Xóm Guộc, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) là vùng đất của cây chè Tổ gắn liền với tên tuổi ông Đội Năm, ông tổ của cây chè Tân Cương.
Ngược dòng thời gian trở về những năm 20 của thế kỷ XX, Tân Cương khi đó vẫn còn nhiều đồi núi hoang vu rậm rạp, tình trạng cọp dữ về làng bắt trâu, bắt lợn xảy ra thường ngày. Nhân dân khai phá nương rẫy, gieo trồng lúa khoai rất vất vả, cực nhọc mà vẫn không đủ ăn. Chứng kiến cảnh ấy, ông Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt, quê ở Hưng Yên lên vùng đất này khai hoang) đã cùng một số trai tráng lặn lội lên Phú Thọ để xin giống chè về trồng đầu tiên ở xóm Guộc và dần dần mở rộng ở khắp Tân Cương với mong muốn cây chè sẽ giúp người dân bớt nghèo đói. Thấy cây chè phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này, khi pha nước uống có màu xanh, vị thơm ngát đậm đà nên ông Đội Năm đã bàn bạc cùng nhân dân mở xưởng sản xuất và chế biến chè. Chẳng mấy chốc chè Tân Cương trở thành một thương hiệu chè ngon nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ông Đội Năm đã dạy tất cả những người dân trong xã cách trồng và chế biến chè. Nhờ cây chè, đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Chính vì công lao to lớn đó mà người dân Tân Cương đã suy tôn ông Đội Năm là ông tổ trà.
Tự hào là mảnh đất của cây chè tổ nên đã bao năm nay, người dân xóm Guộc tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn bằng nghề sản xuất và chế biến chè đặc sản, biến cây chè trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đến xóm Guộc vào một ngày cuối đông, chúng tôi nhận thấy, 100% đường giao thông trong xóm đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như thông thương, phát triển kinh tế. Ông Phạm Ngọc Việt, Bí thư Chi bộ vui vẻ nói: Trong những năm gần đây, điều kiện sản xuất thay đổi, cùng với đó người dân xóm Guộc cũng có ý thức trang bị các máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất hiệu quả. Hiện 100% số hộ làm chè trong xóm đầu tư động cơ điện để chế biến chè. Cây chè đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp đời sống của người dân ngày một nâng cao. Đến nay, các hộ đều có nhà xây, không còn nhà dột nát, thu nhập bình quân đạt 16-18 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2010 hiện chỉ còn 12 hộ, đa số đều là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt (bệnh tật, một mình không nơi nương tựa). 100% số hộ trong xóm có đủ các phương tiện nghe, nhìn và xe máy.
Đời sống văn hóa xã hội từng bước được nâng lên, nhân dân trong xóm tin tưởng phấn khởi vào việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hàng năm, xóm mở hội làng vào mùng 4 Tết Âm lịch. Vào ngày này, ngoài các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân tham gia, xóm còn trưng bày một gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm chè Tân Cương. Về thăm vùng đất của cây chè tổ, chúng tôi hân hoan chia vui với người dân về những thành tích đã đạt được trong các lần tham dự Lễ hội Văn hóa trà, xóm đều đoạt giải cao về sao chè thủ công. Năm 2009, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh ta tổ chức Liên hoan các làng chè ngon nhất tỉnh như: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), Minh Lập, Sông Cầu (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ)… Xóm Guộc đã đoạt giải Nhất chất lượng chè búp khô.
Trò chuyện cùng tôi, ông Phạm Ngọc Việt không khỏi hào hứng khi nhớ lại Lễ hội Tôn vinh thương hiệu chè Tân Cương và sự khéo léo của người làm chè. Đó là năm 2006, ý tưởng tổ chức Lễ hội tôn vinh thương hiệu cây chè và người làm chè của ông Việt đã được ông Mông Đông Vũ (lúc bấy giờ là Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao tỉnh) ủng hộ nhiệt tình. Để chuẩn bị cho Lễ hội, người dân trong xóm đều vui mừng, hối hả chuẩn bị kỹ lưỡng các phần thi, trong đó tập trung vào sao chè thủ công, tập luyện nhuần nhuyễn nghi thức rước cây chè Tổ. Ngày hội chính thức diễn ra, người dân ở khắp các nơi nô nức đổ về dự, chia vui cùng bà con trong xóm. Điều ấy khiến những hộ dân xóm Guộc thấy nao nức vô cùng, họ thấy tự hào biết bao về nghề trồng, chế biến chè và mong muốn cây chè sẽ ngày càng được phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ sự thành công khi tổ chức rước cây chè tổ và sao chè thủ công tại xóm Guộc năm đó, những năm sau, tỉnh và thành phố đều tổ chức hoạt động văn hóa có ý nghĩa này. Ông Việt cũng như những người nông dân quanh năm gắn bó với cây chè, từ bé sinh ra mắt đã quen nhìn nương chè, tay quen sao chè, mũi quen ngửi mùi chè rất tự hào được sinh sống trên mảnh đất tổ của cây chè.
Ông bảo: Mỗi người khách đến đây tham quan đều rất thích thú khi được nghe chúng tôi kể về nguồn gốc vùng chè đặc sản quý hiếm này, được mời uống một chén trà giữa không gian khoáng đạt trong lành, cảm thấy như mình đang hòa vào thiên nhiên. Bao quanh xóm là dãy núi Guộc và dòng sông Công hiền hòa, tạo cho xóm có một diện mạo nên thơ, trữ tình. Giọng ông Việt đang sôi nổi bỗng dưng trùng lại: Thế nhưng, một nghịch lý đã và đang xảy ra là nằm ngay dưới lòng hồ Núi Cốc, ngay cạnh dòng sông Công nhưng đã gần 10 năm nay, 70 hộ dân ở đây phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Không có nước không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà quả thực đang là bài toán khó với những người trồng chè để duy trì chất lượng chè ngon và năng suất cây chè. Điều ấy, khiến ông Việt và những người say mê với cây chè, nghề chè không khỏi băn khoăn, lo lắng...
Thực hiện bài viết này khi mưa Xuân đang tí tách rơi, tôi tưởng tượng ra trước mắt mình nụ cười vui tươi, hớn hở của người dân xóm Guộc khi nhìn những nương chè cằn khô vì hạn đang được tiếp thêm sinh khí của trời đất để xanh mướt trở lại. Mong muốn được quan tâm, đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo sinh hoạt và đáp ứng sự phát triển cây chè với thương hiệu sẵn có từ bao đời nay của người dân rất cần sự giúp đỡ của các cấp, ngành có liên quan.