MÁY CÀY

04:30, 10/07/2022

Giám đốc Công ty Mía đường Lập Minh là người năng động và có tư duy tiên tiến, rất phù hợp với thời hiện đại. Khi tuyển người, đặc biệt là những cán bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn số một của ông là phải trẻ và có trình độ tiên phong đi cùng thời đại. Ông luôn tâm niệm, chỉ có những người mang tinh thần hiện đại, tiên tiến từ trong huyết quản mới có thể đẩy Công ty lên tầm cao mới.

Những suy nghĩ ấy của ông quả thật rất chính xác. Những phát kiến của một số kĩ sư trẻ trong phòng kĩ thuật nhiều năm nay đã đưa đến những lợi nhuận đáng kể cho Công ty. Vì vậy, Công ty của ông chỉ trừ mấy bà làm lao công hoặc mấy ông trong tổ bảo vệ là những người đã luống tuổi và không có bằng cấp.

Đã nhiều năm nay, Công ty Mía đường Lập Minh làm ăn rất phát đạt. Mọi việc cứ tuần tự như tiến. Hằng năm, công việc mở đầu là cầy bừa hơn 20 héc- ta đất để chuẩn bị trồng nguyên liệu cho sản xuất đường của năm sau. Máy cày được thuê từ một công ty đầu máy tận thành phố.

Năm nào cũng vậy, công việc hết sức trôi chảy, không một vướng mắc nhỏ. Chỉ cần một cú điện thoại là vài tiếng đồng hồ sau, máy cày đã đỗ “xịch” tại sân văn phòng. Hồi mới thành lập Công ty, có ý kiến cho rằng cần phải mua máy cày để việc trồng mía được chủ động. Ông cùng một số kĩ sư trẻ đã phản bác ý kiến ấy. Thời hiện đại không ai phung phí như vậy. Ông còn đưa ra một dẫn chứng làm cho đám trẻ cười lăn lộn: “Chẳng lẽ khi cần uống sữa bò ta lại phải nuôi hẳn một con bò trong nhà hay sao?”. Rõ ràng cái ý kiến Công ty cần phải có máy cày là một tư tưởng quá thủ cựu, phi hiện đại.

Vậy mà năm nay mọi sự bỗng quay ngược một trăm tám mươi độ. Một đoạn đường lớn từ thành phố đến Công ty Lập Minh đang được Nhà nước mở rộng. Việc mở đường rất ích nước, lợi dân nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất của Công ty mía đường. Sắp vào thời vụ mà máy cày không thể mọc cánh để bay về Công ty được. Mấy chục héc - ta đất không được cày xới thì làm sao có thể trồng mía. Giám đốc vò đầu bứt tai không thể tìm ra phương án khả thi. Ông phải cho họp toàn Công ty để gỡ cái khó khăn tày đình ấy. Một kĩ sư trẻ từng tốt nghiệp ở Mỹ bảo muốn đưa máy cày về cần phải có máy bay vận tải cỡ lớn, làm mọi người cười ồ lên. 

Hòa, một nhân viên trong tổ bảo vệ, vốn là một thợ rèn đã giải nghệ. Ngày hôm nay không ai cần đến cái bễ lò rèn phì phò thổi lửa của anh nữa. Tuy chỉ là người đang làm một công việc không liên quan nhiều đến việc sản xuất hoặc sự sống còn của Công ty nhưng với tinh thần của một anh lính Cụ Hồ, Hòa cũng băn khoăn trước khó khăn của Công ty không kém gì mọi người.

Một hôm, mới 4 giờ sáng, trời rét căm căm... Hòa cầm đèn pin đi kiểm tra xung quanh xí nghiệp. Đến bãi sắt vụn nhiều năm nay vẫn nằm chỏng trơ ở đây mà không ai để ý, anh phát hiện thấy hai cái khung sắt lớn, một cái có lắp những lưỡi cày, một cái lắp răng bừa. Quan sát một lúc, anh reo lên: “Cái đống phế thải này sẽ là cứu tinh cho Công ty đây!”

          Hòa lên báo cáo với Giám đốc:

          - Thưa Giám đốc! Tôi mạnh dạn đề xuất một ý kiến. Nếu không phải, mong đồng chí đừng cười! 

           - Bác cứ nói.

           - Đêm qua đi tuần, tôi phát hiện trong bãi sắt phế thải của Công ty có hai bộ phận lắp sẵn lưỡi cày và răng bừa…     

          Hòa nói chưa xong, Giám đốc trợn tròn mắt:

          - Bãi phế thải sao? Tức là những thứ quá lạc hậu đã bị vứt vào sọt rác?

          - Vâng! Đúng vậy. Nhưng phế thải, lạc hậu không có nghĩa là vứt bỏ hoàn toàn. Tôi chỉ là một thợ rèn, trình độ hạng bét về cơ khí, nhưng có thể cam đoan với Giám đốc nếu được cải tiến, sửa chữa thêm một chút rồi đem lưỡi cày, lưỡi bừa móc vào đầu máy công nông, có thể sử dụng tạm trong vụ này.

          Giám đốc vỗ tay lên trán:

          - Khó tin quá nhỉ? Anh vừa nói anh là một thợ rèn à?

          - Thưa… đúng. Nhưng đã giải nghệ từ nhiều năm nay rồi ạ.

          - Cũng phải! Cái nghề ấy thô sơ và đã quá lạc hậu rồi. Thôi được, tôi sẽ trao đổi ý kiến này của anh với mấy cậu kĩ sư trẻ ở phòng kĩ thuật xem sao.

Với thái độ ngờ vực nhiều hơn là tin tưởng nhưng đang lúc nước sôi lửa bỏng, ông Giám đốc đã phải đưa vấn đề này ra bàn bạc. Hầu hết các kĩ sư trẻ đều tỏ ý nghi ngờ cái sáng kiến có phần lẩm cẩm của Hòa. Hơn nữa, giá như có bảo cải tiến lại những cái lưỡi cầy, lưỡi bừa kia thì họ cũng bó tay. Lâu nay họ đã quen làm việc cùng cái máy vi tính hiện đại và những thiết bị nhiều nút bấm điện tử rồi.

          Cuối cùng, Hòa nói trước cuộc họp bằng một giọng đanh thép:

          - Xin Giám đốc giúp tôi xây một cái lò rèn với đầy đủ các dụng cụ cần thiết, tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy chẳng mấy tin tưởng vào lời tuyên bố cứng cỏi của ông nhân viên bảo vệ gốc thợ rèn nhưng cực chẳng đã, ông Giám đốc đã phải cho thực hiện.

Thế là cùng với hai công nhân phụ trách búa tạ và than lửa, Hòa bắt tay vào việc. 

Khoảng mươi ngày sau, những thiết bị cày, bừa được làm từ đống sắt vụn bỏ đi và những cái đầu kéo chỉ là đầu công nông được điều từ các thôn xóm lên đã bắt đầu từ từ lật từng luống đất. Tuy có phần hơi chậm và vất vả hơn chiếc máy cày hiện đại của công ty đầu máy ở thành phố, tất nhiên rồi, nhưng năm đó hơn 20 héc- ta đất của Công ty đã được cày bừa hoàn chỉnh đề trồng mía kịp thời vụ, giải quyết công ăn việc làm cho mấy trăm công nhân.     

Không ai ngờ sự thành công lại được cất cánh từ đống sắt vụn phế thải. Chàng kĩ sư trưởng phòng kĩ thuật niềm vui xen lẫn ngượng ngùng, vội vàng xin nghỉ phép, như để có thời gian nhìn lại mọi chuyện ở đời. Còn Giám đốc tuy có chút e ngại nhưng vui hơn Tết, quyết định thưởng lớn cho “tổ thợ rèn”. Điều quan trọng hơn là mấy hôm liền, tâm trí Giám đốc cứ bám riết cái câu nói rất vô tư và hồn nhiên của ông nhân viên bảo vệ gốc thợ rèn: “Phế thải, lạc hậu không có nghĩa là vứt bỏ hoàn toàn”.