Ngay từ giữa tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, hệ thống các hồ chứa nước có dung tích lớn trên địa bàn tỉnh đã được đơn vị quản lý là Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thuỷ lợi tỉnh kiểm tra hiện trạng và bố trí các biện pháp tu sửa, điều tiết mực nước hợp lý. Cùng với đó, các phương án phòng lũ tại 34 hồ chứa nước lớn của tỉnh cũng đã được triển khai, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thuỷ văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng Lanina (nhiệt độ mặt nước biển ở giữa Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường), nên khả năng năm 2011 sẽ có nhiều mưa hơn so với mức bình thường những năm trước. Bão có thể đến sớm hơn năm trước, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ở mức bình thường so với trung bình nhiều năm. Tỉnh Thái Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu từ 2 đến 3 cơn bão… Nhận định được khả năng mưa lớn kéo dài sẽ diễn ra, nên công tác phòng lũ tại các công trình thuỷ nông đã được tỉnh đặc biệt chú trọng ngay từ sớm.
Trực tiếp chỉ huy và tham gia kiểm tra các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên khẳng định: "Tất cả các hồ chứa nước đã được chúng tôi kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, chi tiết từng hạng mục (đập đất, đập xả lũ, cống lấy nước, cống ngầm, hệ thống máy đóng mở…). Về cơ bản, tình trạng kỹ thuật của các công trình đều an toàn. Mực nước ở 34 hồ chứa đến thời điểm này đã được điều tiết ở mức thấp vừa đủ cung cấp nước tưới vụ xuân vừa đảm bảo phục vụ công tác phòng lũ trong mùa mưa". Dựa vào tính chất cũng như mức độ quan trọng của hệ thống các hồ chứa, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị đặc biệt chú ý tập trung chỉ đạo công tác phòng lũ ở 5 công trình thuỷ nông trọng điểm là: Hồ Núi Cốc (T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ), hồ Bảo Linh (Định Hoá), hồ Gò Miếu (Đại Từ), hồ Hố Chuối (Đồng Hỷ) và hồ Ghềnh Chè (T.X Sông Công). Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số công trình khác như: Hồ Quán Chẽ (Võ Nhai), hồ Suối Lạnh (Phổ Yên), hồ Làng Hin (Phú Lương)…
Kết quả kiểm tra cho thấy, hồ Núi Cốc, công trình thuỷ nông trọng yếu nhất của tỉnh do thường xuyên được tu bổ và sửa chữa kịp thời nên cơ bản các hạng mục đều giữ được trạng thái ổn định. Hệ thống đập, tràn xả lũ, cống lấy nước đều hoạt động bình thường. Các công trình đầu mối khác nhiều đoạn bắt đầu xuống cấp nhưng không ảnh hưởng đến công tác phòng lũ năm 2011. Hồ Gò Miếu (Đại Từ) có diện tích lưu vực 17km2, dung tích 5,6 triệu m3, có đập chính dài 230m, cao 29,8m được đánh giá là có khả năng phòng lũ ở mức cao. Mặc dù hệ thống cống lấy nước bị rò rỉ, một số đoạn kênh bị vỡ, bồi lắng, sạt trượt, nhưng hiện đang được tu sửa với khối lượng hoàn thành khoảng 90% (vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng). Công trình hồ Quán Chẽ có diện tích lưu vực 13km2, dung tích trên 2,4 triệu m3 với đập đất dài 83m hiện đang trữ nước ở mức 0,9 triệu m3, tức là trữ lượng nước khoảng 38%, đảm bảo mực nước phòng lũ. Hiện tại, tràn xả lũ của công trình này đang được tu sửa với khối lượng hoàn thành trên 50%, đảm bảo kịp chống lũ. Còn công trình hồ Suối Lạnh (diện tích lưu vực 4km2, dung tích 2,5 triệu m3) hiện tại cũng đang trữ nước ở mức thấp, khoảng 1,2 triệu m3…
Để chủ động phòng lũ đối với những công trình thuỷ nông quan trọng, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có công trình cùng xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho từng hồ chứa. Đến nay, 100% hồ chứa nước lớn đã xây dựng xong phương án phòng lũ đang được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Phương án được tuân thủ theo phương châm 4 tại chỗ. Mỗi xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban chỉ huy PCLB gồm các thành viên: Chủ tịch UBND cấp xã, công an, trưởng xóm, bản, các đoàn thể, dân quân… Trong đó, dân quân là lực lượng xung kích có mặt ứng cứu đầu tiên khi công trình có nguy cơ xảy ra sự cố. Lực lượng này luôn thường trực từ 30 đến 50 người, biên chế thành tiểu đội dân quân trực chiến trong mùa mưa bão. Cùng với lực lượng này, ở mỗi công trình, trong thời điểm mưa bão, Công ty bố trí cán bộ lập ra các tổ, đội trông coi công trình, có trách nhiệm kiểm tra kỹ thuật hàng ngày, hàng giờ thông báo kịp thời tình hình về Ban Chỉ huy PCLB địa phương và chịu trách nhiệm về biện pháp xử lý tình huống. Công tác trực phòng chống lụt bão năm 2011 tại các công trình được thực hiện bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 11.
Ngoài xây dựng lực lượng, tại các công trình thuỷ nông, nhất là các hồ chứa nước trọng điểm của tỉnh cũng được bố trí một khối lượng vật tư, dụng cụ phòng lũ hợp lý gồm: bao tải gần 90 nghìn chiếc; cuốc, xẻng, đầm gang, xà beng gần 2 nghìn cái; áo phao, phao cứu sinh 220 cái; đá hộc 200m3; rọ thép 99 cái; xuồng máy, máy phát điện 5 chiếc; xảo sắt, quang sắt, đòn gánh 300 đôi…
Mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo, trong đó có tính đến các phương án phòng, chống lụt bão đối với từng công trình thuỷ nông, song vấn đề thiên tai như chúng ta biết thường diễn ra phức tạp, khôn lường nên rất cần sự chủ động và cảnh giác cao độ của các ngành, cơ quan chức năng. Theo chỉ đạo chuyên môn, khi có báo động cấp II trở lên thì phát hiệu lệnh tập trung Ban Chỉ huy PCLB và các lực lượng thường trực để có phương án ứng cứu công trình hồ chứa nước kịp thời...