Giữ rừng gỗ quý chẳng được hưởng tiền công

08:43, 19/07/2011

20 năm nay, 5 gia đình trong Tổ bảo vệ rừng vẫn cần mẫn chăm sóc, bảo vệ rừng cây có người đã mất mà chưa kịp nhận được một chút quyền lợi nào…

Xóm Luông, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đang sở hữu 2,7ha lim xanh tự nhiên, diện tích rừng quý hiếm ít ỏi còn lại ở Thái Nguyên. Cánh rừng này còn tồn tại tới nay là nhờ công của 5 gia đình thuộc Tổ bảo vệ rừng đã ngày đêm canh gác cho rừng. Thế nhưng, đã hơn 20 năm kể từ ngày ký hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng với Trạm Thí nghiệm lâm nghiệp Hóa Thượng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), họ vẫn chưa được thanh toán tiền công bảo vệ.

 

20 năm tận tâm với rừng

 

5 người có tên trong bản hợp đồng bảo vệ và chăm sóc rừng xóm Luông gồm các ông: Nguyễn Minh, Mai Trọng Chúc, Trần Danh Chuẩn, Nguyễn Như Việt và Nguyễn Văn Hạnh đều trú tại xóm Luông, xã Hóa Thượng. Bản hợp đồng được ký ngày 15-3-1991 với thời hạn là 15 năm. Trữ ượng gỗ của rừng khi đó được ước tính là 112,5m3, giá trị gần 2,8 triệu đồng. Trong hợp đồng đã ghi rõ: “Khi khai thác 5 hộ trông rừng phải giao nộp 100% số lượng gỗ, củi ban đầu nhận hợp đồng và được hưởng 70% giá trị tăng thêm từ cánh rừng”.

 

Ông Nguyễn Như Việt, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cho biết: “Thành phần cây rừng chủ yếu là lim xanh có tuổi đời trên 20 năm, ngoài ra cũng còn nhiều loại cây khác như như ngăm, xà tước, dẻ tía, keo, mỡ... Khi chúng tôi nhận trông, những cây lim mới chỉ to hơn miệng chén uống nước. Đến nay, nhiều cây đến tôi ôm cũng không hết, cây lớn đạt tới cả m3 gỗ”. Để minh chứng cho lời nói đó, Tổ bảo vệ đã cho chúng tôi “mục sở thị” cánh rừng lim xanh quý hiếm. Cách nhà các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng chừng năm, bảy phút đi bộ là đến rừng. Tiếng chim hót hòa lẫn trong tiếng lá rừng xào xạc, không khí mát mẻ khiến chúng tôi quên đi cái nóng hầm hập của tháng 7.

 

Được biết, hiện nay rừng xóm Luông có khoảng hơn 100 cây lim to (chu vi gốc từ 1,7m đến 2m), xen lẫn là những cây dẻ tía thẳng tăm tắp cao từ 15m đến 18m. Trên nhiều thân cây rêu xanh đã phủ kín. Khi đi ngang qua những thân cây to, ông thương binh Mai Trọng Chúc lại vỗ vỗ vào thân cây như cái cách mà những người bạn già thân thiết vẫn vỗ vai khi gặp nhau đủ thấy cái tình ông dành cho mỗi gốc cây ở đây sâu nặng đến nhường nào. Đã 20 năm nay, 5 gia đình trong Tổ bảo vệ rừng vẫn cần mẫn chăm sóc, bảo vệ rừng cây. 5 người trong danh sách nhận trông rừng ban đầu nay chỉ còn lại 3, 2 thành viên đã mất mà chưa kịp nhận được một chút quyền lợi nào từ việc trông rừng. Nhưng không để việc trông rừng bị gián đoạn dù chỉ một ngày, vợ con họ lại tiếp quản công việc. Bà Khương vợ ông Nguyễn Minh, sau khi chồng mất đã 10 năm nay đã cùng với con trai làm công việc trông rừng thay chồng. Bình thường, mỗi thành viên luân  phiên đảm nhiệm tuần rừng trong vòng 10 nhưng chỉ cần một tiếng động lạ phát ra từ rừng hay ai đó phát hiện có gì bất thường và thông báo thì dù trời có nắng hay mưa, dù là đêm hay ngày chỉ trong chốc lát các thành viên khác đều sẽ có mặt. Với trữ lớn gỗ quý hiếm, rừng xóm Luông hiện có giá trị hàng tỷ đồng.

 

Cần cơ chế xứng đáng cho người trông rừng

 

Năm 2004, thời hạn hợp đồng trông rừng kết thúc, cũng là thời điểm Trạm Thí nghiệm lâm nghiệp Hóa Thượng giải thể. Theo nội dung hợp đồng, rừng lim xanh xóm Luông đã đến tuổi khai thác và những người trong Tổ bảo vệ rừng sẽ được hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng. Thế nhưng, xác định đây là rừng gỗ quý, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và lưu giữ nguồn gen bản địa quý hiếm nên các cơ quan chức năng đã giao lại cho UBND xã Hóa Thượng quản lý, yêu cầu không cấp phép khai thác và ra quyết định cần phải bảo vệ rừng, cấm tuyệt đối mọi hành vi xâm hại rừng. Rừng không được bán đồng nghĩa với quyền lợi của các gia đình trông rừng không được thực hiện.

 

Với tình yêu và trách nhiệm với rừng, 5 hộ dân thuộc Tổ bảo vệ đã tự nguyện tiếp tục trông coi và bảo vệ rừng xóm Luông dù đã hết hợp đồng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, lại không có tư cách pháp lý nên các gia đình trong Tổ không thể đảm đương tốt công việc giữ rừng. Hiện nay, rừng xóm Luông đang có dấu hiệu bị xâm hại. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến những hố rộng chừng 4 m2 đến 5m2 còn nham nhở tại rừng do việc đào gốc lim để lại. Có nhiều cây gốc chu vi tới trên 3m. Thời gian qua, một số đối tượng là thanh niên ở xã đến đào lấy đi, thậm chí họ dùng cả xe ô tô và máy xúc vào để đào và vận chuyển gốc lim. Ông Mai Trọng Chúc cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số lượng gốc lim bị đào mang đi đã lên tới vài chục gốc. Tổ bảo vệ rừng đã can ngăn, dùng lý lẽ nhưng không cản được. Khi chúng tôi báo cáo tới các cơ quan chức năng thì họ không có mặt kịp thời hoặc trả lời rằng gốc cây không có giá trị nên cho phép đào”. Ông Nguyễn Như Việt lo lắng: “Chứng kiếm cảnh này chúng tôi xót lắm. Từ đào gốc cây đến việc xâm hại cây rừng chỉ là vấn đề thời gian bởi mỗi cây lim lớn có giá trị đến cả chục triệu đồng. Những thành viên trong Tổ đều đã có tuổi, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp sớm giải quyết chế độ cho chúng tôi, đó là công sức mà chúng tôi đã bỏ ra trong suốt 20 năm, để chúng tôi yên tâm tiếp tục giữ rừng”. Những người thực hiện bài viết thật sự cảm thấy chạnh lòng khi nghe bà Khương thở dài: “Ông nhà tôi đã mất rồi, còn tôi không biết trước khi chết có kịp được ăn miếng cơm nào từ công trồng rừng không?”

 

Tiếp tục giữ và phát triển rừng ở xóm Luông là chủ trương đúng đắn của các cơ quan chức năng. Tuy vậy, để rừng tiếp tục được bảo vệ an toàn cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương và Tổ bảo vệ rừng, đồng thời ngành chức năng cần sớm xem xét giải quyết chế độ hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho những người trực tiếp trông giữ rừng.