Bộ trưởng Bộ Công thương: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa

15:34, 12/11/2012

Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.

Giải trình về vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu ngành Công Thương khi để xảy ra một lượng tồn kho lớn như hiện nay, Bộ trưởng Công thương giải thích: So với thời điểm đầu tháng 6, tồn kho tính đến 1/10 tại khu vực công nghiệp chế biến – chế tạo đã giảm từ 26% xuống 20%, thấp hơn cả cùng kỳ năm 2011; một số ngành khác như: Than (6,5 triệu tấn, tương đương 19%), thép (190.000 tấn) còn cao; đồng thời thừa nhận, công tác quy hoạch, giám sát, quản lý nhập khẩu chưa tốt (với ngành thép).

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, trong thời gian vừa qua, có dư thừa lượng sắt thép và trong một số lĩnh vực khác, đây là sự yếu kém trong công tác điều hành, trong kiểm tra công tác quy hoạch. Đứng trước tình hình như vậy, công tác dự báo còn hạn chế; vai trò của các cơ quan nhà nước cần phải nâng cao; sớm cảnh báo, khuyến cáo, nhắc nhở các doanh nghiệp bố trí sản xuất phù hợp, tránh tình trạng cứ sản xuất mà không tính đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Thêm nữa, bản thân các doanh nghiệp cũng nên chủ động, xem xét, phân tích thị trường để kịp thời có điều chỉnh trong sản xuất. Tuy vậy, về hạn chế này, trong những tháng vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp rút kinh nghiệm và chủ động hơn trong việc bố trí sản xuất, nên một lượng mặt hàng tồn kho đã giảm.

 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: Vì sao Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam?

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải về xây dựng thương hiệu đối với các nông sản Việt Nam: Thời gian qua, việc này đã được các cấp, các ngành quan tâm; hiện đã xây dựng được Hội đồng thương hiệu quốc gia. Hàng năm, Hội đồng này đều có yêu cầu các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các địa phương đăng ký thực hiện thủ tục. Trên thực tế thời gian vừa qua, chúng ta đã có một số nông sản có thương hiệu như: Bưởi Năm Roi, Vú sữa Lò Rèn, Thanh long Ninh Thuận… Những sản phẩm này tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu có uy tín với quốc tế, kể cả với những thị trường "khó tính" trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ: Đó mới chỉ là bước đầu, cái khó của chúng ta đó là thương hiệu gạo. Muốn có thương hiệu gạo phải sắp xếp quy hoạch lại vùng nông nghiệp, đặc biệt chú trọng mô hình cánh đồng mẫu lớn, là một trong những phương thức giúp chúng ta có sản phẩm hàng hóa chất lượng đồng đều, chi phí hợp lý hơn. Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng phải tích cực hơn trong việc quảng bá, tuyên truyền cho người nông dân nhận thức được chủng loại gạo và đáp ứng được yêu cầu thị trường; tích cực tham gia vào các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị toàn cầu…

 

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề thị trường trong nước đang có sự bất ổn về thực phẩm, về rau quả, về gia cầm, hàng hóa tiêu dùng, quần áo, đồ chơi trẻ em…, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, tình hình hiện nay dù đã cố gắng nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý thị trường; trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại.

 

Làm thế nào để hạn chế? Chúng ta đã có những quy định pháp lý liên quan đến hàng nhập khẩu, trong đó có các văn bản hướng dẫn thi hành, có các thông tư của các Bộ, ngành ban hành các quy phạm, quy chuẩn đối với chất lượng hàng nhập khẩu như: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề kiểm dịch, vấn đề nồng độ, các chất không được phép có mặt trong sản phẩm hàng hóa… Nhất là trong thời gian gần đây, hàng độc hại, hàng kém chất lượng có xu hướng tăng nhanh hơn, nên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực hơn trong việc xây dựng an toàn kỹ thuật hay gọi là xây dựng hàng rào kỹ thuật. Mặc dù vậy, những mặt hàng này vẫn diễn biến phức tạp.

 

Nếu như hàng hóa được nhập khẩu qua con đường chính ngạch, tức là thông qua các cửa khẩu hoạt động, có đầy đủ các cơ quan chức năng: Hải quan, kiểm dịch, bộ đội biên phòng… thì có khả năng ngăn chặn được các mặt hàng kém chất lượng, độc hại này. Tuy nhiên, phần nhiều qua khảo sát, những hàng hóa này xâm nhập vào thị trường là qua con đường buôn lậu, qua đường mòn trải rộng trên đường bộ, chưa có điều kiện kiểm soát được hết  hàng hóa xâm nhập qua con đường này vào sâu trong thị trường. Do vậy, để làm tốt vấn đề này, thời gian tới, các Bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.

 

Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm nhiều trường hợp chưa đủ sức răn đe, cho nên hiện tượng tái phạm vẫn xảy ra ngày càng nhiều. Điều kiện thực thi công vụ bằng lực lượng, bằng công cụ còn nhiều bất cập, phương tiện hiện nay còn thiếu và yếu. Đây là hướng đi trong thời gian tới cần tập trung giải quyết, khắc phục. Lực lượng quản lý thị trường sẽ đi đầu trong vấn đề này.

 

Liên quan đến vấn đề tạm nhập - tái xuất xăng dầu, theo báo cáo của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đây là hoạt động bình thường và không bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đây là hoạt động bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng, “nhập rồi nhưng không xuất hết, để lại tiêu thụ trong nước”. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng lượng xăng dầu chưa xuất, còn tồn lại ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% tổng tiêu thụ xăng dầu cả nước (ước khoảng 15 triệu tấn, m3 một năm). Đại diện cơ quan quản lý cho biết, đang tiến hành nhiều biện pháp, sửa đổi các quy định để hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp.