Quan hệ giữa doanh nghiệp với người dân: Để “cơm lành, canh ngọt”

16:35, 29/03/2012

Sự việc người dân xóm Khe Nác, xã Yên Đổ (Phú Lương) gây mất trật tự công cộng, cản trở hoạt động của Chi nhánh Khai thác và Chế biến khoáng sản Việt Bắc thuộc Công ty Liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc xảy ra vào cuối năm ngoái, đến nay đã tạm lắng. Nhưng bài học về xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp với người địa phương thì sẽ không bao giờ cũ.

Tháng 10/2011, hàng trăm người dân xóm Khe Nác đã kéo vào khu xưởng sản xuất của Chi nhánh Khai thác và Chế biến khoáng sản Việt Bắc để phản đối hoạt động của đơn vị; nhiều người dân đã ném gạch đá vào nhà xưởng, cán bộ, công nhân; rải đinh ra đường cản trở việc đi lại của cán bộ, công nhân Chi nhánh; phá đường vào xưởng; thậm chí đổ cả bùn đất vào nhà ăn của cán bộ, công nhân và còn nhiều hành động mang tính bạo lực khiến Công ty phải cho ngừng hoạt động và nhờ đến lực lượng công an can thiệp. Sự việc này đã phá vỡ sự bình yên vốn có của một vùng quê và làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến quá trình chạy thử nghiệm của Công ty Liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc.

 

Trước tình hình trên, UBND huyện Phú Lương đã có cuộc làm việc với Công ty và bà con xóm Khe Nác. Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nguyên nhân của sự việc là do cả 2 phía, bà con trong xóm thiếu bình tĩnh còn Công ty, khi triển khai việc xây dựng, lắp đặt xưởng tuyển lại chưa phối hợp chặt chẽ với xã, xóm, chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về quy trình sản xuất, mức độ ảnh hưởng môi trường, phân tích rõ mặt lợi, mặt hại khi đặt Chi nhánh tại đây.

 

Chỉ sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đến làm việc với Công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường, sau đó yêu cầu Công ty công khai cam kết bảo vệ môi trường và quy trình sản xuất trước dân, Công ty mới nhận thức rõ vấn đề là khi triển khai hoạt động ngoài việc được Nhà nước cho phép, cần phải được sự ủng hộ của nhân dân, mà để có được sự ủng hộ này cần phải thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với người dân.

 

Ông Phạm Đàm Chung, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Sau khi nhận thức rõ vấn đề, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu về quy trình chế biến khoáng sản của Công ty. Theo đó, quặng sau khai thác được chở về tập kết tại sân ga của xưởng tuyển sau đó đem trung hòa, đập thô rồi tiếp tục đập nhỏ và nghiền, khâu nghiền được làm việc theo sơ đồ vòng kín rồi mới thực hiện tuyển, sản phẩm cuối cùng là tinh quặng của kẽm được đưa vào tập trung tại các bể lắng.

 

Nhằm không để bể lắng rò rỉ ra ngoài, Công ty đã xử lý bằng biện pháp tối ưu đó là trải bạt toàn bộ bể lắng. Do vậy, việc chế biến khoáng sản hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến môi trường, các chỉ số về tiếng ồn, chất thải, không khí đều dưới mức độ cho phép. Để giúp nhân dân tận mắt chứng kiến các đơn vị chế biến khoáng sản tương tự để người dân đánh giá một cách thực tế nhất, Công ty cũng đã tổ chức cho một số người dân đi tham quan tại Mỏ Bằng Lũng, Chợ Đồn (Bắc Kạn).

 

Bên cạnh đó, Công ty còn thường xuyên đến thăm hỏi các gia đình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ để 2 bên hiểu nhau. Qua đó, nhân dân Khe Nác đã thực sự hiểu được hoạt động của Công ty, thấy được lợi ích khi con em mình nộp hồ sơ vào làm việc tại Công ty.

 

Sau hơn 3 tháng kể từ khi xảy ra sự việc, chúng tôi có dịp trở lại địa phương, tham quan một vòng cơ sở sản xuất của Công ty, những gì chúng tôi ghi nhận được là hoạt động sản xuất ở đây đã đi vào ổn định, từng bộ phận chuyên môn đã vào nền nếp. Hiện, Chi nhánh có 110 cán bộ, công nhân và chuyên gia đang làm việc ở gần 10 bộ phận. Đặc biệt, thái độ và những ý kiến của người dân địa phương đối với Công ty giờ đây đã có sự thay đổi hoàn toàn.

 

Ông Dương Văn Năm cho biết: Trước đây, do chúng tôi không hiểu được quy trình sản xuất của Công ty cứ nghĩ rằng việc Công ty sử dụng hóa chất sẽ gây độc hại cho sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sản xuất nên đã không ủng hộ hoạt động của Công ty, nhưng sau khi được giải thích, tận mắt xem quy trình chế biến và cách thức xử lý những ảnh hưởng về môi trường chúng tôi mới thấy mình đã… lo xa. Giờ hiểu ra, chúng tôi rất phấn khởi khi Công ty đóng chân tại đây, nhất là Công ty đã giải quyết việc làm cho con em chúng tôi. Con trai tôi trước chỉ ở nhà làm ruộng, giờ được vào làm công nhân trong Công ty với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống nhờ đó đã khá hơn nhiều. Ngoài con trai tôi, hiện cả xóm có trên 20 người là dân trong xóm vào làm tại Công ty.

 

Công ty Liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc được tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh  vực chế biến khoáng sản tại Phú Lương từ năm 2008. Đến đến năm 2009 đơn vị bắt đầu thành lập bộ máy, năm 2010 tiến hành xây dựng xưởng tuyển nổi kẽm chì Cuộc Nắc giữa vùng núi đá Khe Nác - nơi có bà con đồng bào dân tộc Dao đã sinh sống. Quy mô xưởng rộng 7,1ha với các hạng mục như: Nhà xưởng, kho tàng, nhà văn phòng, nhà ăn công nhân, nhà để xe, bãi thải… Theo thiết kế, công nghệ tuyển quặng được sử dụng là công nghệ tuyển nổi, sử dụng hóa chất để lấy tinh quặng kẽm với sản lượng thiết kế 150 tấn/ngày đêm, tương đương với 45 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm. Tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng.

 

Năm 2011, xưởng hoàn thành đưa vào khai thác thử, theo kế hoạch tháng 5-2012, đơn vị sẽ đi vào vận hành chính thức. Nhưng đơn vị vừa mới chạy thử nghiệm thì đã xảy ra sự việc trên. Qua sự việc này cho thấy, đây là thực tế rõ nhất chứng minh việc cần thiết phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp với người dân trong việc phát triển công nghiệp sau này.