Lá thư trong túi áo

10:30, 28/02/2021

Đó là một đêm trăng sáng khác thường. Cái lán phẫu thuật của chúng tôi như được nhuộm một màu vàng mơ dưới ánh trăng.  

Vừa xong ca phẫu thuật đầy căng thẳng, mấy anh em trong kíp mổ chưa kịp tháo găng tay thì cậu y tá trên đại đội chạy xuống phòng phẫu thuật, đứng sững trước mặt tôi, hổn hển: - Anh Hải. Trên Tiểu đoàn 2 vừa báo có một ca thương rất nặng đang về. Anh cho anh em đón thương ngay nhé.
 
Tôi vội cho kiểm tra lại dịch truyền và thuốc cấp cứu. Mấy anh em tôi ngồi lại bên nhau, chuẩn bị tinh thần vào cuộc phẫu thuật mới, có lẽ là rất gay go. Thằng Trình, y tá gây mê rót nước trà từ chiếc bình tông ra bát, kéo khẩu trang, kề vào miệng từng người: - Anh em mình mỗi người làm vài ngụm cho nó tỉnh táo để chiến đấu tiếp.
 
Bát nước trà vửa cạn thì ngoài sân bệnh xá có ánh đèn lấp loáng và những tiếng bước chân gấp gáp. 
 
Thương binh vừa được chuyển từ võng sang băng ca, nhìn vết thương có vẻ như rất nghiêm trọng, tôi vội ra lệnh: - Cho thương binh vào phòng phẫu ngay!
 
Y tá Trình cắt bỏ vòng băng cuốn quanh bụng đẫm máu. Tôi lặng người. Một vết thương ngay vùng hạ sườn, rất có thể mảnh đạn xuyên vào gan. Bụng thương binh căng cứng báo hiệu đang chảy máu trong vô cùng nguy hiểm.
 
- Huyết áp tụt, nhịp tim yếu! -  Tiếng cậu y tá hồi sức cấp cứu như nghẹn lại.
 
Tôi dằn tiếng: - Tiêm trợ lực liều cao! Truyền dịch khẩn cấp! 
 
Trong khi chờ mọi người khẩn cấp làm mọi việc trước khi phẫu thuật, tôi nhìn xuống chiếc áo quân phục ướt đầm máu nằm trên sạp, thấy túi bên phía ngực trái cài khuy rất cẩn thận và hình như có cái gì bên trong. Tôi vội quay sang bảo Trình: - Em xem trong túi áo thương binh có gì không, để nhỡ có chuyện không may còn bàn giao lại cho đơn vị.
 
Trình lặng lẽ mở nút áo. Nó bỗng kêu to: - Lá thư!… Một lá thư các anh ơi!
 
Trình cầm lá thư đến gần ngọn đèn bão. Lá thư đã hằn nếp gấp loang vết mồ hôi và một góc thấm máu. Nó mở căng mắt nhìn lá thư, giọng nghẹn lại sau từng con chữ: “Em mới nhận được thư anh, biết anh vẫn khỏe em mừng lắm. Em nhớ anh! Nhớ anh nhiều! Trong thư anh bảo em cứ chọn bộ áo cưới nào em thích nhưng em phải đợi anh về. Em muốn anh chọn và là người mặc chiếc áo cưới ấy cho em. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy em lại nhớ anh vô cùng, nhiều lúc không cầm nổi lòng mình em lại chạy ra gốc cây côm nơi con dốc nhỏ cuối làng, chỗ anh và em vẫn ngồi bên nhau trò chuyện. Dưới ánh trăng ngày trước là hai cái bóng của anh và em sát bên nhau. Nhưng giờ đây em chỉ ngồi một mình nhìn cái bóng lẻ loi cô đơn. Em nhớ anh. Anh nhanh về với em anh nhé”.
 
Giọng Trình nghẹn lại, không sao đọc tiếp được. Cả phòng mổ lặng đi. Tôi biết đằng sau những chiếc khẩu trang là những vành môi đang cắn chặt.
 
- Phải mở ổ bụng gấp!
 
Anh Sách, bác sĩ đại đội trưởng phụ trách bệnh xá đứng sau lưng tôi từ bao giờ, chắc cũng được nghe Trình đọc lá thư. Anh đặt bàn tay lên vai tôi, khẽ nói: - Chú làm từ chiều đến giờ mệt rồi, sang phụ đi để anh đứng chính cho.
 
Nhìn tình trạng thương binh, ai nấy đều hơi hoang mang. Nhưng tác phong làm việc của phòng phẫu chúng tôi xưa nay đã có một thói quen, dù chỉ còn một chút hy vọng mong manh, anh em tôi cũng quyết không chịu buông. 
 
Tôi giúp anh Sách đi găng tay. Tiếng máy phát điện quay tay kêu ro ro. Mấy cậu y tá dưới bệnh xá cùng chạy lên hỗ trợ, thay nhau quay máy. Tôi chưa thấy hôm nào đèn sáng như hôm nay. 
 
Mũi dao mổ vừa cắt xuống, một dòng máu từ ổ bụng tràn ra thấm đỏ tập gạc. Anh Sách và tôi căng mắt tìm từng mạch máu. Mỗi lần anh Sách hô “Kìm cầm máu”, một mạch máu được thắt lại, tôi lại thấy trong lòng vơi một chút căng thẳng. Lần theo vết cắt và đường giập nát, anh Sách reo lên sung sướng: - Đây rồi!... nó đây rồi! 
 
Tôi cầm tập gạc thấm vào đầu mũi kìm anh Sách đang giữ. Một mảnh đạn B40 nằm ngay sát dạ dày. May sao, cũng vừa đến điểm đó mảnh đạn không đi sâu thêm, và may mắn nhất là không xuyên vào gan. Anh Sách nhẹ nhàng thắt từng mạch máu cạnh mảnh đạn rồi lách nhẹ mũi dao mổ, dùng kẹp lấy mảnh đạn ra. Đúng lúc ấy, tiếng cậu y tá theo dõi huyết áp, nhịp tim kêu thất thanh: - Huyết áp tụt! Mất nhịp tim!
 
Tôi kêu to: - Trợ tim. Bóp tim ngoài lồng ngực! 
 
Cậu y tá ném vội cái tai nghe xuống sạp, chồm lên hô hấp nhân tạo. Cả phòng lặng đi. Tiếng máy phát điện quay tay rít lên bởi những lực quay mạnh đến khác thường của mấy cậu y tá.  
 
- Có huyết áp rồi! Tim đập trở lại rồi!
 
Anh Sách thắt những mạch máu cuối cùng và làm vệ sinh ổ bụng.
 
Khi mũi chỉ đóng ổ bụng cuối cùng thắt lại, tôi thấy người nhẹ bẫng một cảm giác vô cùng khó tả. Tháo bỏ găng tay, khẩu trang, anh em tôi nhìn nhau cười nhưng mắt ai cũng ướt nhòa. Tôi hiểu đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc. Không có gì vui và hạnh phúc hơn khi anh em chúng tôi vừa giành lại sự sống của đồng đội ngay trên tay thần chết và lần này niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội vì chúng tôi đã làm được một việc vô cùng quan trọng là trả lại cho cô gái trong lá thư đẫm mồ hôi và máu nỗi niềm thương nhớ, trả lại cái bóng đôi dưới trăng bên gốc cây côm đầy kỷ niệm của họ. 
       
* * *
 
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua, ca mổ ngày ấy đối với tôi chỉ còn là một kỷ niệm chiến tranh mờ xa. Nhưng giờ đây, cứ vào mỗi mùa trăng, tôi lại bồi hồi nhớ về cái đêm trăng khó quên ấy. Cũng chẳng có dịp nào gặp lại người thương binh trong ca phẫu thuật hơn bốn mươi năm về trước, nhưng tôi hiểu rằng mình đã góp được một phần nhỏ bé làm bớt đi những cái bóng lẻ loi, cô quạnh thời hậu chiến. 
 
Có lẽ lúc này, người cựu chiến binh nọ đã đầy đàn cháu con đề huề. “Không biết họ có thường tề tựu vui vầy dưới bóng cây côm vào mỗi mùa trăng không nhỉ?” - Tôi khẽ cười khi chợt tưởng tượng ra hình ảnh đầy lãng mạn ấy.