Xuân mới ở Coong Lẹng

17:17, 14/02/2011

Đến xóm Coong Lẹng, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) người mà chúng tôi tìm gặp đầu tiên là ông Ôn Văn Quý, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi, ông Quý bồi hồi nhớ lại: Năm 1940, bố ông là một trong hai người đầu tiên tới vùng đất này khai hoang. Lúc đó, Coong Lẹng chỉ là một khu đất cao, cỏ mọc um tùm, xung quanh được bao bọc bởi núi, rừng rậm rạp. Không quản gian khó, những người mở làng đã khai khẩn đất đồi, trồng sắn, trồng chè, trồng rừng, cấy lúa và chăn thả gia súc… Nhờ đó, cuộc sống của người dân đã dần thay đổi.

  

Rời nhà ông Quý, chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Văn Phương, Trưởng xóm Coong Lẹng. Ông Phương cho biết: Coong Lẹng hiện có 120 hộ với hơn 400 nhân khẩu, trong đó đồng bào Sán Dìu chiếm 80% dân số và có trên 20% hộ đồng bào công giáo sống đoàn kết lương - giáo. Là mảnh đất thuần nông, chủ yếu dựa trên thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, người dân Coong Lẹng đã nhạy bén chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích. Trong những năm qua, hơn 27ha đất nông nghiệp của xóm đã được bà con chủ động áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Tận dụng diện tích đất tự nhiên, nhiều hộ dân trong xóm đã đầu tư thâm canh cây chè, đưa các giống chè cành như: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên… có giá trị kinh tế cao vào trồng thay thế các diện tích chè hạt thoái hoá, kém năng suất. Trung bình, mỗi gia đình trong xóm có 5 sào chè, mỗi sào cho năng suất khoảng 15kg chè khô, giá bán trung bình từ 70-80 nghìn đồng/kg. Cùng đó, bà con cũng tích cực phát huy thế mạnh đồi rừng, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Xóm hiện có 10 hộ chăn nuôi trang trại cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Trong số này, có thể kể đến một số gia đình tiêu biểu như: ông Trần Văn Thanh, ông Nguyễn Xuân Hậu, ông Cao Văn Thắng … Hay như mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Hách. Ông Hách vừa nuôi hươu lấy nhung vừa nuôi ba ba.

 

Ông cho biết: Trước đây, tôi vừa thả cá vừa nuôi bò và trồng chè để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Qua tham quan tìm hiểu ở một số địa phương, nhận thấy baba là loài dễ nuôi, giá bán lại cao nên năm 2007, gia đình tôi đã đầu tư cải tạo hơn 1.000 m2 ao để thả ba ba. Cứ thế, vừa nuôi tôi vừa ươm giống. Đến nay, ao nhà tôi đã có hơn 200 con baba. Với giá bán hiện nay là 350 nghìn đồng/kg, qua tháng Giêng, gia đình tôi sẽ xuất bán. Ngoài ra, nhà tôi còn đang nuôi thử nghiệm 1 con hươu lấy nhung. Mỗi năm cũng thu được hơn 10 triệu đồng.

 

Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nên đời sống của bà con xóm Coong Lẹng đã được cải thiện rõ rệt. Số hộ khá, giàu chiếm tới 70%, số hộ nghèo hiện chỉ còn hơn 5% (tương đương với 7 hộ), giảm 30% so với năm 2004. Số hộ đạt gia đình văn hoá luôn chiếm tỷ lệ trên 80%. Nhiều năm liền, xóm đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến  và Làng văn hoá cấp huyện; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Kinh tế từng bước phát triển, bà con trong xóm đã tích cực ủng hộ sức người, sức của xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố hoá kênh mương nội đồng. Năm 2009, nhân dân đã đóng góp gần 400 triệu đồng làm được gần 3km đường giao thông nông thôn. Năm 2010, bà con cũng đóng góp gần 40 triệu đồng mở rộng tuyến đường cấp phối đi Đèo Nứa - Thành Công để thuận tiện cho việc đi lại, thông thương hàng hóa…

 

Bước sang năm 2011, người dân Coong Lẹng phấn đấu xây dựng nhà văn hoá để làm nơi sinh hoạt, giao lưu văn hoá, văn nghệ, tổ chức học tập những tiến bộ KHKT. Xóm phấn đấu, trong thời gian tới sẽ không còn hộ nghèo…