Nghe tin Lan làm các loại bánh dân tộc và giao dịch bán hàng cả trên sàn thương mại điện tử, tôi không khỏi bất ngờ.
Lan là em gái người bạn học phổ thông với tôi, cô là giáo viên trung học cơ sở, lấy chồng mãi tận cuối huyện. Bố mẹ Lan đều là người Tày làm việc tại thành phố đã lâu.
Muốn tìm hiểu ngọn ngành về các loại bánh, nhằm ngày cận rằm tôi tìm về bản Tày nơi Lan đang sinh sống.
Con đường về bản thảm bê tông nhẵn bóng, uốn lượn vòng quanh các sườn núi. Mái rừng trùng điệp vắt qua bản khảm sắc xanh vào trời. Ngôi nhà của Lan ẩn mình dưới những vòm cây trái xum xuê. Tôi đến giữa lúc gần chục người đang mải miết vo gạo, gói bánh, xay bột.
Lan từ dưới bếp chạy ra, nụ cười thật tươi:
- Em ngỡ khách tới cất hàng...! Mời anh vào nhà đi.
- Anh không nghĩ cô giáo lại có thể làm được các loại bánh. Nghe giới thiệu, anh nhất quyết phải về tận nơi mua ăn cho đã.
- Em mời anh ăn thử thoải mái luôn. Hôm nay nhà em cũng làm vài loại.
Lan kể người Tày thường làm một số loại bánh vào các dịp lễ tết, từ bé cô từng phụ giúp mẹ. Về bản làm dâu, cô thấy bà con thi thoảng làm bánh gio, bánh nẳng, bánh coóc mò mang ra bán trong chợ phiên. Rừng quanh bản nhiều lá dong, nhà lại sẵn gạo tẻ, gạo nếp nương, cô cũng làm vài loại bánh mang đi bán. Phiên chợ nào chỉ nửa buổi rổ bánh đầy cũng đã hết. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Lan cùng mẹ chồng và các em làm thêm bánh dày gừng, bánh lá ngải, bánh chưng đen. Thông qua các trang thương mại điện tử, Facebook cá nhân, cô giới thiệu các loại bánh và bán hàng online.
Tiếng lành đồn xa, nhiều hàng quán tận thành phố cũng đặt hàng với số lượng lớn. Nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu, bà con nhiều người biết nghề làm bánh, cô bàn với Chi hội Phụ nữ và Chi đoàn Thanh niên vận động một số hộ gia đình khác tham gia sản xuất thương mại. Thời gian đầu mọi người còn e ngại vì nơi tiêu thụ xa, lại chưa quen với cách bán hàng qua mạng và thanh toán không dùng tiền mặt, cô đã phải đứng ra bán và nhận giúp tiền bằng tài khoản của mình.
Một chị đang gói bánh gần tôi góp chuyện: Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, một số công nhân từ các công ty trở về không có việc làm, Lan bố trí họ thành nhóm làm bánh, ship hàng và có thu nhập khá ổn định.
Không muốn nói về mình, cô khẽ khàng:
- Người dân bản em sinh sống chủ yếu nhờ đất rừng và ruộng, nếu khai thác tiềm năng vốn nghề cải thiện cuộc sống, em nghĩ cũng là một cách làm.
Tôi đọc tờ giới thiệu sản phẩm được trình bày, in ấn khá đẹp mắt, cảm thấy lạ với các loại bánh lần đầu được biết tới như bánh gù, bánh khẩu si, khẩu xén, chí chọp. Lan cười:
- Thái Nguyên nổi tiếng với bánh chưng Bờ Đậu, em chả có tẹo kinh nghiệm nào, nên làm bánh chưng đen, bánh chưng nếp cẩm. Làng nghề bún bánh Gò Chè đã chuyên bánh giò, bánh rợm, bánh gai. Em phải chọn lối khác…!
- Bánh coóc mò có lần lên Võ Nhai anh cũng nghe nói bà con ở đó làm, nhưng cũng chỉ bán trong chợ phiên.
Lan kéo tôi ra thềm chỉ cô gái đang gói những chiếc bánh có hình chóp nhọn:
- Tiếng Tày coóc mò có nghĩa là sừng bò. Bánh coóc mò được làm từ gạo nếp. Lan ngồi xuống, lấy lá dong cuộn lại như hình cái phễu rồi đổ gạo và lạc đã trộn lẫn vào trong, dùng chiếc đũa nhỏ xọc cho gạo nén chặt, sau đó gấp mép lá và dùng lạt buộc lại. Gói xong cô thả bánh vào chậu nước lạnh, quay sang nói: - Bánh thường ngâm đến khi mặt nước hết sủi tăm (khoảng1 tiếng) nghĩa là bánh đã ngấm đủ nước mới đem luộc. Luộc bánh coóc mò cũng giống như bánh chưng, nhưng thời gian chỉ độ 2 tiếng bánh sẽ chín.
Những khay bánh màu nâu bóng được một chị đưa từ trong bếp ra xếp lên giá, mùi hương thơm lựng lan tỏa, tôi hít hà:
- Thật là thú vị?
Lan nhanh nhảu:
- Bánh khẩu sli đấy anh. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp nương, đường, nước gừng tươi, thảo quả. Cách làm cũng không quá khó: Xôi nếp đồ xong đem phơi khô. Cho hạt xôi đã phơi vào chảo rang, để hạt nở đều, giòn. Đường làm khẩu sli là đường phèn được ép từ mía vàng. Sau công đoạn cô đường, cho xôi đã rang vào rồi đảo nhanh tay trên chảo để đường và xôi quyện vào nhau. Đổ hỗn hợp xôi đường ra khuôn gỗ vuông, dàn đều và nén cho thật chặt để bánh có độ kết dính cao. Đổ lên bánh một lớp lạc, rồi dàn đều, tiếp tục cán và cắt thành hình chữ nhật to chừng 3 ngón tay. Khẩu sli được đóng gói và bảo quản khô ráo, 6 tháng sau vẫn thơm, ngon. Nhà em vừa giao hết bánh chí chọp, khẩu xén. Hôm nay nhà mế Cần đang làm, em đưa anh sang xem.
Nhà mế Cần cách một quãng ngắn, cả nhà đang cùng nhau làm bánh, vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Lan cầm mấy miếng bánh hình tròn và hình răng cưa đang hong bên sân cho tôi xem và giảng giải cặn kẽ:
- Đây là chí chọp và khẩu xén, hai loại bánh này có 3 màu chính là trắng, tím và cam, đây là màu sắc gạo nếp nương kết hợp màu tự nhiên của lá củ quả từ gấc chín, lá cẩm tím và hoa bó phón màu vàng. Nếu làm có màu, gạo phải ngâm với các loại lá củ quả cho lên màu rồi mới đồ. Làm khẩu xén, gạo có thể xay thành bột, ngâm ủ vài tiếng rồi đưa vào chõ đồ, hoặc đồ gạo nếp thành xôi. Khi xôi chín cho hương vị thảo quả, vừng, trứng gà ta, đường hoặc muối tùy theo loại bánh mặn hay ngọt rồi đưa vào cối giã nhuyễn. Nếu là khẩu xén ta dùng con lăn để dàn bánh thành miếng mỏng, để bánh se lại, rồi cắt theo hình thù tùy theo ý thích, sau đó đem hong gió hoặc phơi nắng nhẹ, vì khẩu xén khi khô rất giòn sẽ gẫy nát. Chí chọp khâu đầu cũng giống như khẩu xén. Tuy nhiên khi thành bột nó được nén trong khuôn hình tròn và cắt thành các lát mỏng đem phơi. Công đoạn cuối cùng là chiên giòn, giống như phồng tôm. Em cũng nghe nói các cụ còn làm khẩu xén, chí chọp bằng sắn.
Dường như hiểu băn khoăn của tôi khi Lan lựa chọn sản xuất tới hơn chục loại bánh, cô phân trần:
- Sở dĩ như vậy là bởi em con nhà nông, phải “xen canh gối vụ”. Tết nhất tập trung làm bánh chưng, bánh gù. Ngày rằm, mùng một làm bánh gio, bánh dày, coóc mò. Thời gian khác làm các loại bánh có hạn sử dụng lâu hơn. Tới đây em làm thêm bánh khảo, bánh nếp lạp xường, cơm lam ngũ sắc.
* * *
Pha trà tiếp chuyện và mời tôi ăn thử các loại bánh, Lan luôn phải bấm điện thoại trả lời các cuộc gọi đặt hàng, cung cấp nguyện liệu. Thấy tôi hào hứng khen trang “Sản vật bản Tày” cô mới lập bán hàng online, Lan tư lự:
- Em tạm gọi dân dã như vậy. Không hẳn các loại bánh đều là của người Tày. Bà con Tày, Nùng, Dao… đều làm từ lâu đời. Các sản phẩm của bản em thêm một chút nguyên liệu từ thảo quả, nên có hương vị đặc trưng riêng của vùng cao xứ Thái.
Mấy người tới cất hàng vòng xe máy vào sân nói cười rôm rả. Không gian ngợp ngậy men cốm nếp và mùi thơm từ các loại bánh. Dường như bản nhỏ bên rừng này, mùa vụ không chỉ là mùa cày bừa cấy hái, mà còn có thêm mùa của những làn hương bay lên.