Đã có những thay đổi tích cực

08:18, 02/04/2009

Không có nhiều đợt kiểm tra định kỳ về an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp và cũng chưa có những con số chính xác về số người bị mắc bệnh hay thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không đúng quy trình. Nhưng trên thực tế không ít nông dân trong tỉnh đã, đang bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần do sử dụng máy móc, hóa chất không đúng quy trình an toàn...

Qua khảo sát thực tế của phóng viên tại những vùng chuyên sản xuất chè, rau mu tại các xã, phường: Tân Cương, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên); Hùng Sơn, La Bằng (Đại Từ) cho thấy người nông dân đã, đang sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón hóa học trong quá trình sản xuất. Nhưng điều đáng nói là không phải tất cả người nông dân ở những địa phương nêu trên đều có kiến thức về quy trình an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất độc hại khác. Do vậy, trong quá trình sản xuất vẫn xuất hiện những trường hợp bị ngộ độc hay mắc một số căn bệnh nguy hiểm về đường hô hấp. Anh Triệu Văn Hưởng, cán bộ y tế xã La Bằng (Đại Từ) cho biết: Thực tế người nông dân bị ngộ độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất phải đến Trạm y tế để cấp cứu là chưa có, nhưng qua quát sát của chúng tôi thì tình trạng người nông dân khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng không mang gang tay, khẩu trang và quần áo bảo hộ vẫn còn.

 

Tại xã Tân Cương, vùng chuyên sản xuất chè của T.P Thái Nguyên cũng có tình trạng một số người dân thường xuyên thấy mỏi mệt khi khi đi phun thuốc trừ sâu hoặc sao chè có phun các loại hóa chất. Qua nguồn tin của một số cán bộ cơ sở, chúng tôi biết ở Tân Cương cách đây vài năm đã có một đội gần chục người chuyên đi phun thuốc sâu thuê và hầu hết những người này đã mắc bệnh về đường hô hấp, giảm cân... Trước những tác hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất gây ra, chính quyền xã Tân Cương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về sản xuất chè an toàn, trong đó có nội dung về quy trình an toàn khi sử dụng hóa chất, máy móc trong sản  xuất nông nghiệp.

 

Chị Trần Thị Huệ ở xóm Nam Tiến, xã Tân Cương tâm sự: “Cách đây vài năm, gia đình tôi và một số hộ trong xóm vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu bệnh hại chè nhưng sau nhiều năm sản xuất theo cách này thấy những người trong gia đình hay bị ốm yếu. Nhất là từ khi thấy những người chuyên đi phun thuốc sâu thuê trong xã mắc bệnh nguy hiểm, gia đình tôi đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chuyển sang sử dụng các loại chế phẩm sinh học để sản xuất chè. Đối với những diện tích bắt buộc sử dụng thuộc bảo vệ thực vật thì khi phun phải mang khẩu trang, gang ta và kéo dài thời gian thu hái chè từ 20 ngày tới 45 ngày”.

 

Việc thay đổi nhận thức, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, máy móc tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn lao động trong nông dân đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những người nông dân chưa quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn lao động trong sản xuất. Do vậy, việc tuyên truyền, tập huấn về quy trình an toàn trong sử dụng hóa chất, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tới bà con nông dân là hết sức cần thiết và nên đẩy mạnh hơn nữa.

 

Khi người nông dân biết tự bảo vệ chính mình trước tác hại của hóa chất sử dụng trong nông nghiệp thì việc sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn để cung cấp cho xã hội cũng sẽ dần được họ thực hiện.