Chuyện ở đảo Phan Vinh

15:20, 08/02/2012

Trên hòn đảo tiền tiêu mang tên người Thuyền trưởng Anh hùng Nguyễn Phan Vinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã không làm hổ thẹn hương hồn người ngã xuống.

Xuồng vừa tới bến, chúng tôi cùng nhảy ùa xuống nước, hăm hở lội vào bờ, rồi theo nhau leo cầu thang lên đảo Phan Vinh, hòn đảo nổi cấp 3 trên quần đảo Trường Sa, mang tên người Thuyền trưởng Anh hùng Nguyễn Phan Vinh.

 

Đây là chuyến đi đổi quân của bộ đội Trường Sa, nên chúng tôi may mắn gặp gỡ trên đảo các cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh A, Phan Vinh B chuẩn bị về đất liền đoàn tụ cùng gia đình và cán bộ, chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ. Mỗi người một tâm trạng, nhưng niềm vui của buổi tao phùng đầy ắp. Bên chiếc bàn kê dưới gốc cây bàng vuông, Trung tá Trần Văn Nhật, nguyên Đảo trưởng đảo Phan Vinh A đãi đằng chúng tôi bằng câu chuyện đầy niềm tự hào.

 

Anh kể: Mùa khô năm 1967, sau những thất bại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam, chiến lược “chiến tranh cục bộ của Mỹ” bị phá sản Đảng ta chủ trương chuyển cuộc cách mạng của nhân dân miền Nam sang một thời kỳ mới. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã vạch kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam với thời gian ấn định vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Trong cuộc tiến công chiến lược này, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tế vũ khí cho quân dân miền Nam. Con tàu C235 thuộc đoàn tàu không số mang 14 tấn vũ khí do Thuyền trưởng, Trung uý Nguyễn Phan Vinh chỉ huy, dự kiến tàu sẽ vào bến Hòn Hèo chi viện cho quân dân Khánh Hòa. Quân số của chuyến đi này gồm 20 cán bộ, chiến sĩ. Khi tàu cách Nha Trang khoảng 10 hải lý thì bị địch phát hiện. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu nhằm thẳng hướng Hòn Hèo để thả hàng và sẵn sàng chiến đấu. Lúc tàu cách Hòn Hèo gần 6 hải lý thì gặp 5 tàu tuần tiễu của Hải quân ngụy dàn hàng ngang, sau đó còn có thêm 3 chiếc tàu lớn của hạm đội hải quân ngụy. Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù, cho tàu đến đúng vị trí bến quy định là một địa điểm thuộc xã Ninh Phước - Ninh Hòa (Khánh Hòa), anh cho thả hàng xuống biển và nhanh chóng di chuyển tàu sang vùng biển xã Ninh Vân.

 

Trên biển, tàu chiến địch thắt chặt vòng vây và gọi thêm cả máy bay lên thẳng yểm trợ. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Máy chính của tàu bị hỏng, tàu không thể cơ động được. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định hủy tàu. Anh cùng đồng đội đã chiến đấu quả cảm và cùng thượng sĩ cơ điện Ngô Văn Thứ dành quả lựu đạn cuối cùng cho mình.

 

Trong trận đánh ác liệt này, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại trên biển Hòn Hèo, nhưng toàn bộ số vũ khí không bị rơi vào tay địch. Sau trận chiến đấu, tập thể tàu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công. Cá nhân Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, sau này được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 25-8-1970, Nguyễn Phan Vinh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, đảo Hòn Sập được thay bằng tên của người Anh hùng Nguyễn Phan Vinh.

 

Khi tân Đảo trưởng, Thiếu tá Hoàng Văn Phước đưa chúng tôi dạo bộ một vòng quanh đảo Phan Vinh, điều dễ cảm nhận được ở đây là sóng biển mạnh mẽ cùng những trận gió thét gai người. Sóng từ 4 phía cùng ập vào, sóng mang từ biển lên đảo cả những viên đá to bằng chiếc mũ cối. Mỗi buổi sáng, các cán bộ, chiến sĩ lại hò nhau mang trả đá san hô về biển. Và giữa trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã xây dựng nên một hòn đảo xanh, sạch đẹp ngay giữa khốc liệt của biển cả.

 

Bàng vuông, tra, dừa và cây phong ba ken tán toả bóng làm nắng biển dịu nóng. Trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi cảm nhận được từ sâu thẳm niềm riêng của mỗi người, họ đã thầm nhủ khi đến đây làm nhiệm vụ, trọng trách đặt lên vai, để hoàn thành được phải nhờ rất nhiều vào tinh thần đoàn kết. Và hơn thế nữa, mọi người trên đảo cùng có chung lý tưởng, nhịp thở nên sẵn lòng chia sẻ cho nhau cả nỗi nhớ về người thương ở quê xa. Trong khi đi thăm đảo, chúng tôi thấy những chiếc quạt gió chạy phành phành như có máy bay trực thăng chuẩn bị hạ cánh. Thiếu uý Lý Xuân Ngọc, nhân viên quản lý nhà trạm năng lượng của đảo cho biết: Từ nhiều năm nay, đảo đã có điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhà trạm có tổng công suất điện 70kw, bảo đảm cung cấp điện cho toàn đảo 24/24 giờ.

 

Có điện sinh hoạt, đời sống của bộ đội được nâng cao hơn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ khi ra đảo còn tự trang bị cho mình máy vi tính cài mạng 3G để đọc báo mạng, chát về đất liền với người thân. Tối, cán bộ, chiến sĩ không phải trực gác thì rủ nhau lên hội trường xem tivi, hoặc nằm nghỉ tại phòng đọc sách, báo, nghe đài, chơi cờ tướng. Hằng ngày, sau giờ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ từ các phân đội lại tham gia các hoạt động thể thao như chơi bóng bàn, bóng chuyền, tập xà, cử tạ và dành một khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày chăm sóc cho cây xanh trên đảo, chăn nuôi lợn, gà, ngan để cải thiện đời sống. Thấy mấy chiến sĩ lúi húi làm cơm, canh, tôi vào khu nhà ăn, mở lồng bàn thấy bày trên đó các món thịt lợn luộc, xào và bát canh xương. Đặc biệt trên các mâm còn có một đĩa lá bàng vuông, lá cây tra bày thật đẹp mắt. Một chiến sĩ cho biết: Bộ đội trên đảo ăn lá bàng, lá cây tra cho đỡ nhớ rau xanh.

 

Tôi thầm nhủ, trên hòn đảo tiền tiêu mang tên người Thuyền trưởng Anh hùng Nguyễn Phan Vinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã không làm hổ thẹn hương hồn người ngã xuống. Các anh đã vượt lên tất thảy mọi khó khăn, sự khắc nghiệt, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.