Vượt qua hành trình dài nhiều ngày, Phạm Vũ Thiều Quang, cậu bé 9 tuổi đã cùng bố đặt chân tới Nam Cực vào chiều mùng 1 Tết. Cậu bé đã trở thành người châu Á trẻ tuổi nhất đặt chân tới vùng đất này.
Chia sẻ trên facebook của mình, anh Phạm Quang Vinh (bố của Thiều Quang) cho biết, thời điểm Thiều Quang bước chân lên Nam Cực là vào lúc 15h15 ngày 3/2. Tuy nhiên, chỉ trước đó ít giờ, khả năng này vẫn còn để ngỏ vì phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết.
Chỉ vài giờ trong lần đầu đổ bộ, họ đã nhận đủ cả mưa, tuyết rơi, nắng, thậm chí cả trời xanh trong vắt, rồi lại mưa, lại sương mù... Theo anh Vinh, đây là lần đầu tiên Thiều Quang được đưa tay hứng những bông tuyết.
Qua những hình ảnh và chia sẻ của ông bố này, Thiều Quang đã vượt qua những cơn say sóng, nhanh chóng tươi tỉnh khi bước chân lên mảnh đất Nam Cực, háo hức dùng chiếc máy ảnh của mình ghi lại hình ảnh ở nơi đây.
"Thiều Quang đã được thấy cả sư tử biển và chim cánh cụt nhảy sóng từ trên tàu và gặp những con chim cánh cụt Gentoo đầu tiên trên đảo Deception, cả mấy con sư tử biển đang lên bờ nằm nghỉ nữa…", anh Vinh kể. Đây sẽ là những nhân vật trong bộ phim ngắn mà cậu bé dự định thực hiện từ trước khi khởi hành.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong chuyến đi, Thiều Quang được cả đoàn thám hiểm rất yêu quý. Em thậm chí còn trở thành vị khách đặc biệt của thuyền trưởng con tàu MS Fram.
Với việc tới Nam Cực, cậu bé lớp 4 Thiều Quang đã trở thành nguời châu Á trẻ tuổi nhất đặt chân lên mảnh đất này.
Sau khi đặt chân tới đảo Deception vào ngày 3/2, đoàn thám hiểm đã lần lượt tới các trạm nghiên cứu (Base) khác nhau. Đặc biệt tại Base W (trên đảo Detaille), Thiều Quang lại được ưu tiên một lần nữa, trở thành người đầu tiên đặt chân lên đảo Detaille. Em vinh dự được mời ký vào sổ của Base W vì là trẻ em đầu tiên trên thế giới tới được địa điểm này.
Trên chuyến tàu tới mảnh đất địa cực, cậu bé này đã trải qua những cơn say sóng. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Theo anh Vinh, đoàn thám hiểm thật sự may mắn vì không phải chuyến du hành nào đến Nam Cực cũng có thể đến được Base W. Ngay cả trong thời tiết rất tốt như trong ngày 7/2, tàu MS Fram cũng phải neo ở khá xa bờ, gần một km để mọi người dùng xuồng chuyên dụng đi vào bờ.
Sau Base W, Thiều Quang cùng bố sẽ tiếp tục đặt chân tới Base E và Base Y... Chuyến thám hiểm dự kiến kéo dài trong 2 tuần qua các vùng đất của châu lục lạnh giá này.
"Trong giờ học buổi sáng nay về an toàn và các quy định của IAATO và Hiệp ước Antarctica chúng tôi được nhắc lại là có 3 câu hỏi sẽ không có câu trả lời trong những chuyến đi Nam Cực, đó là “Khi nào chúng ta đến đấy”; “Chúng ta sẽ ở đấy bao lâu” và “Chúng ta có chắc chắn sẽ xuống đấy không”. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào thời tiết và tình trạng của băng. Những gì chúng tôi biết hàng ngày là kế hoạch A, và còn có kế hoạch B, C và D… cho từng ngày, và cho cả những ngày kế tiếp..."
"Mùa hè ở Nam Cực khiến đảo Deception không giống một vùng đất Nam Cực lắm, khi bang tuyết chỉ che phủ những đỉnh núi, còn chân núi thì lộ ra rải rác những bộ xương cá voi khổng lổ, những con thuyền gỗ đã ở đây từ đầu thế kỷ 20, và cả những ngôi mộ của các chiến binh và những người đã hy sinh ở đây…"
"Chúng tôi rời đảo Deception trong trạng thái lâng lâng, trong đó có cả việc mình cảm thấy thật may mắn, khi ở trên bờ đã có những lúc nắng rất đẹp, có tuyết rơi… Và hơn cả, với tôi, là khi nghe con trai mình nói “Small step of a child, but a big step of the children”. Con trai tôi đã đến Nam Cực vào ngày mồng một Tết như tôi hứa, và thời tiết đã ủng hộ cho lời hứa đấy của tôi..."
(Trích facebook của anh Phạm Quang Vinh)