“Cứu” thuốc nội và tránh “loạn giá”

08:10, 29/04/2011

Dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc hiện đang được Bộ Y tế lấy ý kiến từ các bệnh viện (BV) và các tổ chức, cá nhân. Dự thảo đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến công tác đấu thầu thuốc vào bệnh viện công lập so với Thông tư liên tịch số 10 đang thực hiện.

 

Tuy nhiên, liệu quy định mới này có làm hạn chế được những bất cập hiện nay của công tác đấu thầu thuốc vốn được coi là vấn đề khá nhạy cảm và luôn là “bí ẩn” của các bệnh viện?

 

Mỗi nơi một kiểu

 

Hiện nay việc đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10 của liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 10/8/2007 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Theo quy định này, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua thuốc, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu theo yêu cầu điều trị của các đối tượng người bệnh, kể cả người bệnh có bảo hiểm y tế.

 

Thực tế triển khai từ hơn 3 năm qua cho thấy thông tư này đã bộc lộ không ít bất cập. Kết quả đấu thầu thuốc vào các BV công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2010 cho thấy có hơn 11.935 loại thuốc đã được trúng thầu, nhưng trong đó thuốc nội tập trung vào các loại thông thường như giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh, kháng viêm, còn những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị với giá trị lên đến tiền triệu đều có xuất xứ từ các công ty dược nước ngoài.

 

Điều đáng nói hơn, có cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, hàm lượng và nhà sản xuất nhưng kết quả đấu thầu vào mỗi BV lại có các mức giá khác nhau. Có loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương nhưng một số BV lại chọn mua thuốc của nước ngoài hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc trúng thầu của thuốc ngoại lại cao hơn thuốc nội gấp nhiều lần...

 

Việc thiếu những tiêu chuẩn kỹ thuật chung về chất lượng thuốc, thiếu yếu tố lý tính để lựa chọn khiến giá thuốc trở nên “chênh vênh”, bên cạnh đó, chưa có chuẩn chung để bệnh viện lựa chọn mặt hàng thuốc nào là tối ưu về chất lượng và giá cả cho bệnh nhân...

 

Tiến sĩ Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã cho rằng: Bất cập hiện nay trong công tác quản lý giá thuốc là dù thuốc là hàng hóa đặc biệt nhưng hiện chưa có một nghị định riêng quy định về đấu thầu thuốc (căn cứ vào Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng để hướng dẫn đấu thầu thuốc) nên việc triển khai tổ chức đấu thầu thuốc từ trung ương đến địa phương chưa thống nhất; đồng thời việc tổ chức đấu thầu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh công lập mang tính chất “đấu giá” chứ chưa đúng nghĩa đấu thầu, có hiện tượng một số thuốc trúng thầu nhưng giá cao... Do đó, Cục Quản lý Dược kiến nghị cần có một nghị định riêng hướng dẫn về đấu thầu thuốc.

 

Linh động định mức mua thuốc ngoài thầu

 

Trước khi có nghị định quy định riêng về vấn đề này thì dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Tài chính đã đưa ra một số điểm hướng dẫn mới. Điển hình như, việc xây dựng nhóm kế hoạch giá thuốc đấu thầu theo các tiêu chuẩn cụ thể (phân thành những nhóm như: thuốc sản xuất ở các nước có nền công nghiệp dược tiên tiến; thuốc sản xuất ở một số nước châu Á và thuốc ưu tiên - thuốc nội). Việc xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ hạn chế được tình trạng hiện nay là cùng một hoạt chất giống nhau nhưng sản xuất ở nhiều nước khác nhau nên giá đấu thầu thuốc vào các BV khác nhau. Quy định như vậy còn góp phần thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước, hạn chế tình trạng thuốc nội bị “thua” trên sân nhà...

 

Việc quy định mẫu hồ sơ đấu thầu thống nhất của tất cả các BV, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thăng - Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, việc có một mẫu hồ sơ mời thầu thuốc sẽ được áp dụng thống nhất trên toàn quốc khác với trước đây là các BV tự thực hiện, sẽ tạo nên sự thống nhất trong khi đấu thầu và cũng tạo thuận lợi cho Bộ Y tế trong việc xét duyệt hồ sơ đấu thầu thuốc, tránh được thực trạng mỗi nơi làm một kiểu. Tiến sĩ Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K - cho rằng quy định theo hướng này sẽ góp phần giảm được tính chủ quan của các cơ sở y tế trong khi thực hiện đấu thầu thuốc hiện nay.

 

Tuy nhiên, cả ông Thăng và ông Diệu đều đề xuất quy định này không nên cứng nhắc mà làm sao đáp ứng tính đa dạng trong khám chữa bệnh của các BV để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, có chất lượng cho người bệnh.

 

Dự thảo cũng cho phép lãnh đạo BV tự xử lý những tình huống trong trường hợp thuốc trúng thầu nhưng vượt quá giá kế hoạch, đồng thời quy định mức giá mua thuốc ngoài thầu sẽ tăng lên 200 triệu đồng/lần so với 100 triệu đồng như trước đây. Tiến sĩ Bùi Diệu cho hay, việc cho phép mua thuốc ngoài thầu như quy định trong Thông tư 10 không được vượt mức 100 triệu đồng khiến BV rất “khó” để có thêm những thuốc biệt dược, chuyên khoa đặc thù cho người bệnh trong trường hợp những thuốc đấu thầu đó đã hết. Do đó, nếu áp dụng mức quy định 200 triệu/lần mua thuốc ngoài thầu thì sẽ “dễ thở” và số lượng cũng sẽ được tăng lên. Theo Tiến sĩ Đặng Văn Chính, Giám đốc BV Thanh Nhàn, quy định này tạo sự “thông thoáng” cho việc đảm bảo đủ thuốc chuyên khoa cho người bệnh, đồng thời lãnh đạo BV cũng tự chủ hơn.

 

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thăng đề xuất, không nên quy định mức giá mua thuốc ngoài thầu mà nên linh động. Theo ông Thăng, việc mua thuốc ngoài thầu phụ thuộc vào mô hình bệnh tật phát sinh và nhu cầu trong công tác khám chữa bệnh của BV.