Xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) có 31 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù giao thông vẫn còn rất khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng người dân nơi đây đã và đang đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong phát triển kinh tế cũng như đời sống văn hóa, tinh thần…
Vượt dốc
Cuộc hành trình đến Lũng Hoài gặp nhiều khó khăn hơn những gì tôi mường tượng. Nhiều đoạn, mặt đường toàn đá và dốc ngược. Có những chỗ tưởng như con đường đâm thẳng vào vách núi, rồi lại có 1 khúc cua ngoặt, vẫn toàn đá. 2 bên đường là vách đá dựng đứng, có chỗ ta luy cao đến 15 mét. Lũng Hoài không xa, từ trung tâm xã Thượng Nung đến đầu xóm chưa đầy 4km, nhưng muốn đến xóm thì buộc phải vượt qua dãy núi đá sừng sững chắn ngang. Dù thế, so với trước đây, con đường giờ đã dễ đi hơn nhiều. Những năm trước, người dân ở Lũng Hoài đều phải đi bộ trên con đường mòn nhỏ hẹp, men theo sườn núi đá. Nay đường vào xóm đang được đầu tư, sắp hoàn thiện nên đã có thể đi được xe máy qua đây.
Tìm hiểu thông tin từ trước, tôi được biết, Dự án Nâng cấp đường từ Tân Thành đi Lũng Hoài được khởi công tháng 4-2012. Con đường chỉ có chiều dài hơn 3km, trong đó đoạn 1,4km từ chân dốc lên đỉnh đèo cao nhất sẽ được đổ bê tông, còn lại là đường đất nhưng vốn đầu tư lên tới 25 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hoa, đơn vị thi công cho biết: Việc triển khai Dự án gặp rất nhiều khó khăn do độ dốc lớn và phải áp dụng kỹ thuật nổ mìn phá đá, vừa làm vừa mày mò rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã phải sử dụng gần 20 tấn thuốc nổ TNT để phá đá và chắc sẽ cần thêm vài tấn nữa. Xe tải vận chuyển nguyên vật liệu lên đèo phải dùng máy xúc để kéo, “dìu” lên. Đến nay, chúng tôi đã thi công được khoảng 90% khối lượng công việc và phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án trong tháng 8-2013 theo đúng kế hoạch.
Xóm nghèo đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến
Ông Lý Văn Lù hiện là Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Lũng Hoài, gia đình ông là hộ chuyển đến đây sớm nhất (năm 1992), kể cho tôi nghe về Lũng Hoài những ngày mới lập xóm. 8 hộ người Mông (quê ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng) dắt díu nhau đến đây với ý tưởng tìm đất sản xuất và nơi định cư mới. Đất thì có nhưng đường đi lối lại quá khó khăn. Các hộ đùm bọc, đoàn kết cùng nhau khai hoang lấy đất trồng ngô, lúa nương, nhưng cái đói vẫn cứ đeo bám dai dẳng, bởi trình độ canh tác của bà con còn lạc hậu, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên trong điều kiện khắc nghiệt.
Là một trong số ít người biết chữ lại có uy tín trong cộng đồng nên ông Lý Văn Lù vừa làm Trưởng xóm đồng thời kiêm cả Y tế thôn bản, Thú y viên, Cộng tác viên dân số, Chi hội trưởng nông dân và cả Chi hội trưởng… phụ nữ. Ông tích cực đến từng hộ để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không tảo hôn, bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển sản xuất để chống lại đói nghèo. Công việc gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng hết sức và luôn là người gương mẫu đi đầu: Ông là người đầu tiên đưa giống ngô lai về trồng tại bản; “quán triệt” các con trong nhà khi xây dựng gia đình chỉ đẻ 2 con…
Lũng Hoài nay đã tiến bộ hơn trước nhiều lắm, dẫu rằng 100% các hộ vẫn thuộc diện nghèo và cận nhèo nhưng hộ đói đã gần như không còn. Từ 2 năm trở lại đây, cơ bản người dân Lũng Hoài không còn phải ăn ngô thay cơm như trước. Mỗi hộ trong xóm thường trồng trung bình hơn 10kg ngô giống (tương đương với diện tích gần 1ha) với các giống ngô lai. Ngoài ra, một số hộ như gia đình ông Sùng Văn Trầu, Lý Văn Phình, Lý Văn Sinh… còn nuôi trâu, bò sinh sản để tăng gia sản xuất. Hộ nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy; trên 20 hộ sắm được máy phát điện chạy xăng, dầu để thắp sáng và xem ti vi; một số hộ mua được máy xay xát, máy cày, máy tẽ ngô (có sự hỗ trợ của Nhà nước)…
Ngô là nguồn thu nhập chính của người Mông ở Lũng Hoài. Trong ảnh: Các con anh Sùng Văn Trầu và chị Lý Thị Chua giúp bố mẹ bóc ngô trong dịp nghỉ hè. |
Nói thêm về những tiến bộ của bà con ở Lũng Hoài những năm gần đây, Trưởng xóm Lý Văn Sinh hồ hởi: Bên cạnh những tiến bộ về kinh tế, bà con rất tự giác thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nên 3 năm trở lại đây, xóm không có người sinh con thứ 3, 100% chị em trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh con tại các cơ sở y tế. Bà con tích cực góp tiền và ngày công làm nhà văn hóa, xây dựng các lớp học tại điểm trường. Không còn tình trạng trẻ em thất học, Lũng Hoài đã có một số em học đại học, cao đẳng. Trong các đám hiếu, hỷ, bà con đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, không phiền hà, tốn kém. Xóm không có tệ nạn cờ bạc, ma túy, không có tình trạng chặt phá rừng trái phép. Đặc biệt, bà con không bao giờ nghe theo lời kẻ xấu để làm những việc trái pháp luật, không phù hợp với văn hóa truyền thống của người Mông. Nếu phát hiện có người lạ đến xóm, hay khi có người thân ở nơi khác đến thăm, bà con cũng đều có ý thức báo cho cán bộ xóm... Đó là những tiến bộ vượt bậc trong nhận thức cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lũng Hoài, anh Lý Văn Sinh khẳng định. Vì vậy năm 2010, xóm đã được công nhận là Khu dân cư tiên tiến và là một trong những “điểm sáng” của người Mông trên địa bàn huyện Võ Nhai trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Như nhiều người dân khác trong xóm, nói về tương lai của mình, anh Sùng Văn Trầu tràn đầy hy vọng: Con đường hoàn thành sẽ mở ra cơ hội cho người dân Lũng Hoài xóa đói, giảm nghèo nhanh hơn, thông thương thuận lợi, tiếp cận nhiều hơn với những tiến bộ về kỹ thuật và văn hóa. Sắp tới lại được đầu tư điện lưới quốc gia nữa, bà con vô cùng phấn khởi và biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh để xứng đáng với sự quan tâm đó.