Xác định thành phần dân tộc đối với nhóm người Cao Lan

16:05, 23/11/2011

Ngày 23-11, tại Thái Nguyên, Viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thảo xác định thành phần dân tộc đối với cộng đồng người dân tộc Cao Lan (thuộc Sán Chay).

Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê tháng 3-1979, Cao Lan và Sán Chí cùng thuộc dân tộc Sán Chay. Trước đó, 2 nhóm này còn được coi là một bộ phận của dân tộc Dao, có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc, di cư sang Việt Nam theo đường Hoàng Bồ (tỉnh Quảng Ninh), sau đó sang Lạng Sơn, Thái Nguyên từ 300-400 năm trước đây.

 

Tại Thái Nguyên, dân tộc Sán Chay có khoảng 33 nghìn người, đứng thứ 2 trong cả nước sau Tuyên Quang, đứng hàng thứ 5 trong các dân tộc của tỉnh. Tất cả các huyện, thành phố của tỉnh đều có người Sán Chay sinh sống, tập trung đông nhất tại các xã: Phú Đô (Phú Lương: 97,1% dân số); Tân Thịnh (Định Hóa: 64,8%)... Người Sán Chí có nhiều tên tự gọi khác nhau như: Sán Chay, Sán Chấy, Sán Chới…, trong khi người Cao Lan cũng được gọi bằng nhiều tên khác: Cao Lan, Hờn Bán, Sán Chấy…

 

Thực tế, người Cao Lan và người Sán Chí có nhiều nét khác nhau cơ bản về tiếng nói, chữ viết và trang phục. Tiếng Cao Lan thuộc nhóm Tày - Thái, tiếng Sán Chí thuộc nhóm Hán - Quảng Đông. Trang phục của phụ nữ Cao Lan là váy chàm, còn phụ nữ Sán Chí mặc quần.

 

Qua khảo sát sơ bộ, hiện nhóm Cao Lan có hơn 15 vạn người, sinh sống tại các tỉnh: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ…Tại hầu hết các địa phương, người dân khi tự kê khai giấy tờ đều ghi là dân tộc Cao Lan, hoặc Sán Chí và không tự nhận mình là dân tộc Sán Chay theo quy định của Nhà nước.

 

Ông Phan Văn Hùng, Viện trưởng Viện Dân tộc khẳng định: Sự cần thiết trong việc xác định thành phần dân tộc và tộc danh cho người Cao Lan nhằm đảm bảo sự phát triển, tiến bộ giữa các dân tộc trong sự bình đẳng và đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhận định này cũng nhận được sự tán đồng của đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo.