Nhìn bà Hạnh bần thần xếp ra khay món quà của bác ruột trong quê gửi, Thạch chợt cảm thấy áy náy và biết mình có lỗi với mẹ. Dù từ thành phố Thái Nguyên về quê chỉ non bảy chục cây số, nhưng do công việc bận rộn, hơn nửa năm nay vợ chồng anh chưa đưa mẹ về.
Tranh thủ ngày Chủ nhật, Thạch bố trí chuyến xe đưa cả nhà về thăm quê. Ngồi trên xe, lòng anh chộn rộn với bao ý nghĩ. Bố vợ anh là thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã mất do vết thương tái phát. Ông bà có hai con. Người con thứ hiện là quân nhân chuyên nghiệp sinh sống cùng vợ mãi tận Đà Nẵng. Bà Hạnh sống một mình trong căn nhà tại quê. Nhiều lần vợ chồng Thạch và người em cậu nài nỉ bà về ở cùng để tiện chăm sóc nhưng bà nhất quyết từ chối. Bà bảo quê là nơi chôn rau cắt rốn, men làng đã ngấm vào trong người, bà còn sức còn tự lo cho mình, lúc đau yếu đã có anh em họ mạc. Gần cuối đời đến nơi lạ nước lạ cái, chẳng quen ai, biết làm gì cho qua ngày?
Năm ngoái bà lâm bệnh phải lên Bệnh viện Đa khoa điều trị. Khi mẹ khỏi bệnh, Thạch bàn với người em cậu đưa mẹ về ở với vợ chồng anh. Con nào cũng là con, vợ chồng anh đủ sức chăm lo cho mẹ. Ấy vậy nhưng phải cậy nhờ chú bác vun vào, bà Hạnh mới nghe. Căn nhà ở quê vợ chồng Thạch và cậu em thống nhất giữ nguyên, nhờ ông bác họ trông hộ và giúp hương khói ngày lễ, Tết để anh em con cháu có chỗ ăn nghỉ mỗi lần về.
Nắng sớm mai vàng óng ngập tràn, cánh đồng xanh nõn ánh lên ngời ngợi. Xe lướt chầm chậm trên con đường vào làng. Tới bờ đầm thấy nhấp nhánh những bông hoa súng tím, bà Hạnh bảo dừng xe. “Nước chỗ này nông, ngày bố các con còn sống, mùa hoa mẹ vẫn xuống hái cắm trên ban thờ gia tiên…”. Mang bó hoa đưa cho mẹ, Thạch gãi tai: “Nếu mẹ không bảo con cũng chịu. Mấy lần về quê thấy hoa đẹp muốn hái nhưng sợ nước sâu”. “Mẹ còn bé đã mò cua bắt ốc, đoạn nào quanh bờ cũng thuộc như lòng bàn tay. Vợ anh mang tiếng người nhà quê, nhưng có phải lặn lội gì”. Vợ Thạch làm mặt dỗi: “Con cũng biết thái chuối, băm bèo chứ không ạ?”.
Không muốn báo trước để gia đình bác chuẩn bị cơm, mãi gần về làng Thạch mới gọi điện và dừng lại mua ít thức ăn mang về cho tiện nấu nướng. Anh bất ngờ khi vừa đỗ xe, nhiều người đã đợi sẵn ùa ra đón. Dù nhiều tháng liền vắng người, nhưng ngôi nhà của mẹ anh vẫn được chăm nom quét dọn sạch sẽ. Bà mẹ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy mảnh vườn nhỏ mấy luống rau mơn mởn xanh. Vườn cây ăn quả quanh nhà xum xuê đổ bóng. Gian bếp trước là nơi để các dụng cụ nhà nông giờ đã được quây lại chăn thả gà. Ông bác họ phân trần: “Tôi bảo các cháu hàng ngày sang quét tước trông nom. Mấy cây ăn quả và mảnh vườn trồng rau màu, tiện bà nhà tôi ra chợ cũng thu hái bán được một món. Đàn gà nuôi bỏ đấy bà và các cháu về khỏi phải mua thức ăn. Tôi đã cho các cháu ghi chép kỹ gửi lại bà để thêm vào tĩnh dưỡng”. Mẹ anh giãy nảy: “Lúc ra với các cháu, tôi đã bảo trăm sự nhờ bác, có thu hoạch được đồng nào cũng gửi bác lo hộ hương khói. Em không thể nhận tiền đâu”. Ông bác họ cười ngất: “Cốt là lòng thành, tiền hương khói đáng là bao. Tôi bày biện ra thì rồi tôi lại ăn chứ. Thôi cô và các cháu cứ ngồi nói chuyện với các cụ. Tôi đã nhốt sẵn gà, tay dao tay thớt đã...
Sau những phút đứng lặng trước ban thờ như thả lòng mình trôi về miền ký ức, mẹ anh lại luôn chân luôn tay vừa trò chuyện, vừa làm việc nọ việc kia như chưa từng rời xa ngôi nhà này. Dường như về làng, bà được trở lại là chính mình của mấy mươi năm một sương hai nắng.
Thạch không nghĩ mẹ và mấy bà đồng trang lứa lại có tình cảm sâu nặng đến thế. Một bà vồn vã: “Bà về đợt này cứ thong thả ở lại vài ngày. Tối sang ngủ với tôi một đêm. Lâu lắm mới nhìn thấy mặt nhau”. Mẹ anh lưỡng lự giây lát rồi tỏ ra quả quyết: “Tôi nhớ quê cồn cào gan ruột, gặp nhau thế này cũng hởi lòng hởi dạ lắm rồi. Các cháu còn công việc, tôi phải về luôn ngoài đó với chúng”.
Về nhà của mẹ sau nhiều ngày gửi gắm bác họ, vợ chồng anh cũng không phải dọn dẹp quét tước, bởi ông bác luôn cắt đặt vợ và con cháu trông nom. Mỗi lần có người trong quê ra phố, ông bác gửi cho mẹ và vợ chồng anh vô số hoa trái vườn nhà, kèm lời nhắn: “Trên đó sẵn, nhưng đây mới thực là hương vị của làng ta”.
Thấy hai đứa con nhỏ của vợ chồng Thạch chạy nhảy nô đùa với bọn trẻ trong làng, tỏ vẻ thích thú với không gian khoáng đạt của đồng quê, chúng hái về cả bó hoa lớn buộc lại cẩn thận để mang lên phố, bà Hạnh cảm động: “Thời con gái đi làm đồng bà hay ngắt các loài hoa này. Nó mọc khiêm nhường, hoang dại nên làn hương cũng lạ”.
Đưa vợ chồng Thạch và các cháu ra nghĩa trang của làng, bà không chỉ tự tay thắp hương lên phần mộ chồng và những người trong họ tộc, mà còn cắm cả cho các ngôi mộ khác. Bà trầm tư: “Ra ở với các con, mẹ chỉ bái vọng về quê. Tay mẹ theo nén nhang mới thực sự nối mình với người đã nằm xuống”. Bên phần mộ chồng, bà lấy từ túi áo gói ni lông bọc hai mảnh đạn nhỏ, rơm rớm nước mắt: “Bố con bị thương nhiều trận trên chiến trường. Ngày đó trang bị thiếu không có điều kiện mổ gắp ra, hai mảnh đạn này vẫn nằm trong người. Vết thương chưa lành bố con vẫn cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Khi cất bốc mẹ xin giữ lại. Di vật này mẹ sẽ gửi các con khi về với ông ấy…”.
Sau chuyến thăm quê, Thạch thấy mẹ lúc nào cũng rạng rỡ, dường như nỗi nhớ quê với bà đã hóa thành niềm vui thường nhật. Thạch nghĩ ngoài cuộc sống điền viên cùng con cháu, với người già làng quê còn là ký ức, là nỗi niềm đau đáu với nơi mình từng gắn bó, hoặc có thể cả mọi lẽ đời khác nữa. Quê hương không chỉ là chốn đi về, mà nó còn chan chứa bao điều ẩn sâu trong tâm tưởng.
Lựa lúc mẹ ra ngoài, Thành nói với vợ: “Từ ngày về thăm quê, anh thấy mẹ như khỏe ra và vui vẻ hơn nhiều. Từ giờ dù bận, vợ chồng mình cũng gắng thu xếp đưa mẹ về thường xuyên hơn em nhé? Vợ Thạch trách yêu chồng: “Giời ạ! Có thế cũng phải hỏi. Việc đó em cho anh toàn quyền quyết định”. Không gì có thể làm Thạch trễ nải việc làm cho mẹ được tận hưởng niềm vui bên họ hàng, xóm mạc. Nhìn nụ cười của mẹ khi trở lại thành phố, anh như thấy trong đó có cả làng quê ấm áp.