Nhọc nhằn đời kéo xe

09:37, 24/11/2011

Mỗi người một hoàn cảnh, vì không có công việc làm, không có vốn liếng, họ đành chấp nhận ra đường kiếm sống bằng nghề kéo xe ba gác, đạp xích lô...

Đổi mồ hôi lấy cơm ăn. Câu nói này tôi được nghe từ các bác kéo xe cải tiến ở góc sân Quảng trường 20-8 (T.P Thái Nguyên). Mỗi người một hoàn cảnh, vì không có công việc làm, không có vốn liếng để... mua đầu chợ, bán cuối chợ lấy công làm lãi, họ đành chấp nhận ra đường kiếm sống bằng nghề kéo xe ba gác, đạp xích lô.

 

Ông Nguyễn Văn Yên, 71 tuổi, nhà ở tổ 4 (phường Trưng Vương) là một điển hình của những người làm nghề kéo xe. Ông bảo:

 

- Có lẽ đời sinh ra tôi là để kéo xe.

 

- Duyên cớ để hai vai ông gắn vào đôi càng xe là vì đâu ?

 

- Vì thất nghiệp, đói đầu gối phải bò và vì duy trì sự sống cho mọi người trong nhà.

 

Năm 1964, ông Yên mang sức lực điền đi làm công nhân ở vùng biên viễn Lai Châu. Đời công trường ăn lán, ngủ vệ đường gian khổ là thế nhưng cũng còn có việc để làm, để sống. Năm 1979, đơn vị giải thể, như bao người lao động khác, ông về quê ra chợ bán sức lao động bằng nghề bốc vác thuê. Đến tuổi "Tri thiên mệnh" - ngoài năm mươi, ông không muốn để người đời gọi việc như gọi kẻ đầy tớ, mới dồn được hơn 1 triệu đồng, mua chiếc xe ba gác để chuyển đổi sang hình thức "làm ăn" khác.

 

- Ngày ông kiếm được bao nhiêu tiền? Tôi hỏi

 

- Có ngày được gần 100 nghìn đồng, nhưng cũng có lúc vài ba ngày chẳng ai người ta thuê.

 

Vừa khi ấy một thanh niên nhếch nhác kéo chiếc xe không đến, anh ta dùng chiếc khăn mặt cáu bụi vắt trên vai lau mồ hôi, bảo: Cũng chẳng còn biết làm nghề gì, nên sắm cái xe ba gác, ra đứng đường ai thuê gì kéo nấy, nhúc nhắc ngày cũng được dăm, ba chục nghìn đồng. Một người khác nửa nằm, nửa ngồi trong lòng xe, mắt lim dim nhưng không ngủ, giọng trầm buồn góp chuyện: Mồ hôi chưa ướt lưng áo, có nghĩa là ê sắc ế việc ông ạ.

 

- Cũng may là sớm nay chưa có nhiều người thuê các bác đi làm. Tôi nói.

 

- Ông lại mong chúng tôi thất nghiệp à? Một người tự ái nói.

 

- Nằm đây, tối về vác rá đi ăn vay đấy ông ạ... Một người khác bảo.

 

Bên một góc đường có mấy bác xe ngựa, xe xích lô và xe ba gác kéo tay xúm xít quanh chiếc bàn cờ. Nước pháo lồng của anh đánh xe ngựa làm bác kéo xe tay vã mồ hôi vì chưa tìm được nước gỡ. Chợt một người đứng dậy, bảo:

 

- Sáng nay, chưa có gì cho vào bụng.

 

Từ bên kia đường, anh Trần Văn Thái khập khễnh trở về bên chiếc xe ba gác của mình. Anh Thái ở cùng mẹ già gần 80 tuổi ở tổ 2 ( phường Trưng Vương). Anh bị tật nguyền bẩm sinh, nói ngọng, chân què, tay khoèo. Anh bảo:

 

-Tôi học dở lớp 4 thì ra đường kiếm sống. Ai sai gì, làm nấy. Cái càng xe ba gác này gắn vào cổ tôi từ gần 30 năm nay.

 

- Có hôm trời nắng, mặt đường như bốc hỏa, trên đầu mặt trời rọi vào gáy, muốn gục xuống nhưng vẫn phải cố nhoai người mang hàng trả đúng địa điểm. Ông Yên kể.

 

- Phải hôm trời mưa thì... anh Thái nói như mắc nghẹn.

 

Nặng nhọc như thế, vậy mà cũng có không ít phụ nữ chịu dấn thân vào cái nghề xe kéo như chị Thu (Phú Bình). Chị đang gồng sức, vừa vít càng, vừa kéo cho chiếc xe ba gác chất đầy những tấm tôn cũ, dài thuột chạy trên đường phố. Chị Thu bảo: Ước gì có tiền, em sẽ mua một con ngựa để kéo xe thay mình. Cũng phận nhi nữ, chị Xuân ( phường Trưng Vương) đang nhí nhoáy trên tay chiếc điện thoại di động. Chị bảo: Nhà không có ruộng cấy, nên chồng làm xe ngựa, tôi làm xe ôm. Ơn trời phú cho sức khỏe, nên vợ chồng tôi ngày cũng kiếm được hơn trăm nghìn đồng để nuôi 2 đứa con ăn học. Có mặt ở gần đó, ông Nguyễn Minh Đức (phường Phan Đình Phùng) đạp xích lô góp chuyện:

 

- Vợ chồng nhà Xuân có sức, nên không khổ như mọi người ở đây.

 

Ngày trước, ông Đức cũng đi làm công nhân ở Công ty Kim loại màu, năm 1989, thôi việc, ông về nhà đi làm thuê. Gia đình ông Đức hiện có 5 nhân khẩu, hằng ngày chồng đi đạp xích lô, vợ đi nấu cơm thuê. Do kinh tế khó khăn, nên 3 người con của vợ chồng ông Đức không được học hành đến đầu đến đũa, lớn dậy kế theo nghiệp bố mẹ - đi làm thuê.

 

Thu nhập bấp bênh, nên việc đi mua chịu, ăn vay được các bác kéo xe coi như chuyện thường ngày. Cuộc sống của anh Thái bị tật nguyền, ông Yên già lão cũng không tránh khỏi chuyện ăn uống đắp đổi. Song cái nghề kéo xe nó vận vào đời, nói đúng hơn cũng vì bát cơm ăn hằng ngày của mỗi người, vì thế nguồn vui của họ là hằng ngày được mang sức khoẻ của mình ra đường, bán.

 

- Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống còn có kẻ chưa bằng mình. Ông Yên nói.

 

- Dù sao cũng còn hơn mấy thanh niên hằng ngày vác bao tải đi nhặt rác. Anh Thái nói.

 

Thế mới hay, ở nơi những con người lam lũ, gian khó nhất trong xã hội, con người ta vẫn luôn có niềm tin để sống. Như anh Thái bị tật nguyền bẩm sinh, kéo xe phụ giúp tiền nuôi mẹ già cũng có những người đàn bà cảm thương, muốn cùng chia sẻ hạnh phúc, nhưng anh khước từ, vì lo mình tật nguyền làm... người ta phải khổ lây. Còn ông Yên, hằng ngày ra đường làm nghề kéo xe, nuôi thân và cưu mang thêm 2 đứa cháu ngoại. Thương cảnh ông nghèo, Chi hội Người cao tuổi ở tổ 4, Bến Tượng và bà con trong tổ dân phố đã quyên góp, giúp ông sửa lại ngôi nhà cũ để tránh mưa, nắng.

 

...Hôm nay, đã gần trưa, những người kéo xe ba gác thuê vẫn ngồi đấy, nhìn dòng người đi lại tấp nập. Tôi chợt lây buồn vì biết rằng: Với họ, khi mồ hôi chưa ướt áo, khi đôi chân chưa cuồng mỏi thì cái dạ dày vẫn còn lép kẹp.