Nấu cơm ở nhà, sáng xách đến cơ quan như thời bao cấp; biến một góc khuất văn phòng làm bếp, bất chấp lệnh cấm vẫn lén lút nấu ăn... là những cách đối phó với bão giá của dân văn phòng Hà Nội.
Cách đây một năm, giá mỗi suất cơm trưa văn phòng ở Hà Nội phổ biến ở mức 15.000 đồng, có nơi giá mềm hơn chỉ 10.000-12.000 đồng. Những tiệm cơm văn phòng sang trọng với máy lạnh, nước uống miễn phí, rất thích hợp cho việc mời đối tác ăn trưa kết hợp bàn công việc, cũng chỉ bán với giá 25.000-30.000 đồng một suất. Nhưng nay, gas, gạo, thực phẩm đến tiền dịch vụ đều leo thang nên mỗi suất cơm trưa được các nhà hàng, quán ăn đồng loạt tăng thêm 5.000-15.000 đồng.
“Tính sơ sơ một tháng, để được ăn trưa đàng hoàng, mát mẻ, tôi sẽ mất 1 triệu đồng. Với mức lương 4 triệu đồng tôi còn phải lo chi trả bao nhiêu thứ, từ xăng xe, tiền điện nước, đến chuyện học hành của con cái. Thôi thì phải cố mà chắt bóp. Mỗi bữa tối nấu dư thêm chút thức ăn, sáng ra cắm nồi cơm là có bữa ăn cho buổi trưa, vừa tiết kiệm, ngon miệng, lại vệ sinh”, chị Hà, nhân viên công ty xuất khẩu ở phố Thái Thịnh, Hà Nội nói.
Suy nghĩ của chị Hà cũng là chung của nhiều người làm việc văn phòng, nhất là nữ giới. Trước đây, tiền cơm trưa chỉ chiếm một khoản nhỏ trong thu nhập của họ và thường không "đáng phải lăn tăn". Nhưng nay thì khoản nhỏ đã phình to, buộc không ít người phải đau đầu nghĩ cách “buộc bụng”. Phổ biến nhất vẫn là đi làm kèm theo một cặp lồng cơm như thời bao cấp.
Khoảng hai tháng gần đây, các quán cơm bình dân quanh khu vực Trần Khánh Dư, nơi có trụ sở của một ngân hàng nổi tiếng, trở nên vắng hơn thường lệ. Nguyên nhân là số đông nhân viên nữ của ngân hàng mang cơm nấu sẵn ở nhà cho bữa trưa. Ngại cảnh lỉnh kỉnh cặp lồng, nhiều người kín đáo cho hộp thức ăn vào túi nylon sẫm màu, hoặc giấu trong túi xách.
Mặc dù quy định của tòa nhà không bộ phận nào được mang thiết bị điện tử, điện lạnh vào văn phòng, nhưng vì nhân viên than nhiều nên một số phòng ban cũng chiếu cố, đồng ý chi quỹ sắm lò vi sóng để hâm nóng cơm. Đến giờ nghỉ trưa thì nhân viên lại xếp hàng trước lò vi sóng. Bữa cơm trưa diễn ra nhanh chóng, dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi. “Đúng là tiện cả nhiều bề: ngon miệng, tiết kiệm lại đảm bảo sức khỏe”, một nhân viên khoe.
Cánh nam giới vốn ngại mang cơm, ngại cả việc nhếch nhác cơm nước ở văn phòng, nhưng vì đi ăn quán trả tiền nhiều mà bụng vẫn lép nên ở không ít công ty, cả sếp và nhân viên thống nhất biến một góc khuất văn phòng thành bếp ăn. Tại một công ty ở Mỹ Đình, trên bảng làm việc, ngoài việc phân công công tác như thường lệ, giờ lại có mục phân công nữ nhân viên đi chợ, nấu cơm. Cái khó của họ là làm sao tính toán chỉ với 60.000 đồng, phải mua đủ thức ăn, cả đồ tráng miệng cho 6 người.
Tuy nhiên, không phải cơ quan nào cũng được sếp linh động cho mua lò vi sóng, hay nấu cơm tại văn phòng. Phần lớn do yêu cầu về vệ sinh, phòng cháy chữa cháy và kỷ luật làm việc, nhiều công ty tuyệt đối nghiêm cấm ăn uống. Đội ngũ bảo vệ được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ. Nếu phát hiện vi phạm, lần đầu thì nhắc nhở, lần sau nhân viên sẽ bị phạt tiền.
Song “bụng đói thì đầu gối phải bò”, nhiều người đã nghĩ ra cách nấu cơm trộm. Tại một công ty trên đường Tôn Đức Thắng, gần hai tháng nay, nhân viên đã lén lút mang gạo, bếp ga du lịch, nồi cơm điện và bát đũa đến giấu vào chiếc tủ để trống ở văn phòng. Lần lượt nữ nhân viên được giao nhiệm vụ nấu sẵn thức ăn ở nhà mang đến. Cứ đến 11h30, họ lại lôi nồi cơm điện ra cắm cơm, hâm nóng lại thức ăn và đánh chén. Tất nhiên phải canh phòng rất cẩn thận, nếu lộ là sếp cúp lương.
“Chúng tôi cũng nhiều lần suýt lộ. Đang ăn sếp vào, cả nhóm vội vàng mang lên nhà kho, hoặc vào một phòng nào đó, chấp nhận ăn trong nóng nực, không điều hòa. Sếp hỏi mùi thức ăn bốc lên thì dối quanh là mùi nhà hàng xóm bay sang. Cũng may ngay bên cạnh là một quán ăn, nên sếp cũng không nghi ngại nhiều”, chị Thu, nhân viên công ty kể. Chị kể thêm ban đầu nhân viên công ty dùng bát nhựa ăn một lần nhằm “phi tang”, nhưng vì tốn quá, mỗi người góp một ít bát, đũa. “Thời buổi bão giá, tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy”, chị Thu lý giải.
Giới văn phòng còn gặp khó khăn, những công nhân lương thấp còn lao đao hơn nhiều. Thu nhập mỗi tháng chỉ trên dưới 2 triệu đồng, việc ăn uống ở hàng quán lại đắt đỏ, vượt quá khả năng của nhóm lái xe công ty Tân Đạt, hoạt động tuyến Hà Nội - Hải Dương. Những bữa ăn thường là vào thời điểm tranh thủ giữa các lượt xe nên họ tranh thủ ăn bát phở, hay bánh mì.
Một tuần 2 lần, mỗi ca xe Tân Đạt phải ngủ 2 đêm ở Hải Dương. Cánh lái xe xa vợ cũng nghĩ cách tiết kiệm bằng cách góp tiền mua bếp điện thổi cơm. Nhưng sau một tháng thì tiền điện lại cao hơn cả đi ăn ngoài. "Nghĩ mãi, một anh nảy ra sáng kiện mua bếp cồn. Nhưng có hôm đang nấu dở thì hết cồn, mà Hải Dương thì không sẵn như Hà Nội nên đành phải ăn cơm dở sống, dở chín", một anh kể.
Với phương châm tiết kiệm là tối đa, món ăn được cả nhóm ưa thích là thịt chó, "vì vừa ngon, vừa rẻ hơn thịt lợn, bò, lại nhiều đạm". "Nhưng ăn mãi thịt chó chắc chắn cũng phải chán. Muốn đổi món thì phải phụ thuộc vào tăng lương mà điều này thì rất xa vời trong bối cảnh lạm phát", anh nói.