Lại lập lờ sữa tươi và sữa hoàn nguyên

14:52, 23/07/2009

Thời gian gần đây, tình trạng lập lờ “đánh lận con đen” từ sữa nước sang sữa tươi đã xuất hiện trở lại.

 

Những sản phẩm sữa nước được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột, qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là "sữa hoàn nguyên tiệt trùng”, thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp đề trên nhãn là “sữa tươi tiệt trùng”. Đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng.

 

Theo “Báo cáo ngành sữa Việt Nam” do Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) công bố, đến cuối năm 2009, đàn bò sữa của Việt Nam sẽ đạt khoảng 135 nghìn con, tăng 10% so với năm 2008. Sản lượng sữa cả nước trong năm nay sẽ đạt khoảng 285 nghìn tấn, chỉ đảm bảo được khoảng 28% tổng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sữa. 

 

Thiếu nguyên liệu sữa tươi

 

Các sản phẩm sữa chế  biến tiêu thụ trên thị trường chủ yếu gồm 3 nhóm chính: sữa nước, sữa đặc có đường và sữa bột. Theo Bộ Công Thương, riêng loại sữa nước được tiêu thụ trên toàn quốc khoảng 400 triệu lít/năm. Tuy nhiên, với sản lượng sữa bò nguyên liệu trong nước hiện khoảng 250 triệu lít/năm, thì sẽ phải có khoảng 150 triệu lít sữa nước được chế biến từ sữa bột nhập khẩu. 

 

Cả miền Bắc hiện có 27.300 con bò, một nửa số bò cho sữa, sản lượng khoảng 90 tấn mỗi ngày , khoảng 10% trong số đó là nông dân bán lẻ hoặc sử dụng cho mục đích khác. Trong tổng số sản lượng sữa tươi nguyên liệu của nông dân chăn nuôi bò của miền Bắc, được thu mua phân bổ như sau: Công ty Vinamilk 49%; Công ty Dutch Lady 20%; Công ty Hanoimilk 15%; Công ty Sữa Mộc Châu 8%; các công ty còn lại là 8%. Riêng tại khu vực Ba Vì, sản lượng sữa tươi nguyên liệu thu hoạch khoảng 15 tấn/ngày.

 

Trong số này, Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì thu mua được 5 tấn/ngày để bán cho Vinamilk và Hanoimilk, doanh nghiệp lớn nhất đang khai thác thương hiệu sữa tươi Ba Vì là Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) hiện cũng chỉ thu mua được khoảng 6 tấn/ngày, phần con lại được bán cho một loạt doanh nghiệp khác.

 

Với sản lượng sữa sản xuất ra mỗi ngày trên toàn miền Bắc, chỉ có  thể cung cấp cho một nhà sản xuất với quy mô công suất nhỏ. Nhưng thực tế hiện nay ở miền Bắc có tới hơn 8 doanh nghiệp đang sản xuất sữa tươi với tổng sản lượng loại cung cấp ra thị trường là khoảng 330 tấn sữa tươi/ngày, riêng ở Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ 200.000 lít sữa mang nhãn sữa tươi. Liệu bao nhiêu % sản lượng sữa đó được thực sự sản xuất ra từ sữa bò của người nông dân Việt Nam?

 

Sữa tươi hay sữa hoàn nguyên?

 

Vào năm 2006, không ít doanh nghiệp đã sản xuất “sữa tươi” từ  sữa bột nguyên liệu nhập khẩu có giá thành thấp hơn so với sản xuất “sữa tươi” thật sự có nguồn gốc sữa tươi sản xuất trong nước, để kiếm lợi nhuận cao một cách không chính đáng.

 

Nhờ công luận lên tiếng, các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng cũng đã vào cuộc, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa nước từ sữa bột đã phải sửa lại tên sữa là “sữa tiệt trùng”.

 

Trong nhóm sản phẩm sữa nước, gồm nhiều loại sản phẩm với nguyên liệu  đầu vào và cách thức chế biến khác nhau.

 

Sữa thanh trùng là sản phẩm sữa nước được làm từ sữa tươi, nguyên kem hay sữa đã tách chất béo, quá trình thanh trùng thông thường là sự gia nhiệt từ 72-100 oC trong vòng 12-20 giây, giúp diệt các vi khuẩn gây bệnh. Sữa thanh trùng có hạn sử dụng rất ngắn, chỉ 8-10 ngày, và phải được bảo quản ở nhiệt độ 5-7 oC trong bao bì chưa mở.

 

Sữa tươi tiệt trùng là sản phẩm sữa nước được làm từ sữa tươi, sữa nguyên kem hay sữa đã tách béo và các thành phần khác, được gia nhiệt 135-150 oC trong vòng 4-6 giây để diệt các vi khuẩn, sau đó khi đóng chai sữa được gia nhiệt một lần nữa để giảm vi khuẩn tái nhiễm trong quá trình đóng chai.

 

Sau vụ khủng hoảng melamine vào cuối năm 2008, người tiêu dùng Việt Nam rất tin tưởng vào sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa tươi sản xuất trong nước. Bởi vì, đã là sữa tươi thì chỉ có thế sản xuất từ nguyên liệu trong nước, và các sản phẩm chăn nuôi trong nước đều chưa có melamine. Đây là sự lựa chọn đúng đắn của người tiêu dùng, và đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng lập lờ “đánh lận con đen” từ sữa nước sang sữa tươi đã xuất hiện trở lại, thậm chí càng trở nên phổ biến.

 

Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: hầu hết sản phẩm ghi nhãn sữa tươi lại chủ yếu từ sữa đông khô, điều này chẳng khác gì lừa dối khách hàng. Sữa đông khô chất lượng kém xa sữa bò tươi, vì trước khi tiến hành đông khô, các nhà máy sơ chế ở nước ngoài đã rút hết các thành phần bơ và mỡ trong sữa. Khi đưa nguyên liệu về Việt Nam, các nhà máy phải thực hiện quá trình “hoàn nguyên sữa”, tức là bổ sung các thành phần dinh dưỡng sao cho gần đạt được như sữa tươi ban đầu.

 

Theo ông Ngô Quý Việt, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng, những sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha thêm nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa, qua xử lý ở nhiệt độ cao thì phải gọi là "sữa hoàn nguyên tiệt trùng" và các nhà sản xuất phải ghi rõ trên bao bì là “sữa hoàn nguyên tiệt trùng”. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đề trên nhãn của loại sản phẩm này là “sữa tươi tiệt trùng”.