Người đan nón lạt giang

11:00, 14/03/2021

Tính đến hôm nay, cố Nia đã gần chín mươi tuổi. Đã ngũ đại. Con, cháu, chút, chít… đầy đàn, đầy đóng. Người sống ở thành phố, người sống ở làng quê, nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống no đủ. Ngày Tết, ngày lễ con cháu về đông đến nửa làng. Vậy mà mỗi lần tề tựu đông đủ, cố Nia vẫn yêu cầu con cháu thay phiên nhau vào rừng vác cây nứa giang về cho cố đan nón. Mà nào người cố có bình thường, tai thì điếc, lưng thì gù, chỉ có hai con mắt sáng và đôi bàn tay mềm mại. Mỗi lần đan nón, khi chẻ lạt xong, cố lót đệm nằm ngửa lên phản gỗ đan bằng cả hai tay, hai chân. Nhẹ nhàng, thoăn thoắt như một cái máy.

Thời còn trẻ, cố Nia vất vả lắm. Cha mẹ nghiện ngập, lên năm phải đi ở, lên tám bán đợ cho nhà giàu, mười lăm tuổi bị ép lấy chồng. Cố Nia không chịu bỏ nhà trốn lên tít vùng rừng xanh, núi thẳm. May mắn gặp một tay thợ săn kiêm nghề đốn củi, nhận làm anh nuôi, sau lấy hắn làm chồng. Chồng cố cục cằn, xấu xí như cục gỗ mục. Hai năm sau thì có con. Chồng cố đi phu lục lộ ở cầu Tà Ma, bị thằng Tây bang tá đá xuống vực chết. Cố ở vậy nuôi con, may mà gặp cách mạng đến sớm, nên đời cố thẳng tuột, không phải vòng vo ấp bẹ cây to bóng cả nữa.
 
Ngày cố hoạt động công tác đoàn thể, con cố còn nhỏ. Ngày cố làm ủy ban, con cố đi học. Ngày cố nghỉ việc, con cố lại công tác. Đầu tiên còn ở xã, sau lên huyện, đi học nước ngoài… rồi lại về tỉnh. Thỉnh thoảng về thăm quê, thấy cố vẫn nằm ngửa đan nón ở góc nhà, câu đầu tiên con cố nói: - Mé à! Bỏ cái nghề ấy đi thôi.
 
- Ta buồn chân, buồn tay phải làm thôi.
 
- Nhưng con nhức óc lắm.
 
- Bận gì đến mài…
 
Thì về đến quán chợ là nghe họ kháo nhau cái nón của mé.
 
Quả thật nón lạt giang của cố Nia có bày bán ở chợ. Người già thì mua loại nón lá nâu, mắc thảo, vành guột màu nâu cườm. Người tuổi “bánh tẻ” thì mua loại nón lót giấy trang kim (giấy bạc), vành kép giấy “lụn tre”. Nam thanh, nữ tú thì mua loại nón thêu sáu bông hoa mua, hoa sim bằng chỉ xanh chỉ đỏ, có đôi trái tim lồng trên chóp. Người có tiền mua dăm ba cái để dành, người không có tiền cũng vay giật mua đôi chiếc làm kỷ niệm ngày chợ phiên.
 
Nghe con có ý kiến vậy nhưng nó ở nhà cố vẫn đan nón lạt giang, nó đi cố vẫn đan nón lạt giang. Kệ! Mỗi người một việc, chả ai phụ thuộc ai. Nhưng người khôn, người trọng tình, trọng nghĩa thì phải biết giữ cái nghề của cha mẹ mình sinh ra truyền lại. Bây giờ thời mới, ở thành phố họ đi bằng máy bay, ô tô, xe máy thì ít người đội nón. Nhưng ở nhà quê, lớp người “bánh tẻ” thì vẫn còn đến với hàng nón lạt giang của cố Nia. Đó là nguồn khích lệ, động viên cho cố. Ngày đêm cố vẫn miệt mài cạo cật, chuốt lạt, đan nón.
 
Bỗng một hôm có lệnh cấm rừng. Nhưng cố nghĩ, Nhà nước cấm là cấm cái lũ phá rừng để làm giầu phi pháp, chứ vài cái nón của cố thì có đáng gì. Vậy là cố quyết định làm lán vào rừng nứa giang ở để tiện việc đan lát. Con cháu dạt ra hết vì sợ liên lụy. May có đứa trẻ mồ côi nhận làm chắt theo cố vào rừng ở. Cố và đứa chắt ở trong rừng, ăn cháo, ăn măng, nhưng được cái “công việc” vẫn đều đều.
 
Khách hàng của cố Nia thưa dần, thưa dần. Cố nghĩ sẽ có ngày không ai đến nữa. Cố đem toàn bộ số nón lạt giang đan xong xếp thành một đống to hơn cả đống rơm ngày mùa. Định bụng đến lúc gần đất xa trời, cố sẽ chui vào giữa nhờ thằng chắt châm đóm vào đống nón cho cố bay lên trời.
 
Chưa đến ngày cố làm cái chuyện kỳ bí nhưng tiêu cực ấy thì đột ngột có khách đến, nằng nặc đòi vào tận rừng thăm cố. Cố Nia không nhận, nhưng họ cứ đến. Không ngờ là khách mũi lõ, tóc quăn, nói không nghe được. Qua lời pắt vạy (phiên dịch) của người đi theo, lại là người của con trai cố giới thiệu về. Cha bố cái thằng vô phúc, nó định bỏ tù mé chắc? Mặc! Cố Nia ngồi dậy nói với khách:
 
- Ta thành con “già gìn” (mụ vẳn) trong rừng già rồi, đến gặp ta làm gì?
 
- Mé không phải là “già gìn”. Mé là người giỏi! - Ông khách cười lớn.
 
 Ông khách mũi lõ đến đỡ cố dậy, mở cặp, lấy ra một bộ quần áo đẹp. Mặc xong quần áo cho cố, khách bảo anh phiên dịch bấm máy cho khách và cố một kiểu ảnh.
 
Xong việc, khách bảo: - Nhân dịp Nhà nước sắp khánh thành khu du lịch hồ chứa nước Bó Lẹng, có trưng bày một gian hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương cho khách cả nước đến tham quan. Mé có bao nhiêu nón xin mua hết.
 
Cố Nia nghe thủng vào óc, bèn lắc đầu:
 
- Thôi đừng làm vớ!
 
- Cố ngại gì?
 
- Xấu lắm né. Người cả nước sẽ chê mà.
 
- Đẹp mà! Nón của mé đẹp thật mà.
 
Khách lại xì xồ mấy câu với cố: - Nón lạt giang của cố sẽ được đem về thủ đô, sang Tây, sang Tàu. Bản ta sẽ giàu lên vì nón lạt giang của cố.
 
Cố Nia thấy chóng mặt, ngã sấp xuống chồng nón thêu hoa mua, hoa sim ngất xỉu. Ông khách mũi lõ, tóc quăn lúng túng. May mà ông cán bộ tỉnh con trai cố đã kịp thời vừa bóp còi ô tô pim pim chuyển cố đi cấp cứu.
 
 Một tháng sau cố bình phục.
 
Khách đi, nón hết, cố Nia lại nằm ngửa đan nón lạt giang trong rừng. Cháu chắt kéo về học nghề ngày một đông, vòng trong vòng ngoài, giống như những sợi giang của cố, đan xen, dính chặt vào nhau, chắc chắn như cuộc đời cố vậy.