“Dấu cộng” hạnh phúc

09:10, 25/06/2013

Có một phép tính cộng mà 99% kết quả đem lại là… bằng không - Đó là câu chuyện tình của những người mang trong cơ thể vi rút HIV. Họ ở T.P Thái Nguyên. Họ đến với nhau bằng tình yêu, bằng sự đồng cảm - Họ là những cặp đôi “dấu cộng” hạnh phúc.

Trong đời ai cũng ước mơ cho mình một mái ấm hạnh phúc riêng. Với những người từng ngược xuôi khắp miền Nam - Bắc, lăn lộn mưu sinh trên trường đời rồi bị lây nhiễm căn bệnh HIV, trong nghĩ suy của họ cũng luôn mơ ước hạnh phúc và khát vọng được sống như mọi người.

 

 

Chị Tô Thị Lan (Phường Phan Đình Phùng) tâm sự: Cũng bởi đứt gánh giữa đường, cuộc đời em hóa dang dở. Đã vậy, sau ngày tang chồng, cha mẹ bên nội chẳng mấy ngày không dè bửu, bảo em cao số, nên con trai của họ mới chết sớm.

 

Lan bị lây nhiễm HIV từ chồng. Chồng Lan, anh Trần Văn Dũng bị lây nhiễm HIV từ ngày theo bạn đi làm ăn xa nhà. Khi biết chồng bị lây nhiễm HIV thì Lan cũng đã trở thành nạn nhân của căn bệnh thế giới chưa tìm được thuốc chữa. Rất may, đứa con gái của 2 người âm tính với căn bệnh này.

 

Như gần 9.000 người được phát hiện có HIV ở tỉnh Thái Nguyên, và hàng vạn người bị lây nhiễm căn bệnh này trong cả nước, Lan rơi vào tâm trạng chán nản, bất cần, luôn khắc khoải suy nghĩ không biết mình sẽ sống được bao nhiêu ngày nữa?. Có lúc Lan muốn tự tử vì mặc cảm. Ý nghĩ tiêu cực của Lan được xóa đi từ ngày chị tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương. Ở đây, chị có bạn bè mới, cùng phận hoa liễu bị dập vùi do căn bệnh HIV. Đau đớn tinh thần được sẻ chia, niềm tâm tư dồn nén bấy nay trút bỏ. Mọi người động viên nhau cùng sống tốt hơn cho chính mình, cho gia đình và xã hội.

 

Lan lấy chồng lần 2. Chồng Lan là anh Nguyễn Cương Quyết. Anh Quyết cũng bị HIV, là thành viên Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng. Anh Quyết bảo: Mình phải chấp nhận chung sống với căn bệnh này, có như thế mới động viên nhau cùng vượt qua khó khăn về kinh tế, tình cảm. Hơn nữa là để tránh lây nhiễm căn bệnh của mình cho người thân, cho những người xung quanh.

 

Dám công bố mình bị HIV như vợ chồng anh chị Quyết - Lan, nhất là dám nhận mình bị HIV do tiêm chích ma túy, do chơi bời, tôi cho rằng họ dũng cảm.

 

Thực tế họ còn dũng cảm hơn rất nhiều trong ý nghĩ của tôi, bởi họ là những tuyên truyền viên tích cực về căn bệnh thế kỷ. Việc làm của họ là giúp những ai chưa mắc căn bệnh HIV thì đừng dại mà chết do thiếu hiểu biết. Còn những người đồng cảnh ngộ, họ động viên, phân tích để bệnh nhân có niềm tin vào cuộc sống.

 

Lập gia đình, giữa 2 người có hôn thú, có sự chứng kiến của họ mạc, của bạn bè đồng cảm. Là vợ chồng, song giữa họ không muốn có con chung. Quyết bảo: Nếu sử dụng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, chúng em có thể sinh con không bị lây nhiễm HIV. Nhưng con em sinh ra, cháu sẽ phải lớn lên trong sự kỳ thị vô hình của mọi người trong cộng đồng xã hội. Như thế, tội cháu nhỏ lắm.

 

Hầu hết các cặp đôi HIV, về ở với nhau đều chung hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ngay cả bệnh nhân là cán bộ, viên chức, công chức đã nghỉ chế độ, hằng tháng có lương hưu cũng chẳng mấy dư dả. Sức khỏe sa sút, tâm lý dao động, nhất là với những người lao động tự do. Chị Hoàng Thị Tuyến cho biết: Hiện em đang chung sống với anh Phan Đức Minh. Chúng em cùng sinh hoạt ở  Câu lạc bộ Vì Ngày mai tươi sáng. Em làm thợ may, anh ấy làm thợ cơ khí. Chúng em đến với nhau khi cả 2 đều đã có HIV trong máu. Lấy nhau, để giúp nhau lúc đau ốm, nhất là khi căn bệnh HIV chuyển sang giai đoạn AIDS.

 

Anh Minh kể: Tôi nghiện ma túy từ ngày thi đại học trượt. Giờ tôi vẫn chưa bỏ được hẳn ma túy, nhưng liều lượng sử dụng không nhiều như trước. Năm nay 38 tuổi, gần 40 lần tôi tự cai nghiện ma túy. Cai vài hôm, thấy nhạt mồm nhạt miệng là chích lại. Còn chị Tuyến bảo: Em theo bạn đi làm ở nhà hàng, lương thấp, nhà nghèo nên mới đi khách. Em dính HIV lúc nào không hay. Chồng em là “dân đào vàng”, ngày mới cặp với nhau, có lúc đi chơi với em, anh ấy mang cả xấp tiền loại 500.000 đồng, boa không tiếc tay. Giờ thành vợ chồng, lao động suốt ngày cũng chỉ đủ tiền thuê nhà trọ, rồi tiền thuốc men bồi bổ. Tuy chưa có con, nhưng chúng em đã làm kế hoạch hóa gia đình.

 

Trong bao cuộc hôn nhân giữa 2 người có HIV, tôi cảm nhận giữa họ một sự mong manh như bọt bóng xã phòng. Một hạnh phúc dễ đổ vỡ bởi giữa họ không có sự ràng buộc về con cái, tài sản, mà thứ rằng buộc duy nhất giữa họ là căn bệnh mà xã hội chưa hết kỳ thị. Nhưng 2 người đều từng thấm thía ý nghĩa của cuộc sống, bởi thế họ đã dành cho nhau tình yêu, sự cảm thông để cùng bước tiếp trong đời.

 

Anh Lục Xuân Tuấn (phường Quang Trung) tâm sự: Cuộc đời tôi có những khi đã sống theo cách không còn gì để mất. Tôi đã đi đến các vùng vàng ở Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An và... vướng vào căn bệnh HIV. Đã có lúc tôi muốn quấn quanh người dăm ký thuốc nổ. Châm lửa, đoành. Vậy là xong. Nhưng khi gặp Trần Thị Mây, cô ấy giúp tôi từ bỏ mọi ý nghĩ dại dột. Tôi đã bỏ hẳn ma túy, đồng thời giúp một số bạn bè tự cai nghiện thành công. Tôi và Mây luôn động viên nhau đứng dậy làm lại cuộc đời. Làm lại bằng chính sức lao động của mình. Hằng ngày tôi đi phụ hồ, vợ chạy chợ thêm thắt. Hiện chúng tôi đã mua được mảnh đất nhỏ ở phường Túc Duyên. Dự kiến sang năm chúng tôi làm nhà, sống những ngày còn lại của cuộc đời sao cho thật có ý nghĩa.

 

Có rất nhiều cặp đôi dấu cộng sống đời phù du. Nhưng cũng có rất nhiều cặp đôi dấu cộng đã đứng dậy để làm lại cuộc đời. Chí ít là tự cai nghiện ma túy, dần sống hòa nhập với mọi người trong cộng đồng xã hội.

 

*Tên nhân vật đã được thay đổi