Nỗi đau ở "Làng ung thư"

15:53, 14/06/2011

Nằm ngay dưới chân Cầu Rộ, cách thị trấn Dùng khoảng 9 km về phía Tây, làng Khai Tiến, xã Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An) ngày càng xơ xác vì căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

 

132 hộ, gần 650 nhân khẩu của làng Khai Tiến chủ yếu sống bằng nghề nông. Mọi thứ chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên đời sống vô cùng khó khăn. Vậy mà trời chẳng thương người nghèo, mấy năm gần đây, người dân nơi này còn phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đang gia tăng từng ngày. Ông Nguyễn Hữu Thẳng, trưởng thôn Khai Tiến cho biết: Từ năm 1996 tới nay, trong thôn đã có 65 người chết. Hiện nhiều bệnh nhân sống lay lắt với căn bệnh ung thư, không biết tử thần gõ cửa lúc nào. Điều kinh hoàng là số người chết vì ung thư gia tăng từng ngày. Có những gia đình mấy người ra đi liên tiếp vì căn bệnh quái ác ấy.

 

Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay căn bệnh quái ác lại giáng xuống, đè nặng lên vai những nông dân khốn khổ. Phần đông bệnh nhân đều không có tiền chữa trị, chỉ biết nằm nhà chờ chết trong sự đau xót và tuyệt vọng của người thân.

 

Hoảng loạn trước việc gia tăng số người chết vì ung thư, người dân trong làng lần mò tìm căn nguyên. Trong tuyệt vọng, không ít gia đình đã tìm đến điểm tựa tâm linh, thế nhưng số người chết không giảm mà ngày càng tăng lên.

 

 

Trước nỗi đau của dân làng, một số người có học, chủ yếu là thanh niên trong làng đang học tập và công tác ở Hà Nội quyết tìm lời giải bằng khoa học. Họ cho rằng sở dĩ làng có nhiều người mắc bệnh ung thư là do nguồn nước bị ô nhiễm nên phải xét nghiệm nguồn nước. Không ngại vất vả, gian lao những trí thức trẻ đó đưa nước từ làng ra Hà Nội để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nước của làng bị nhiễm nhiều độc tố, trong đó có những chất độc vượt quá nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.

 

Sự lý giải của khoa học xem chừng có lí vì khoảng 90% gia đình trong làng đều sử dụng nước giếng khoan. Nguồn nước từ những giếng khoan này đều có váng và màu vàng. Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân của làng cho biết: Sở dĩ người làng dùng giếng khoan vì dùng giếng đào nước trong nhưng lại không vị, uống nhạt nên ít người dùng.

 

Lo sợ trước sức khỏe của các thành viên trong gia đình mình, một số gia đình khá hơn bỏ hàng chục triệu đồng xây dựng bể hứng lọc nước mưa. Tuy nhiên, số tiền ấy ngoài khả năng tài chính của phần đông các hộ dân trong làng. Và vì thế, nỗi đau bên dòng sông Lam vẫn hàng ngày hiện hữu.