Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch

14:00, 26/03/2011

Ngày 26-3, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch (Bộ Công thương) đã kết hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo về Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, gồm du lịch lữ hành; kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… theo nhu cầu các địa phương và doanh nghiệp thuộc khu vực.

 

Dự Hội thảo có gần 50 đại biểu là đại diện Tổng cục Du lịch, Vụ Lữ hành và Khách sạn, Vụ giáo dục & Đào tạo, Hiệp hội Du lịch và đại diện Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục & Đào tạo 14 tỉnh miền núi Trung du phía Bắc cùng một số công ty, doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ, du lịch trên địa bàn của tỉnh.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch: Năm 2010 ngành Du lịch Việt Nam đã đón tiếp hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, 28 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu hơn 96.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, nguồn nhân lực của ngành cũng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam có khoảng hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có hơn 315.000 lao động trực tiếp, hơn 1.3 triệu lao động gián tiếp. Phần lớn người lao động có độ tuổi tương đối trẻ, từ 30 đến 40 tuổi chiếm 35%, dưới 30 tuổi chiếm 41,2%, còn lại ở độ tuổi trên 40.

 

20 bài tham luận tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, như: Khó khăn trong công tác tuyển sinh tại các trường; vì sao có ít người học các nghề xã hội cần như ở chuyên ngành Kỹ thuật chế biến sản phẩm ăn uống; làm thế nào để tăng cường hợp tác giữa nhà trường và các cơ sở quản lý ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn… Các đại biểu cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục như: Với doanh  nghiệp cần có những giải pháp chủ động, tích cực để nâng cao tỷ lệ cán bộ, nhân viên qua đào tạo nghề nghiệp; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cần có quy định về tiêu chuẩn người lao động trong các cơ sở kinh doanh của ngành như hình thể, sức khoẻ; giữa cơ sở kinh doanh trong Ngành với cơ sở đào tạo nguồn nhân lực về du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ; từng bước tiêu chuẩn hoá nguồn nhân lực du lịch; xã hội hoá mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng du lịch; tích cực chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của Vùng cần được triển khai thường xuyên và đồng bộ hơn; việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường cần quan tâm hơn đến phần đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành...

 

Thay mặt Vụ Đào tạo (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo đã ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Hội thảo Tiến sĩ nhấn mạnh: Chiến lược phát triển du lịch từ năm 2011 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xác định: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 1 trong 7 vùng du lịch của đất nước. Để thực hiện thành công, các ngành liên quan cần tháo gỡ được 3 nút thắt quan trọng về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, thể chế và nguồn nhân lực du lịch, trong đó phát triển nguồn nhân lực toàn vùng là nhiệm vụ mang tính quyết định, cần được đưa lên hàng đầu…