Đầu năm đi lễ đất trời

10:18, 28/01/2009

Tết năm nay trời rét đậm, buổi sớm trời càng giá lạnh hơn, khi những hạt sương vẫn còn rơi trên lá cỏ và những nụ hoa đào, hoa cúc ngoài sân, nhưng tôi và mẹ vẫn dậy thật sớm để lo mâm cơm cúng tổ tiên vào sáng mùng Một, sau đó đi lễ Chùa.

Năm nào cũng vậy, tôi và mẹ thường đi lễ Chùa vào sáng mùng Một Tết với mong ước trước tiên cho lòng được thư thái, nhẹ nhàng, sau đó cầu nguyện cho cả gia đình đón một năm mới an khang, thịnh vượng, dồi dào sức khoẻ. Mẹ bảo tôi: Xuất hành đầu năm tới cửa chùa là đến với cái tâm, cái thiện, là để giải toả những băn khoăn, lo lắng của một năm cũ đã qua, khấn cầu những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới an lành. Các vật cúng lễ mẹ đã chuẩn bị chu đáo từ ngày 30 Tết, cũng bánh, mứt, kẹo, hoa quả, tiền vàng, hương trầm…

 

Mẹ bảo: Các lễ vật chỉ là tượng trưng, mình ăn gì thì thắp hương cho các cụ như thế, nhưng tất cả phải xuất phát từ cái tâm và tấm lòng thành kính. Mình làm điều gì dù nhỏ, dù lớn cũng phải thành tâm, thành ý mới có ý nghĩa. Làm việc nghĩa, việc thiện thì trời phật mới chứng giám và phù hộ độ trì; còn lễ vật có sang trọng, to tát đến bao nhiêu mà không thành tâm thành ý, muốn hại người này, người kia để cầu danh, cầu lợi cho mình thì không có trời phật nào phụ trợ cả…

 

Mẹ vừa sắp lễ vào làn vừa chậm rãi nói với tôi từng câu từng lời như nói với chính mình. Tôi thì cuống quýt lo trang điểm, lựa chọn trang phục nên cũng nghe câu được câu mất. Hơn 9 giờ, hai mẹ con tôi đến Chùa Đán, du khách khách thập phương cũng đã đi lễ Chùa đông lắm. Chắc nhiều người cùng có quan niệm như mẹ tôi. Nếu như những năm trước người đi Chùa phần lớn là các bà, các chị thì những năm gần đây, người đi lễ Chùa ngày càng đông hơn với nhiều thành phần, lứa tuổi. Từ những em nhỏ cho đến các cụ già, nam thanh nữ tú, các cô, chú bậc trung niên... Có người đến Chùa  nặng về phần cúng lễ, nhưng có người đến chùa chủ yếu là để vãn cảnh đầu xuân. Sự đông đúc tạo cho không khí ngày xuân thêm tưng bừng, tươi mới, nhưng ở chốn linh thiêng, nếu mỗi người không nêu cao ý thức, trách nhiệm thì lại tạo ra những hình ảnh rất phản cảm. Trước mắt tôi, ô tô, xe máy, xe đạp để chật cứng cả lối đi, thậm chí có nhiều người còn đi xe vào tận trong sân Chùa, tạo lên cảnh tượng lộn xộn, chen lấn giữa người và xe. Tôi thoáng buồn, mọi sự háo hức trùng xuống. Chưa kể, vào đến nơi thờ tự, mọi người thi nhau thắp hương khấn vái; lễ vật, tiền vàng để ngổn ngang, chồng chất lên nhau trên mặt bàn thờ, ai cũng muốn chen lên trước để khấn cầu, không ai chịu nhường ai, có người không may quệt cả hương trầm đang cháy vào người bên cạnh, làm tàn hương rơi vào tóc vào quần áo. Tôi và mẹ loay hoay mãi mới đặt được lễ vào các ban thờ, nhưng tìm mãi vẫn không có chỗ đứng nào thích hợp để khấn nguyện, đành vãn cảnh Chùa một lúc rồi ra về. Mẹ lại bảo: Thôi tất cả là ở cái tâm con ạ, mình có lòng thành, trời phật sẽ chứng giám và che trở!

 

Vâng, tôi vẫn biết là như thế! Và tôi tin ai đến cửa Chùa trước hết cũng là ở cái tâm, sau đó mới để cầu danh, cầu lợi, cầu tài, cầu lộc… Cuộc sống là muôn vàn những điều đã có, có thể có và chưa có, nên trong tâm khảm ai cũng muốn nguyện cầu sự trở che của thần linh, trời phật, giúp họ có thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin để thực hiện thành công những dự tính  trong tương lai. Đó là một nét đẹp về văn hoá và tín ngưỡng của người Việt Nam. Song sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu khi những cảnh tượng trên không diễn ra ở những nơi thờ tự linh thiêng như tôi đã được chứng kiến…