- Cô à, sắp đến ngày giỗ cha rồi nhưng năm nay dịch COVID-19 thế này anh không thể về được. Cô gửi cho anh can rượu men lá nhé.
Mặc dù mấy anh em đã thống nhất với nhau năm nay không thể tập trung về quê tổ chức giỗ được, nhà nào giỗ cúng cha tại nhà đó, nhưng khi nghe anh trai gọi điện thoại từ Hải Phòng về giọng nghèn nghẹn, tôi như chực muốn khóc. Để anh yên lòng, tôi nén buồn vội nói:
- Anh yên tâm. Em sẽ gửi rượu để các anh chị kịp dâng cha ngày giỗ.
Bây giờ mua bán các loại rượu thật dễ dàng nhưng trước ngày giỗ cha và tết lễ tôi vẫn tự nấu những mẻ rượu men lá thơm ngon nhất theo phương pháp cổ truyền của gia đình. Rượu người Tày đã trở thành một thứ đồ uống rất riêng có mặt trong các ngày lễ quan trọng của gia đình tôi. Hơn nữa rượu người Tày còn là sợi dây liên kết tình cảm giữa con người với con người và là kỷ niệm tâm tình mà cha tôi gửi gắm nỗi niềm sâu nặng.
Cha tôi là người miền xuôi, khi còn là một chàng trai trẻ, ông đã lên vùng đất Việt Bắc công tác. Tôi đưọc nghe cha kể, những ngày đầu mới đến miền quê chân chất núi rừng này cha đã bị mê hoặc bởi những gương mặt thuần phác của người dân tộc thiểu số trong bộ trang phục chàm truyền thống mà phụ nữ mặc. Những món ăn dân dã đậm chất vùng cao nghi ngút khói, ấm lòng người giữa trời sương giá rét được cha rất yêu thích. Cha đặc biệt mê mẩn loại rượu tên gọi là "khẩu lẩu" của người Tày, được chưng cất từ men lá và gạo nếp đậm chất núi rừng. Chỉ cần chạm môi nhấp thử chén rượu một lần thôi là đã suốt đời không thể nào quên. Cha thường nói với anh em chúng tôi như vậy.
Cha kể, một lần cha dự đám cưới trong bản. Thấy chàng trai người Kinh khỏe mạnh, khuôn mặt sáng sủa, nói thạo tiếng Tày, nên các cô gái đã lần lượt đến mời rượu cha. Thoảng trong câu sli, câu lượn trao duyên, các cô gái bản trong trang phục truyền thống, lấp lánh vòng bạc, dịu dàng mời cha những bát rượu thơm sóng sánh. Cha tôi đã uống rất nhiệt tình. Nhưng lạ thay, ngồi cuối nhà sàn có một cô gái Tày gương mặt xinh đẹp, làn da trắng, dáng vóc cân đối, thon thả không đến mời rượu cha trong suốt tiệc rượu. Không phải là người nghiện rượu và cũng không phải là người có tửu lượng cao nhưng hôm ấy như bị sức hút kỳ lạ của cô gái bản đó, cha chợt nghĩ ra một mẹo nhỏ để được đến gần cô gái nọ. Đứng giữa sàn, cha nói to:
- Tôi sẽ uống hết mình với một điều kiện tất cả các có gái có mặt tại đây đều phải mời rượu.
Thế là lần lượt tất cả các cô gái đã xếp hàng nâng rượu mời. Đến lượt cô gái xinh đẹp ấy cha không quên hỏi tên. Đáp lại chỉ là nụ cười hiền như hoa như lá, chếnh choáng như hơi men…
Sau trận rượu ấy, cha đã bí mật tìm hiểu về cô gái. Được biết cô không biết uống rượu nhưng lại nấu rượu ngon nhất vùng. Rồi chính từ những bát rượu làm nghiêng ngả hồn người ấy tình yêu sau này giữa hai người chớm nở.
Một đám cưới tại nhà gái theo phong tục người Tày được diễn ra. Cỗ bàn có rất nhiều món ăn khá đặc biệt của cư dân bản địa như: Canh củ đao, nộm hoa chuối rừng, măng nhồi, lợn quay, xôi trắng gói trong lá dong… đủ các món biểu trưng cho âm dương ngũ hành. Nhưng cái hồn của lễ cưới của cha hôm ấy chính là “khẩu lẩu”, một phần không thể thiếu trong cỗ cưới của đồng bào nơi đây. Rượu uống nghiêng nhà sàn, rượu rót tràn ướt đẫm những chân rèm vải chàm quây quanh nhà sàn trong ngày cưới. Cô dâu của lễ cưới chính là mẹ của chúng tôi sau này.
* * *
Mẹ tôi nấu rượu men lá thật ngon và cầu kỳ. Mẹ bảo khi lớn lên, trên nếp nhà sàn mẹ đã thấy ông ngoại ngồi nhâm nhi rượu men lá và thấy bà ngoại vào rừng kiếm lá làm men rượu. Trong nhà ông bà ngoại luôn có những chum rượu to, đủ cho mọi người uống ba tháng, thậm chí cả năm không hết. Nhớ nhất là chuyện khi ủ rượu trong những chiếc dậu lót lá chuối được vài ngày thì mùi thơm nức mũi của men rượu tỏa bay khắp nhà. Bà ngoại dặn không được mở xem, sẽ làm hỏng rượu. Ngày còn sống cùng với ông bà ngoại (vì cha tôi ở rể), có lần tôi tò mò đã mở và bốc trộm cái rượu để ăn. Cái rượu đang độ rỏ mật có vị ngọt không gì so sánh nổi. Nhìn con gái má hồng rực vì ngấm men rượu, cha tôi cười thích thú và bảo với mẹ tôi rằng:
- Đây mới đúng là “con gái rượu” của anh. Nó sau này sẽ nấu rượu người Tày giỏi như em và còn biết uống rượu nữa nhé.
Lớn lên tôi được mẹ dạy cách làm rượu. Cha tôi vui lắm, ông xúc động nói:
“Vậy là hương vị quê hương chứa đựng tình người vẫn mãi được lưu giữ qua đôi bàn tay của người phụ nữ vùng cao rồi”. Có lần cha dặn tôi:
- Con gái rượu à, sau này cha mẹ mất, ngày giỗ, con nhớ cúng rượu men lá người Tày cho cha mẹ con nhé.
Tôi đã theo đúng lời cha dặn, tiếp bước chân mẹ, trở thành người nấu rượu giỏi nhất vùng.
Hôm nay, sắp đến ngày giỗ cha, hương vị ấm nồng của rượu hòa quyện vào hương vị của trời đất khiến tôi thêm nhớ cha mẹ da diết. Những mẻ rượu men lá thơm ngon nguyên vẹn bí quyết từ truyền thống gia đình vẫn được tôi gìn giữ. Ngày mai những can rượu men lá sẽ theo xe khách lên thành phố xa xôi, nơi các anh chị em tôi đang sống xa quê. Tôi biết, những chén rượu thơm đượm vị rừng, ngọt mát vị núi sẽ kết nối các thành viên trong gia đình tôi. Dù ở chân trời nào thì “khẩu lẩu” người Tày quê tôi vẫn mãi mãi lưu hương trong tâm khảm những con người thân yêu nhất của tôi.