Người tiêu dùng lo lắng về phụ gia trong mì gói

16:46, 08/07/2011

Kể từ khi truyền hình phát quảng cáo nói rằng mì có màu đậm là độc hại, không ít bà nội trợ đã chuyển hẳn sang loại màu nhạt, thậm chí còn chịu đắt gấp đôi gấp ba để mua mì Hàn Quốc, Nhật Bản cho an toàn.

 

Đứng mua hàng tại một đại lý lớn trên đường Thái Hà, chị Quyên (Đê La Thành, Hà Nội) cho hay quảng cáo trên đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý tiêu dùng của gia đình chị. "Ngày trước mình cũng không quan tâm lắm đến việc lựa chọn loại mì nào nhưng sau khi xem quảng cáo trên Tivi là vắt mì nào cho vào nước mà có màu vàng đục tức là có phẩm màu độc hại, mình cũng thấy hơi lo nên hôm nay định sẽ mua một thùng mì loại thành phần không có E102", chị Quyên nói.

 

Cũng như chị Quyên, chị Ngọc (Thái Thịnh, Hà Nội) trong lúc chọn sản phẩm trong siêu thị gần nhà đã nghiêng hẳn về những gói mì được quảng cáo không có chất phụ gia E102. Chị đã mua hơn chục gói mì loại này và chỉ 2, 3 loại mì khác. Chị giải thích, vì hai đứa con của chị vẫn thích ăn mì xào nên vẫn mua một vài gói để chiều các cháu, chứ người lớn trong gia đình chị giờ đây chỉ chọn ăn loại không có phẩm màu. Chị chia sẻ là trong thời gian tới sẽ cố hướng các cháu ăn mì không có phẩm màu để đảm bảo sức khỏe.

 

Chị Thạch Thảo ở T.P HCM thậm chí chuyển hẳn sang mua mì Hàn Quốc, loại có màu trắng ngà, cho cậu con trai của mình. "Dù đắt hơn gấp đôi, nhưng an toàn cho con nên mình phải đổi", chị Thảo tâm sự.

 

Trên nhiều diễn đàn mạng, các bà mẹ còn kháo nhau nếu mua mì ăn liền thì nên xem kỹ thành phần và chỉ chọn loại không có phẩm màu vàng E102 để tự cứu mình.

 

Tâm lý lo lắng của người tiêu dùng bắt đầu rộ lên sau khi Công ty Masan quảng cáo cho sản phẩm mì mới với tuyên bố không dùng chất màu tổng hợp E102, vì coi đây là chất không tốt cho sức khỏe, đã bị cấm sử dụng tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Cũng theo mẩu quảng cáo này, khi cho vắt mì vào nước, nếu thấy màu đậm là không tốt cho sức khỏe.

 

Chính bởi tâm lý lo ngại trên của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng nên số lượng bán ra của các loại mỳ gói tại nhiều đại lý có xu hướng thay đổi.

 

Bác An, chủ cửa hàng đại lý trên phố Tây Sơn (Hà Nội) kể, gần hai tuần nay không phải nhập thêm những loại mì trên bao bì ghi thành phần E102, vì vẫn còn nhiều. Nhưng loại được quảng cáo là không có chất này và đặc biệt là mỳ Nhật, Hàn Quốc, lượng bán ra tăng tới gần chục thùng một tuần so với trước. "Khách đến mua chỉ chăm chăm chọn loại nào không có phẩm màu vàng và chọn mua nhiều hơn mì của nước ngoài vì vắt mì của các hãng đó có màu vàng rất nhạt", bác An cung cấp.

 

Sau quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty Masan, Acecook Việt Nam đã có văn bản khiếu nại lên Cục quản lý cạnh tranh và yêu cầu ngừng truyền thông. Thị trường người tiêu dùng cũng phần nào hoang mang khi đa phần các sản phẩm mì gói ở Việt Nam đều chứa phẩm vàng tổng hợp E102, bao gồm cả mì Tiến Vua (cũ) và Omachi của chính công ty Masan.

 

Ông Kajiwara Junichi,Tổng Giám đốc công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, lượng bán hàng của công ty cũng bị ảnh hưởng vì lý do hiệu ứng sản phẩm mới và quảng cáo của Masan.

 

Tuy nhiên, quản lý của một số siêu thị, thị phần mì gói không mấy thay đổi vì vẫn có một bộ phận người tiêu dùng giữ thói quen và sở thích cũ. Họ cho rằng các gói mì trên thị trường đều được cấp phép đầy đủ và đã ăn uống nhiều năm nay nhưng chưa từng gặp vấn đề gì về sức khỏe.

 

Chị Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách truyền thông của hệ thống siêu thị Big C Miền Bắc và Miền Trung khẳng định sau quảng cáo trên, số lượng mì bán ra của các hãng mì ngoài Masan vẫn ổn định.

 

Một quản lý của hệ thống siêu thị tại Hà Nội cho biết, việc kinh doanh các loại mì gói vẫn bình thường. Chị này cung cấp thêm, cuối tháng 6 vừa rồi, số lượng bán ra của loại mì Tiến Vua có tăng hơn nhưng đó là do hãng này có chương trình khuyến mãi, giảm 500 đồng mỗi gói và mua chục gói, được tặng một chai tương ớt.

 

Một quản lý cao cấp của hệ thống phân phối hàng tiêu dùng khác còn thẳng thắn từ chối đưa thông tin khi cho rằng đó là cuộc chiến của các bên liên quan. Và họ đều là khách hàng lớn của công ty chị nên không thể tiết lộ.

 

Trước phản ứng đa chiều của người tiêu dùng về vấn đề này, GS, TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm của Bộ Y tế cho rằng người tiêu dùng không nên hoang mang.

 

Theo Giáo sư, E102 là chất phụ gia vẫn được cho phép sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Nếu dùng trong hàm lượng cho phép (300mg/ mỗi kg mì) thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của người trưởng thành. Với trẻ nhỏ, tiêu chuẩn về hàm lượng này thấp hơn.

 

Tuy nhiên, GS, TS Trần Đáng cũng đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng là khi chọn mua mì gói, khách hàng cũng cần xem kỹ thành phần ghi trên bao bì để chọn những sản phẩm có hàm lượng E102 trong giới hạn cho phép của Bộ Y tế.