Sau hơn 5 năm tiếp quản lại cơ sở vật chất của Cục thuế Thái Nguyên, Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh (gọi tắt là Thư viện) đã nhanh chóng ổn định, phục vụ bạn đọc. Hầu hết các chỉ tiêu được giao, Thư viện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2012, Thư viện phục vụ hơn 67.000 lượt bạn đọc, đạt 112% kế hoạch; luân chuyển sách, báo gần 173.000 lượt, đạt 115% kế hoạch; bổ sung sách mới gần 3.000 bản, đạt 136% kế hoạch, cấp 919 thẻ đọc mới, đạt 102% kế hoạch… Nhưng phía sau thành tích đó vẫn còn nhiều lắm những nỗi niềm.
Thư viện tỉnh mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Tôi đến Thư viện vào một ngày giữa tuần. Đứng trước ngôi nhà 4 tầng, trụ sở Thư viện ở số 29, đường Bến Tượng (phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên). Từ ngoài cổng dưới tấm biển Thư viện, đập vào mắt chúng tôi là một phụ nữ ngồi bán thịt gia cầm, cạnh đó là những chiếc xe thu gom rác gây mất mỹ quan đô thị.
Khi trao đổi, làm việc với lãnh đạo Thư viện, những gì được biết càng cho chúng tôi cảm nhận Thư viện chưa thật xứng tầm với vị trí của một Thư viện tỉnh, chứ chưa nói đến tầm Thư viện trung tâm vùng Việt Bắc như các đồng chí lãnh đạo tỉnh khuyến khích đơn vị hướng tới. Vì ở đây, cán bộ, viên chức đang phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất bất hợp lý, thiếu kinh phí hoạt động và thiếu cả người làm việc.
Do trước đây, khu nhà này được xây dựng cho một cơ quan hành chính Nhà nước hoạt động, nên không thể phù hợp với đặc thù hoạt động của thư viện. Dù ngay sau tiếp quản, Thư viện đã được Ngành chủ quản và UBND tỉnh quan tâm, cấp kinh phí cải tạo lại. Song do kết cấu chịu lực của công trình ngôi nhà, những người có trách nhiệm chỉ dám cho đục tường, tạo thành những cửa vòm giữa các gian phòng, nhìn rất chật chội, thiếu an toàn. Anh Trần Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện không giấu giếm: Khoảng cách giữa các giá để sách chật hẹp, nhân viên phục vụ phải đi lại khó khăn. Hơn thế nữa, diện tích phòng làm việc không đủ, giá sách thiếu, nên có rất nhiều sách mới, sách hay không đến được tay bạn đọc.
Trong Thư viện, nhân viên xếp cả sách lên vuông cửa sổ, nhiều cuốn sách "đắp đống" lên ghế băng, bỏ dưới nền nhà và xếp đầy trên bàn của một số phòng làm việc. Phó Giám đốc Thư viện, anh Phạm Minh Tuấn cho biết thêm: Thư viện hiện có gần 160.000 bản sách và 70 loại báo, tạp chí. Trung bình mỗi năm, Thư viện được bổ sung mới gần 3.000 cuốn sách. Dù cán bộ, viên chức trong đơn vị luôn chú trọng việc thanh lọc tài liệu theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhưng sách vẫn thiếu giá bày phục vụ bạn đọc. Không có gì thay đổi, đến cuối quý I này, đơn vị lại tiếp nhận thêm gần 3.000 cuốn sách mới theo kế hoạch.
Thứ tư (23/1), ngày làm việc giữa tuần, nhưng đi khắp các phòng đọc chúng tôi chỉ gặp lác đác một vài độc giả đến mượn sách. Tôi thầm nghĩ: Đáng tiếc là một kho tài nguyên trí tuệ của nhân loại đang nằm im ỉm ở ngay giữa trung tâm một thành phố văn hoá. Cũng có lẽ do ở đây, các phòng đọc chật hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu chỗ ngồi cho độc giả. Phòng đọc lớn nhất của Thư viện mới đáp ứng được khoảng gần 60 chỗ ngồi, có phòng sách xếp gần như kín xung quanh, một khoảng nhỏ giữa phòng được tận dụng kê bàn đọc, vừa chỗ cho 4 độc giả ngồi.
Phòng đọc, kho sách chật hẹp, biên chế thiếu, nên hầu hết cán bộ, viên chức trong đơn vị phải làm việc kiêm nhiệm. Các phòng: Phục vụ bạn đọc người lớn; bộ phận luân chuyển sách Địa chí và Phòng Phục vụ bạn đọc khiếm thị có duy nhất 1 nhân viên. Cũng vì thế trong Thư viện, cán bộ, viên chức làm một việc, nhưng phải biết nhiều việc để sẵn sàng bổ sung khi bộ phận làm việc nào đó có người bị ốm. Ngay cả chuyện nghỉ phép năm, lãnh đạo Thư viện "phải" vận động cán bộ, viên chức chỉ nghỉ phép khi thật cần thiết, và nên nghỉ từng đợt ngắn ngày.
Tôi xin mượn cuốn "Trăm năm cô đơn" của Gabrien Gacxia Márquez - Nhà văn Côlômbia. Chị Lý Thị Mười, Phó trưởng Phòng Bạn đọc hướng dẫn cho tôi 2 cách tra cứu: Tìm trên tấm các truyền thống đặt trong hộc tủ hoặc tra trên máy vi tính. Chỉ sau ít phút tôi đã biết được cuốn sách mình cần đang nằm ở kho nào. Nhưng để cuốn sách đến tay tôi, chị Mười bắt đầu đi từ phòng phục vụ sang kho lấy sách rồi mang về đưa cho tôi. Từ phòng đăng ký mượn ở tầng 3, tôi cầm cuốn sách lên phòng đọc ở tầng 4. Chị Nguyễn Thị Nội và chị Mai Thị Hương, nhân viên thủ thư cho biết thêm: Thư viện hoạt động theo hình thức kho mở, nhưng do phòng, kho chia nhỏ, chật hẹp, không bảo đảm yêu cầu, việc quản lý sách rất khó, chưa nói đến chuyện độc giả lấy sách mang về mà không đăng ký mượn, chỉ cần 1 độc giả khi lựa sách, đặt lại sách sai vị trí là nhân viên Thư viện đã vã mồ hôi hột để tìm. Vì thế sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi phải mất thêm 30 phút để kiểm tra, xếp lại sách.
Hoả hoạn có thể xảy ra, kho tài nguyên tri thức nhân loại cấp tỉnh có thể bị thiêu rụi trong ít phút. Anh Nguyên mở hộp phòng cháy chữa cháy cho tôi xem, đó là một đường ống được đặt ở vị trí dễ thấy, dễ lấy nhưng không được đấu với nguồn nước, cũ rỉ và không còn khả năng sử dụng. Còn anh Tuấn tâm sự: Kinh phí thiếu, Thư viện lại không được trên cho cơ chế sưu tầm các thư tịch cổ như các thần phả, hương ước và các loại sách quý đang lưu giữ ở các dòng họ… Giây lát anh thở dài: Cuối năm 2012, Sở chủ quản đã có tờ trình với UBND tỉnh xin phép xây dựng Thư viện điện tử với tổng dự toán gần 10 tỉ đồng, nhưng hiện đơn vị chưa nhận được ý kiến gì của tỉnh (?).