Nhọc nhằn dưới ánh đèn đêm

11:24, 04/01/2012

Khi đèn đường bật sáng cũng là lúc nhịp sống nơi vỉa hè trên khắp các nẻo đường thành phố bắt đầu nhộn nhịp.

Đông lạnh, dòng người thưa thớt hơn nhưng công việc của những người mưu sinh bằng quán cóc vỉa hè vẫn đều đều mỗi tối.

 

Ngay cạnh Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên trên đường Quang Trung (Phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên), là quán khoai - ngô nướng của Trần Thị Thúy. Lân la hỏi chuyện mới biết em năm nay chỉ mới 15 tuổi, nhà tận Hà Tây cũ. Thúy theo mẹ ra Thái Nguyên sau khi thi đỗ cấp 3 nhưng không thể theo học vì nhà quá khó khăn. Hai mẹ con em thuê một căn phòng sau Bến xe khách Thái Nguyên, cả mẹ em cũng bán hàng này nhưng ở vỉa hè cạnh Trường Đại học Y. Chỉ một chiếc xe đạp cũ, một chậu nhôm, vài ba cân khoai lang, tầm 30 trái bắp và một ít than… công việc kiếm sống của em bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối. Ngô được bán với giá 6 ngàn/bắp, khoai lang tùy củ to - nhỏ mà có thể bán thấp hoặc cao hơn. Trong khi đó ngô tươi lấy giá 3.500 - 4.000 đồng/bắp, khoai 12-14 ngàn/kg. Những hôm đắt hàng em có thể bán được 300 ngàn cả vốn lẫn lãi, nhưng đó chỉ là những ngày “may mắn”. Cũng có bữa làm cả buổi chỉ đủ tiền vốn vì không bán hết.

 

Trong cuộc trò chuyện, vẫn thấy Thúy còn hồn nhiên quá, em bảo: Mới 15 tuổi mà ai nhìn cũng tưởng em phải ngoài 20 rồi, em già trước tuổi đấy chị ạ. Trong dịp Liên hoan Trà vừa qua, em lân la đến gần mấy chỗ tổ chức sự kiện để bán, ai ngờ bị mấy chú công an phường và trật tự đô thị bắt. Em sợ phát khóc, nhưng sau khi biết rõ hoàn cảnh, các chú thấy thương tình nên tha cho. Bây giờ em chẳng dám ở quá khuya nữa, dạo mới đi bán, thấy hàng còn nhiều nên cứ cố ngồi thêm, lúc về bị mấy người đua xe rú ga, lạng lách, có khi còn bị họ rong xe trêu chọc. Vì sợ mà em ngã đến trấy xước hết cả, chỉ biết khóc thôi.

 

Nhắc đến chuyện học hành, giọng Thúy buồn hẳn: Em năm nào cũng đạt học sinh khá giỏi. Nhưng bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 4 chị em, nhà vỏn vẹn chỉ 5 sào ruộng, vất vả lắm nên em mới phải nghỉ. Ở quê nhiều bạn nhà có điều kiện cho đi học nhưng lại chẳng muốn học mà thích đi làm. Chả bù cho em, thèm đi học mà chẳng được. Em cứ nghĩ, không lẽ mình sẽ bán ngô, khoai nướng mãi sao chị? Câu hỏi của Thúy khiến tôi trùng lòng, trả lời em sao thật khó! Em còn quá trẻ để gắn đời mình với cuộc sống nơi vỉa hè như thế.

 

Cũng trên con đường này, cách chỗ Thúy không xa là nơi bán hàng, tô tượng của Nguyễn Văn Duy, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin Thái Nguyên. Chàng trai 22 tuổi coi công việc này là chỗ lo “cơm áo gạo tiền” của mình. Cũng tất bật bày dọn hàng từ nhập nhoạng đến tận 10 giờ tối, Duy khá vất vả khi phải làm một lúc tất cả các công việc từ chào mời khách, pha màu tô, phun sơn… Sau một hồi luôn tay, Duy cũng có chút thời gian rảnh trò chuyện với tôi: Nhà mình ở Sơn Động, Bắc Giang. Xuống dưới này học được mấy năm rồi, cũng từng đi làm thêm nhưng thấy lương rẻ mạt quá, nhiều khi người ta coi chẳng ra gì nên nghỉ. Qua Internet, mình biết đến việc tô tượng, chưa thấy ai làm nên mình muốn thử xem sao. Hàng phải xuống tận Hà Nội lấy về, mỗi tượng trắng có giá từ 7-10 ngàn. Sau khi được tô và phun sơn thì giá bán là 30-40 ngàn/tượng. Đêm nào trời đẹp, ấm áp hay có dịp lễ gì đó thì bán được nhiều. Mình không bán thường xuyên, một tháng cũng chỉ được tầm 10 ngày rồi lại ngưng vì sợ mọi người chán, vả lại mình còn phải học nữa. Nhưng không phải ngày nào cũng bán được, như những hôm trời lạnh thế này người ta ngại ra đường, ngồi cả buổi cũng chỉ bán được 500 nghìn (cả vốn) là cao.

 

Kể về khó khăn, Duy cười hiền: Buôn bán trên vỉa hè cứ lo nơm nớp, có khi bị công an, tổ dân phố đuổi, vội gom hàng nên vỡ. Những ngày đầu mới dọn hàng ra đây, có một nhóm trai choai choai cứ đến dọa nạt đòi tiền bảo kê, nếu không trả chúng đập phá hàng. Cũng may các bác ngay cạnh đây thương hoàn cảnh đã đe nẹt giúp, sợ chúng sẽ xâm phạm mình, cứ xếp hàng ra là lại nhấp nhổm không yên, xa nhà, ở trọ nên cuộc sống của mình trông chờ vào nó mà. Cuối năm, mình tranh thủ làm nhiều hơn một tí để Tết được thoải mái hơn. Vì loại hàng không thể tùy tiện di chuyển được nên Duy phải gửi ngay gần chỗ bán, cũng phải đóng thêm một khoản phí. Một vị khách ghé đến, Duy mời chào rồi lại nhanh tay pha màu. “Hôm nay trời lạnh hơn mấy bữa trước nên bán được ít quá, chắc mai mình nghĩ. Kiếm sống kiểu này cũng cực lắm, chỉ mong không phải mang nợ vì ế hàng” - Duy chia sẻ.

 

Cho xe chạy chậm trên đường Lương Ngọc Quyến, ngay cạnh Trường Đại học Sư phạm là những quán nước san sát nhau nối dài. Quy mô các quán to nhỏ khác nhau, nhưng gây chú ý với chúng tôi là những “tiểu quán”. Chỉ với một chiếc bàn duy nhất bày các thức uống, dăm bảy chiếc ghế xếp khoanh tròn. Ghé quán nước bác Hồ Thị Tám, trong cái lạnh đến phải xuýt xoa, rót cho tôi cốc nhân trần nóng, giọng bác run run: Mấy bữa nay bác phải dọn hàng sớm vì trời rét ít khách. Người ta chỉ ghé gọi vài loại nước nóng, hút điều thuốc nên thu chẳng được bao nhiêu. Có con cái lo kinh tế nhưng bác vẫn muốn được “tự túc là hạnh phúc”, các con còn có gia đình riêng của chúng, mình còn sức thì còn làm. Bình quân mỗi ngày quán của bác thu 200-300 ngàn (chưa trừ chi phí), quán nhỏ nhưng nếu đắt hàng cũng đảm bảo được cuộc sống cho 2 ông bà. Đang dở chuyện thì nghe tiếng hai thanh niên to tiếng cãi vã cách đó vài quán. Bác Tám chép miệng “không cẩn thận chúng nó lại quậy nát quán thì khổ”. Tiện miệng bác kể: Bán quán nước thôi mà cũng lo ngay ngáy, có nhóm vào uống nước, nói chuyện qua lại một hồi rồi xô xát, chúng lấy cả ly “choảng” nhau đến thương tích. Chủ quán chẳng dám can ngăn mà phải “chạy làng” vì sợ “tai vạ”, cũng chẳng dám đòi tiền nữa mà đành chấp nhận mất không, hư hỏng.

 

Đối diện Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật (phường Thịnh Đán) là quán bán xúc xích, bò cá viên chiên của chị Trần Thị Mai. Đứa con gái mới được 6 tháng tuổi cũng đã phải theo chị hành nghề. Quê gốc ở Hà Nam, hai vợ chồng chị ra Thái Nguyên và đều bán hàng rong trên vỉa hè. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Phú đẩy xe bán bắp luộc và bánh sắn nướng. Khi chúng tôi ghé qua, chỉ mới tầm 8 giờ tối nhưng chị đã chuẩn bị về. “Em ra đây từ 5 giờ chiều, phải dọn sớm vì không thể để con nhỏ phơi sương được”. Vừa bế con cho vợ dọn hàng, anh Phú tâm sự: Bán hàng rong như thế này cuộc sống bấp bênh lắm, nhiều hôm không bán được hàng phải đổ ra thùng rác cho người ta nhặt nuôi lợn. Bữa nọ khi đang đẩy xe lên trên vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ, anh bị một phen hú hồn khi thấy nhóm thanh niên rượt đuổi tới, chúng vác gạch đá ném tứ tung, vung dao chém nhau… chả biết phải làm sao, anh phải vứt cả xe mà chạy “lánh nạn”. Còn chuyện bị đám người đua xe va quệt đến hỏng xe, đổ hàng hóa xuống đường thì chẳng hiếm.

 

Đó là kết quả của một buổi đêm đông dạo quanh thành phố của tôi. Chưa phải là nhiều, chỉ với chừng ấy mắt thấy tai nghe cũng đủ làm tôi xúc động nhưng lại thầm ái ngại. Nhờ hoạt động trên vỉa hè mà thành phố khi sáng đèn đầy sức sống và đẹp nên thơ. Nhưng có lẽ còn cơ số người chưa biết, phận người mưu sinh trên vỉa hè mỗi đêm ấy thật lắm nỗi nhọc nhằn.