Những năm trở lại đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh, cùng với đó là nhiều hình thức giải trí mới ra đời, cuốn hút sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bên cạnh những mặt tích cực, game online cũng báo động nhiều mặt tiêu cực, khó lường.
Trước hết, phải thừa nhận rằng, những trò chơi điện tử cũng giúp cho nhiều người giải tỏa được stress sau những bộn bề công việc hay học tập căng thẳng. Không những vậy, nhiều trò chơi giúp cho người chơi nâng cao kỹ năng tư duy, tính độc lập, tăng cường phản xạ, khả năng tập trung cao độ và phát huy trí tuệ. Game bóng đá hiện nay vẫn được các bạn trẻ ưa thích bởi sức hấp dẫn riêng của nó. Đặc biệt đối với những người ham mê môn thể thao vua này. Khi chơi, các game thủ có thể chọn đội chơi, cầu thủ mà mình hâm mộ và đương nhiên chính mình là “nhà cầm quân”, trực tiếp điều khiển các cầu thủ của mình. Với những ưu điểm, sức lan tỏa và sự cuốn hút mạnh mẽ cùng những hiệu ứng tích cực nhất định của nó nên thể thao điện tử (Electric Sports) được trở thành môn thi đấu chính thức kể từ Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 2 (Asian Indoor Games 2) được tổ chức ở Trung Quốc.
Trò Đế chế cũng hấp dẫn không kém. Người chơi sẽ trở thành một “tướng quân tài ba” trong “thời đại đế chế” về cách xây dựng thành trì, điều binh khiển tướng, đánh bại kẻ thù… Những trò chơi này không chỉ đòi hỏi người chơi có một ý chí, tinh thần tự chủ, phản ứng nhanh nhạy mà còn đòi hỏi khả năng tư duy tốt. Ngoài ra, có thể kể đến những trò game khác như: cờ tướng, cờ vua… Tất cả các trò chơi này đều có thể chơi trực tuyến trên mạng Internet, chơi đối kháng giữa hai người.
Nhưng, cũng bởi sự cuốn hút, sự hấp dẫn ghê gớm của nó mà rất nhiều người khi đã “dính vào” thì khó có thể dứt ra được. Tại một quán Game play stastion trên đường Lương Thế Vinh, một nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm đang dán mắt vào màn hình. Cứ 2 người ngồi một máy chọn đội rồi đấu với nhau, một số người khác thì đứng cạnh theo dõi. Tiếng hô hào, cổ vũ huyên náo không kém gì một trận đấu đỉnh cao của bóng đá Châu Âu.
Một sinh viên tên Hùng cho biết: “Bọn em rất mê trò này, hầu như hôm nào cũng phải đánh vài trận. Lúc đầu, ai có tiền thì mời bạn chơi, sau ai thua thì trả, mỗi ngày cũng tốn vài chục nghìn. Đó là bọn em còn chơi vui để giải trí. Em còn biết có nhiều người còn đá tiền với nhau. Có trận cá cược đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí còn hơn…”. Đối với các trò game online, từ đầu những năm 2000, các quán internet nhanh chóng thu hút sự tập trung của một lượng lớn sinh viên, học sinh. Nó có một ma lực rất lớn khiến người chơi nhanh chóng trở thành “con nghiện”.
Anh Thành, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm cho biết: Tôi ham chơi game từ những trò bắn súng Half life, Đế chế rồi chuyển sang các trò trực tuyến như M.U, Đột kích, Võ lâm truyền kỳ… Trong mấy năm, tôi đã “nướng” không biết bao nhiêu thời gian và tiền của vào đó. Nhiều tháng liền, “ngủ trên giảng đường, tối thức thâu đêm để cày” (đánh điện tử), người phờ phạc, học hành sao nhãng. Biết là rất có hại cho sức khỏe nhưng không “dứt” ra được. Chơi những trò này cứ phải “cày liên tục”, càng nhiều thì “chiến binh” của mình càng khỏe. Không những vậy mà còn phải đầu tư “áo giáp, vũ khí…” cho nó. Có những “bộ đồ” được mua trên mạng nhưng phải trả tiền thật lên đến hàng triệu đồng. Khi nó đã mạnh rồi lại muốn nuôi cho khỏe hơn, để “xưng hùng”. Nếu bỏ giữa chừng thì tiếc lắm. Mãi đến khi đi thực tập sư phạm tôi mới bỏ được”.
Trong lời kể của Thành, tôi cảm thấy như anh ta đang hồi tưởng lại một quá khứ hào hùng trong thế giới ảo. Việc “dang dở” giữa chừng xem ra còn nhiều nuối tiếc. Qua đó mới thấy rằng, sức hấp dẫn của các trò game online lớn đến mức nào. Các quán game, như các vệ tinh mọc lên ngày càng nhiều bên cạnh các trường THPT, Đại học và bấy lâu đã trở thành nghề kinh doanh chính của không ít gia đình. Nhiều quán để chiều lòng các game thủ bằng việc mở chui thâu đêm bất chấp mọi quy định. Chuyện học sinh chơi game gục trên bàn máy, lơ là việc học hành, thậm chí nhiều vụ tiêu cực: cướp của, giết người vì thiếu tiền chơi game đã diễn ra. Những trò chơi không chỉ rầm rộ ở các thành thị mà nay nó đã lan tỏa đến các vùng nông thôn, những xã khó khăn. Chị H. mở quán Internet ở một xã khó khăn của huyện Định Hóa nói: “Từ khi mở dịch vụ Internet đến nay, tôi chả thấy người dân vào mạng xem tin tức hay tra cứu gì mà chỉ toàn học sinh đến để chơi game. Một số em còn trốn học, trộm thóc của nhà đi bán lấy tiền chơi game…”.
Một trong những trò chơi điện tử cũng làm “điên đảo” nhiều học sinh, sinh viên là đánh xèng. Chỉ cần một chiếc máy to như tivi 21inch nó có thể được đặt ở một quán nước nhỏ, góc nhà. Cũng có những nơi được đầu tư thành trung tâm giải trí có tầm cỡ (như một số điểm trên đường Bắc Kạn, Lương Ngọc Quyến…). Trong vai một người muốn tìm vận may, tôi táp vào một quán nước, nơi có đặt 2 chiếc máy xèng đang có mấy sinh viên đang mải mê với những lựa chọn của mình. Một “ma xèng” tên Dũng cho biết: “Ngày trước, bọn em còn có kiểu gắn dây vào đồng xèng rồi thả vào khe và cứ thế giật, thả, giật… điểm sẽ tự động tăng lên. Có lần bị chủ quán phát hiện nên dọa và cho một trận nên thân, từ đó không dám nữa. - “Em chơi rất nhiều lần nhưng mất nhiều hơn được, càng thua nhiều lại càng muốn gỡ. Mà muốn gỡ phải “dày vốn” mới biết được quy luật của nó, lúc đó thắng càng lớn”. Thành nói như sắp hốt được bạc nhưng khoảng 30 phút sau hơn 5 trăm nghìn đã bị cái lỗ “xèng” nuốt trọn, đành tiếc ngẩn ngơ ngồi xem người khác đánh…
Bề ngoài, máy xèng nhìn giống như là một trò chơi giải trí bình thường nhưng khi đã “biết” về nó thì mới thấy được bản chất của nó là một canh bạc đỏ đen đúng nghĩa. Cho đến nay, nó vẫn được bày, chơi một cách công khai. Thiết nghĩ, đây là một chơi thiếu lành mạnh nên có một sự quản lý chặt chẽ và sự vào cuộc của các ngành chức năng.
Giải trí là nhu cầu rất chính đáng đối với bất kỳ ai. Nhưng nếu để những trò chơi điện tử chi phối quá nhiều thì đó là điều đáng lên án. Chuyện học sinh, sinh viên nghiện những trò chơi điện tử đã trở thành một hiện tượng gây bức xúc cho các bậc phụ huynh và xã hội. Để ngăn chặn điều đó, các cơ quan chức năng cần xiết chặt hơn nữa việc tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, vui chơi giải trí khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến việc vui chơi, giải trí của con em mình, quản lý từ gia đình, phối hợp chặt chẽ với nhà trường cùng sự vào cuộc của các cơ quan liên quan và toàn xã hội.