữa lá xanh ấm áp của núi rừng bao quanh.
Huyền đang bỡ ngỡ bước lên lớp đất mới khô lại sau cơn mưa mùa hạ trên sân trường thì chị Tâm - hiệu trưởng cùng với các thầy cô ra mời vào văn phòng. Đón chén nước trên tay và những nụ cười thân tình, ấm áp, Huyền thấy mình như đã là một thành viên ở nơi này từ lâu. Chị Tâm đưa Huyền đi thăm một lượt trường, để Huyền làm quen dần. Chị nhẹ nhàng:
- Trường Tiểu học Lũng Luông trước kia là một điểm trường của Tiểu học Thượng Nung. Trường được thành lập năm 1999, ngày đầu chỉ có lớp 1 với 15 học sinh học trong gian nhà mái lá người dân dựng lên. Mùa mưa, gió to, cả tường cả mái lớp học bay tơi tả, tuần nào cũng phải sửa. Năm 2002, xẻ được cây gỗ to trên rừng, bà con dựng cho “cái chữ” 3 gian nhà, lợp mái cọ. Đến năm học 2005, nhờ ngân sách Nhà nước, mái lá được thay bằng tấm lợp. Người góp công, người góp gỗ, mỗi năm ngôi trường cũng thêm vững hơn, đến nay đã dựng thêm được hai gian nhà, một gian để học, một gian vừa là văn phòng, vừa là nhà nội trú cho giáo viên. Hè năm 2011, Quân khu 1 quyên góp vật liệu, bộ đội và nhân dân cùng cõng lên, ghép gỗ đổ nền lại và dựng thêm một nhà văn hóa rất vững chắc… Em về đây, sẽ phải cùng chung sự vất vả với mọi người. Ở trên cao, lưu ý nhất là vấn đề xe cộ. Phải hết sức cẩn thận với những con dốc cao. Đi xe máy, má phanh phải kiểm tra thường xuyên.
Huyền lắng nghe từng lời và nắm tay chị:
- Về đây công tác, em hứa cố gắng và sẽ vận động bà con dưới xuôi chung tay giúp sức đồng bào còn nghèo ở nơi đây. Em không ngại gian khổ. Tuổi thơ em cũng ăn độn khoai, độn sắn, ở nhà mái dột cả đêm mưa rồi. Giờ vất vả mấy, em cũng chịu được.
Huyền thành cô giáo cắm bản. Ngoài giờ lên lớp, cô cùng đồng nghiệp đến từng hộ dân, tiếp xúc, trò chuyện và theo dõi cuộc sống của họ, đặc biệt là với lũ trẻ. Cái khổ đầu tiên ở đây là thiếu nước sinh hoạt. Sáng nào, Huyền cũng cùng các thầy cô dậy từ 5 giờ sáng để đi gánh nước ở con dốc rất cao. Đến mùa khô, nước cạn, người dân phải san sẻ chỗ nước ít ỏi, chắt chiu để nấu ăn cho trẻ con trong trường. Nước ăn còn hiếm, lấy đâu nhiều nước để tắm giặt. Cả mùa khô, Huyền cùng các thầy cô phải đi chở nước ở đầu nguồn rất xa mới có để dùng. Khi trao đổi với chính quyền xã cũng như người dân thì tất cả đều nói không có cách gì vì ở đây cao quá không thể khoan giếng được. Huyền suy nghĩ, bàn bạc với ban giám hiệu, các thầy cô giáo và phụ huynh rồi về nhà máy nước xin được các nhà chuyên môn tư vấn. Cuối cùng, thật may mắn khó ngờ là sau nhiều ngày đêm cùng các kỹ sư nhà máy trăn trở, tìm tòi, khảo sát, công trình nước được khởi công và thành công ngoài mong đợi. Niềm vui được vỡ òa khi thợ đào trúng mạch nước ngầm. Công trình nho nhỏ đã mang nước sạch phục vụ sinh hoạt của các thầy cô giáo và gần hai trăm học sinh cũng như những người dân trong bản.
Những nguồn nước trong, nước ngọt bắt đầu đến với từng hộ dân mỗi ngày. Những bài học, bài hát trong ngôi trường bắt đầu cất lên như những bài ca chiến thắng khó khăn, nghèo đói. Những em học sinh ban đầu nhút nhát, mà đến giờ đã líu lo trò chuyện với các thày cô giáo.
Từ thành công tạo được nguồn nước cho nhà trường và bà con dân bản, Huyền tiếp tục bàn với nhà trường về chương trình học bổng ước mơ, về chương trình vận động các nhà hảo tâm giúp các em nghèo được đến trường, được học hành, mong các em có một tương lai tươi sáng.
Một buổi chiều, Huyền cùng các cô giáo lên nghiệm thu công trình nước, tiện đường lên thăm bản Lũng Cóm. Lũng Cóm là một bản người Mông có khoảng hơn một trăm nhân khẩu nằm lọt giữa các ngọn núi tại xã Thượng Nung (Võ Nhai). Muốn vào bản phải đi qua con suối, mùa khô thì lội đến đầu gối người lớn, còn mùa mưa lũ thì ngập quá đầu người. Chị Tâm kể: “Mới năm học trước, một học sinh bản Lũng Cóm đã bị nước cuốn trôi trước mắt người cha khi đang lội qua suối thì lũ ống về đột ngột. Đau lòng lắm”. Chính bản thân Huyền cũng đã từng được tận mắt chứng kiến cảnh trẻ em lội qua suối, bám vào vách đá cheo leo để leo lên bản, mồ hôi đầm đìa theo mỗi bước chân suốt cả tiếng đồng hồ mới tới. Trong đầu Huyền bắt đầu ấp ủ ý tưởng xây một cây cầu nhỏ mặc dù chị hiểu đó không phải là việc dễ làm. Cây cầu sẽ nối bản với con đường tới trường và ra thị xã, xoá đi cái nút thắt lâu nay gây nên sự cách ly của dân bản.
Chính quyền địa phương chưa có nguồn lực để xây cầu trong tương lai gần. Người dân cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Huyền vận động các đồng nghiệp tranh thủ ngoài giờ lên lớp và các hộ dân trong bản những khi rảnh rang lên rừng lấy nứa, lấy măng, hái nấm, hái rau rừng… Rồi nuôi dê, nuôi bò, vừa phát triển kinh tế, có điều kiện góp công, góp của để xây cầu. Không ngờ chẳng bao lâu, với số tiền làm thêm của giáo viên… cùng bao sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân, ước mơ đã trở thành hiện thực. Số tiền góp quỹ xây cầu đã đủ để chuyển cho công ty tư vấn kiến trúc xây dựng Thái Nguyên xây cầu, số dư còn lại dùng để giúp bà con bản Lũng Cóm vay để tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Sau mấy năm dạy nghĩa vụ miền núi, Huyền nhận quyết định trở về thành phố công tác. Cô Tâm - Hiệu trưởng và các thầy cô giáo nắm tay Huyền như ngày đầu cô mới đến, cảm ơn vì những đóng góp không mệt mỏi của Huyền. Huyền dọn đồ đạc trong phòng để chuẩn bị trở về, thấy những chiếc bánh nếp, bánh chưng, con gà buộc chắc trong lồng. Không biết phụ huynh và những em học sinh nào đã lén để trên bàn, lúc cô đi vắng.
Có cảm giác không chịu nổi phút chia tay nên Huyền đã lặng lẽ xuống núi không thông báo cho bất cứ một học trò nào trong lớp. Nào ngờ, khi Huyền vừa bước xuống lưng chừng dốc đã thấy bọn học trò đứng hai hàng bên đường. Chúng đưa tay vẫy rồi ào đến nắm lấy tay Huyền, nước mắt lưng tròng, bịn rịn với bọn học trò cả tiếng đồng hồ mới đi nổi.
Xuống tới chân dốc, Huyền mới dám để mặc cho nước mắt tuôn trào. Huyền xốc ba lô bước đi. Huyền chợt nhớ, ngày mới đến đây, khác với nhiều nữ giáo viên ngày đầu đến miền núi xa xôi hẻo lánh nhận công tác thường bật khóc, khi nhìn dãy núi cao sừng sững trước mặt, cô đã nở một nụ cười vui đầy thách thức. Còn bây giờ, khi đã hết nghĩa vụ được trở về thành phố, có lẽ nhiều nữ giáo viên bạn của Huyền sẽ cười hớn hở như trút được một gánh nặng thì cô lại khóc. Dường như có phần trái ngược. Nhưng mà đó là những giọt nước mắt chân thật từ chính từ trái tim yêu thương của Huyền.
Ngoài trời, mưa xuân bắt đầu đậu trên cánh đào hồng phấn, Huyền quay lại nhìn tấm biển lớn Trường Tiểu học Lũng Luông… một lần nữa, rồi cắm cúi bước đi./.