Ngân nga giai điệu Sọong Cô

16:54, 14/11/2021

Cầm trên tay cuốn “Dân ca Sán Dìu” của tác giả Trần Bình Dưỡng (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), tôi cảm nhận được tình yêu của ông với văn hóa dân tộc Sán Dìu rất sâu đậm. Bởi cuốn sách đầu tay này là kết quả của hàng chục năm lao động âm thầm, trách nhiệm với cộng đồng người dân tộc thiểu số của ông.

Cuốn “Dân ca Sán Dìu” gồm 125 bài Sọong Cô được tác giả Trần Bình Dưỡng sưu tầm từ những nghệ nhân vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên. Mục đích là để truyền dạy và ca hát trong cộng đồng người Sán Dìu, góp phần bảo tồn một loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Các bài Sọong Cô ở đây được tác giả dịch ra nhiều ngôn ngữ: Chữ Hán - Nôm (chữ viết cổ của người Sán Dìu), phiên âm Hán - Việt; phiên âm tiếng Sán Dìu; dịch nghĩa và dịch thơ.

Sở dĩ phải “cầu kỳ” như vậy vì theo tác giả Trần Bình Dưỡng: “Sọong Cô có trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu từ rất lâu đời, khi đi sưu tầm tôi tìm được nhiều văn bản chép tay bằng chữ Hán, đồng thời cũng có nhiều văn bản chép tay bằng chữ Quốc ngữ. Tôi đã “dịch xuôi, dịch ngược” để phục vụ nhiều đối tượng sử dụng. Riêng phần chữ Sán Dìu, tôi đã dùng bộ chữ La - tinh để ghi chép, trong hoàn cảnh người Sán Dìu chưa có bộ chữ được chấp nhận và thống nhất trên toàn quốc”.

Các bài hát trong tập “Dân ca Sán Dìu” đều mang âm hưởng giao duyên tha thiết giữa những người hát. Mỗi lượt hát gồm 4 câu có kết cấu thông dụng: 3 câu đầu nói xa (về thiên nhiên, cảnh vật), 1 câu sau nói gần (về tình cảm đôi lứa).

Tôi xin được trích 2 bài trong tập sách đặc biệt này để bạn đọc cùng ngân nga: Dây trầu vây quấn lấy cây cau/Đan liếp quây tròn lấy lá che/ Chờ đến chợ phiên rồi hái bán/ Trầu câu tìm bạn dẫn nhau về; Trống đánh bên Đông dội bên Tây/Lửa phía Nam phía Bắc khói bay/Núi cao nhìn xuống khe sâu thẳm/Khát cháy lòng ta ở chốn này...